Hàng loạt ý kiến tranh luận về tên gọi của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải thay đổi tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sang cụm từ khác như 'Luật Kiểm soát rượu bia'. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc Tòng Thị Phóng, để đi đến phương án cuối cùng thì cần phải nghiên cứu thêm.

ĐB Trần Quang Chiểu phát biểu trong sáng nay 16.11. Ảnh quochoi.vn

Ngày 16.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong buổi sáng nay, có hơn 30 đại biểu đăng ký tham gia thảo luận, tranh luận về vấn đề này.

Đóng góp vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nêu hai vấn đề lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra quan tâm. Đại biểu lưu ý rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật khác nhau. Do vậy, việc đồng nhất giữa rượu và bia để đưa ra các biện pháp, chế tài kiểm soát giống nhau là trái với pháp luật hiện hành.

"Nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta nghĩ gì với truyền thống thắp hương thờ cúng tổ tiên, mời khách chén rượu nhạt và trong các hoạt động đối ngoại... ", đại biểu Trần Quang Chiểu nêu.

Với mục đích của luật là bảo vệ sức khỏe nhân dân, theo đại biểu Chiểu, đối tượng chịu tác động chính của luật là người sản xuất phải bảo đảm chất lượng và người tiêu dùng có ý thức. Do vậy tên luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm là không có hại. Vì trên thế giới và thị trường trong nước đã có sản phẩm có độ cồn tương đương với bia song không đăng ký là bia. Nếu luật chỉ điều chỉnh với rượu và bia thì chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích của luật khi ban hành

Do đó, tên của luật cần bao quát thực tiễn dễ hiểu, phản ánh đúng nội dung của luật và nên đổi thành thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị về tên gọi "Luật Kiểm soát rượu bia" để có sự bao quát , chính xác hơn về mục tiêu. Đại biểu phân tích, nếu chỉ nói phòng chống tác hại của rượu bia thì chỉ đề cập đến khía cạnh y tế, trong khi rượu bia phải xét trên nhiều khía cạnh, cả y tế, kinh tế, là văn hóa và thói quen lâu đời.

Kiểm soát rượu bia thì sẽ phân định được trách nhiệm nhà nước sẽ kiểm soát khâu sản suất, lưu thông; người uống phải tự kiểm soát việc sử dụng rượu bia trong chừng mực để dần thay đổi văn hóa.

ĐB Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về cơ bản đồng tình với những điều trong dự án luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, ĐB Thảo cho rằng, cách tiếp cận chưa được toàn diện, chỉ được tiếp cận theo y tế, quy định các biện pháp giảm cung giảm cầu, giảm tác hại của rượu, bia.

Phát biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, vấn đề về tên gọi của Luật được đưa ra khá nhiều, nhưng để đi đến phương án cuối cùng thì cần phải nghiên cứu thêm.

NGUYÊN - HÙNG - TRUNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/hang-loat-y-kien-tranh-luan-ve-ten-goi-cua-luat-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-641702.ldo