Hàng loạt vũ khí Đức cung cấp cho Ukraine bị chỉ trích là vô dụng

Vũ khí Đức cung cấp cho Ukraine bị nhận xét có chất lượng ở mức rất kém, điều này làm tăng thêm những chỉ trích nhằm vào Berlin.

Vũ khí Đức viện trợ hóa ra lại là một trong những thứ vô dụng nhất đối với lực lượng vũ trang Ukraine, khi chất lượng của chúng rất kém và nhanh chóng phải đưa đi sửa chữa.

Vũ khí Đức viện trợ hóa ra lại là một trong những thứ vô dụng nhất đối với lực lượng vũ trang Ukraine, khi chất lượng của chúng rất kém và nhanh chóng phải đưa đi sửa chữa.

Mặc dù các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Đức vốn nổi tiếng về chất lượng, tuy nhiên độ tin cậy của vũ khí Đức cung cấp cho Ukraine hóa ra lại trở thành vấn đề lớn nhất đối với lực lượng vũ trang nước này.

Theo ghi nhận, pháo tự hành (SPH) PzH 2000 và hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) MARS II yêu cầu bảo trì liên tục và đơn giản là không thể hoạt động nếu đạt đến giới hạn hao mòn, yêu cầu bảo dưỡng luôn ở mức liên tục.

Dữ liệu sơ bộ cho biết, Quân đội Ukraine đã phải hai lần đưa các tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 của Đức sang nước láng giềng Ba Lan để sửa chữa. Có thể, đây là lý do cho sự xuất hiện định kỳ, không phải thường xuyên của chúng tại Donbass.

Tình hình tương tự cũng được ghi nhận với tổ hợp MLRS MARS II của Đức (một phiên bản sản xuất theo giấy phép dựa trên M270 MLRS của Mỹ), vũ khí trên đã được các chuyên gia Đức bảo dưỡng ít nhất một lần ở nước láng giềng Ba Lan, cho dù chỉ mới tham chiến.

Được biết, trong trường hợp sử dụng với cường độ cao, các hệ thống vũ khí của Đức chỉ đơn giản là ngừng hoạt động. Đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận được đối với Quân đội Ukraine, nhất là khi giao tranh đang ngày càng ác liệt.

Thực tế trên khiến lực lượng vũ trang Ukraine chỉ trích vũ khí Đức có độ tin cậy ở mức kém, không cho phép sử dụng liên tục, từ đó làm gián đoạn những cuộc tiến công của các đơn vị trên những mặt trận quan trọng như Donbass và Kherson.

Điều đáng nói là tình trạng tương tự không được ghi nhận với vũ khí do các quốc gia NATO khác chuyển giao, ví dụ như các tổ hợp MLRS HIMARS và M270 của Mỹ, hay pháo tự hành CAESAR và Krab do Pháp cùng với Ba Lan cung cấp.

Không chỉ có vậy, Đức còn phải đối diện với tai tiếng lớn khi sau rất nhiều lần trì hoãn, cuối cùng thì những xe tăng phòng không Gepard đầu tiên đã có mặt trên đất Ukraine, nhưng rồi Kyiv phải bực tức khi chúng chưa thể chiến đấu.

Lý do rất đơn giản, những hệ thống pháo cao xạ tự hành này không được Đức giao đạn kèm theo xe, khiến chúng đơn giản chỉ là một vật trưng bày bởi chẳng thế đưa ra chiến trường trong điều kiện như vậy.

Nhanh nhất cũng phải đến cuối tháng 8 thì Đức mới tiến hành xong việc chỉnh sửa phần mềm của hệ thống điều khiển hỏa lực để những hệ thống Gepard này nhận diện được loại đạn 35 mm do Na Uy sản xuất.

Ngoài giao vũ khí chất lượng kém hay không cung cấp đạn dược đi kèm, Đức còn bị chỉ trích vì liên tục trì hoãn việc viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 hay xe chiến đấu bộ binh Marder như họ đã hứa.

Giới quan sát nhận định rằng do Đức lo ngại làm mất lòng Nga, sẽ dẫn đến việc nguồn cung khí đốt cho họ bị gián đoạn, cho nên Berlin đã thực hiện những bước đi "không đẹp" nói trên.

Về phần Ukraine, có thông tin cho biết nếu chất lượng vũ khí Đức vẫn ở mức tồi tệ như hiện nay, chính quyền Kyiv có thể sẽ ngừng tiếp nhận và yêu cầu thay thế bằng sản phẩm quốc phòng từ những nước NATO khác.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-vu-khi-duc-cung-cap-cho-ukraine-bi-chi-trich-la-vo-dung-post513181.antd