Hàng loạt trường hợp người lao động được nghỉ việc khồng cần báo trước

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, người lao động được nghỉ việc không cần báo trước cùng hàng loạt những quy định mới về tiền lương...

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 nêu rõ: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Còn với phương án 2: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Hai phương án trên đều có lộ trình tăng chậm, song phương án 1 có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao hơn, hạn chế rủi ro, đảm bảo sự ổn định, tránh gây biến động lớn cho thị trường lao động.

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định mới có lợi cho người lao động

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định mới có lợi cho người lao động

Người lao động được nghỉ việc không cần báo trước

Tại dự thảo Bộ luật Lao động, người lao động có thể nghỉ việc mà không cần phải báo trước trong một số trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa các bên; Bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động; Lao động nữ mang thai nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Cũng theo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết bằng lời nói đối với hợp đồng lao động dưới 1 tháng trừ một số trường hợp đặc biệt

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Song tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác…Quy định này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ

Bổ sung 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7

Dự thảo Bộ Luật Lao động cũng đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 dương lịch). Đề xuất này phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc nên được nhiều người dân ủng hộ. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

2 phương án nghỉ Tết âm lịch

Dự thảo nêu ra 2 phương án. Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Hiện đa số ý kiến đống góp ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/hang-loat-truong-hop-nguoi-lao-dong-duoc-nghi-viec-khong-can-bao-truoc/809969.antd