Hàng loạt xưởng đóng tàu đứng trước nguy cơ đóng cửa

Từ năm 2021, các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới với nhiều điều kiện khắt khe.

Tàu đang được đóng mới tại cơ sở đóng tàu Đức Chiến, Nam Định

Tàu đang được đóng mới tại cơ sở đóng tàu Đức Chiến, Nam Định

Dù 6 tháng nữa mới đến thời hạn trên, nhưng nhiều cơ sở đóng tàu sông đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì khó có thể đáp ứng đầy đủ quy chuẩn.

Đứng ngồi không yên vì vướng mặt bằng, quy hoạch

Những ngày đầu tháng 7/2020, xưởng đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Đức Chiến nằm ven sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang cùng lúc đóng thuê cho khách hàng 3 chiếc tàu sông chở hàng có trọng tải trên 2.000 tấn. Ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc công ty cho biết, mặt bằng nhà xưởng có diện tích gần 10.000m2 và hoạt động được hơn chục năm, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

“Hiện công ty đã có đơn đặt hàng cho năm 2021, tuy vậy, chúng tôi đang lo ngại đến hết năm nay, xưởng có thể phải dừng hoạt động vì không đáp ứng đủ hồ sơ năng lực của cơ sở đóng tàu”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, cơ quan đăng kiểm nhiều lần hướng dẫn, đôn đốc việc gửi hồ sơ để đánh giá năng lực cơ sở đóng tàu. Nếu không đáp ứng đủ năng lực sẽ không được hoạt động tiếp.

“Tuy vậy, cơ sở của tôi chưa biết bao giờ mới xong hồ sơ vì mới đủ các yêu cầu về thành lập doanh nghiệp, trình độ nhân lực, máy móc, thiết bị, đánh giá tác động môi trường... còn chưa làm được thủ tục về giấy phép xây dựng nhà xưởng, bến hạ thủy phương tiện. Chúng tôi cũng chỉ biết đề nghị đơn vị đăng kiểm, chính quyền địa phương tạo điều kiện để cơ sở không bị đóng cửa vì lý do trên”, ông Chiến cho biết.

Hơn chục xưởng đóng tàu khác nằm dọc đoạn sông Ninh Cơ cũng chưa hoàn thành hồ sơ đề nghị đánh giá năng lực, mà hầu hết vì cùng lý do trên. Đại diện một số cơ sở cho biết, trước đây các đơn vị được huyện, xã cho thuê đất sản xuất với thời hạn 10 năm, nhưng sau đó có quy hoạch mở rộng tuyến đường tỉnh chạy song song ven sông nên từ năm 2018 chỉ được cho thuê với thời hạn 1 năm/lần. Trong khi đó, muốn làm được thủ tục giấy phép xây dựng nhà xưởng, bến đỗ... phải có đất được phép sử dụng lâu dài.

Tại tỉnh Ninh Bình, hơn một năm nay, Công ty S.C dù tốn nhiều công sức trình thủ tục, làm việc với các sở, ngành địa phương để mong kịp hoàn thiện hồ sơ đất đai đối với cơ sở sửa chữa tàu và bến thủy ở ven sông Hoàng Long thuộc địa bàn huyện Trường Yên, xong chưa biết khi nào xong.

Đại diện Công ty S.C cho biết, năm 2014, công ty bắt đầu hoạt động sửa chữa phương tiện thủy tại khu đất bãi đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003. Tháng 11/2019, tỉnh Ninh Bình có văn bản đồng ý cho công ty khảo sát lập dự án xây dựng bến bốc xếp hàng hóa và cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy. Tuy vậy, khi thực hiện các thủ tục tiếp theo lại gặp nhiều khó khăn vì cần phải hoàn thiện hồ sơ để bổ sung vào quy hoạch bến thủy và cơ sở đóng tàu. Việc bổ sung vào quy hoạch của tỉnh cần nhiều thời gian, mặt khác việc phê duyệt quy hoạch phải do HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, mà HĐND mỗi năm chỉ họp 2 lần.

“Vì lý do trên, chúng tôi mới đề nghị cơ quan đăng kiểm cho phép gia hạn 2 năm để hoàn thành thủ tục”, đại diện Công ty S.C nói.

Ông Trương Việt Hà, Giám đốc chi cục Đăng kiểm Hải Hưng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hiện có hơn 30 cơ sở đóng tàu đang hoạt động và đến nay nhiều cơ sở cũng gặp khó khăn, vướng mắc như trên.

Ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2 cho biết, riêng địa bàn tỉnh Nam Định và Ninh Bình có hơn 50 cơ sở đóng tàu đang hoạt động. Theo quy định, từ năm 2021, cơ sở đóng tàu phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và quy chuẩn quốc gia về cơ sở đóng tàu mới được tiếp tục hoạt động, song khảo sát cho thấy, thời điểm này 45 - 50% các cơ sở khó đáp ứng được.

“Theo phản ánh của các doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất là hoàn thành thủ tục đất đai để được cấp phép xây dựng nhà xưởng đóng tàu, bến đỗ tàu”, ông Tuấn nói.

Kiến nghị lùi thời hạn áp dụng thêm 1 năm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định tại Nghị định số 24/2015 và Nghị định số 128/2018 của Chính phủ, các cơ sở đóng tàu hoạt động trước năm 2015 nếu sau ngày 30/12/2020 tiếp tục hoạt động phải đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh, năng lực kỹ thuật và nhân lực. Quy định này nhằm đưa hoạt động đóng, sửa chữa phương tiện thủy vào nền nếp, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phương tiện thủy.

Nghị định đề ra có lộ trình, thời hạn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện, tuy nhiên đến nay rất ít cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá đạt chuẩn. Trong khi đó, chỉ còn 6 tháng nữa đến hạn cuối nên việc này có thể dẫn đến việc hàng loạt cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động.

“Sau ngày 31/12/2020, theo quy định, các đơn vị đăng kiểm sẽ không được tiến hành giám sát đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy tại các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện. Điều này sẽ gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm của các cơ sở đóng tàu và người lao động”, ông Học nói.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, khảo sát sơ bộ trên toàn quốc cho thấy, doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và thủ tục lập bến thủy chuyên dùng, như tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương. Theo quy định, đất để xây dựng cơ sở đóng tàu phải là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Còn thực tế nhiều cơ sở đóng tàu được xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc trên đất thuê không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

“Vướng mắc thủ tục về đất cũng kéo theo khó thành lập bến chuyên dùng tại cơ sở đóng tàu, chưa kể có những trường hợp phải bổ sung quy hoạch mới có thể thực hiện thủ tục đầu tư cơ sở đóng tàu, bến chuyên dùng”, vị đại diện này nói và cho biết, để tháo gỡ khó khăn này, Cục Đăng kiểm VN đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng việc xác nhận năng lực cơ sở đóng tàu thêm 1 năm, đến hết ngày 31/12/2021.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Cục Đăng kiểm VN vừa đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đóng tàu cho phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đóng tàu (QCVN 89:2015/BGTVT), cho phép Cục Đăng kiểm VN xác nhận các nội dung liên quan đến năng lực cơ sở đóng tàu, đồng thời khuyến cáo đối với nội dung về đất đai và bến chuyên dùng... giúp doanh nghiệp không bị đình trệ sản xuất.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-loat-xuong-dong-tau-dung-truoc-nguy-co-dong-cua-d472105.html