Hàng loạt trâu, bò ở Bắc Cạn chết bất thường

Những ngày qua, tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) đã có sáu con trâu, bò của nhân dân hai thôn Nà Kéo, Cò Luồng bị chết sau khi uống nước tại một vũng nước trong khu mỏ khoáng sản Nà Diếu. Theo nhân dân, khu mỏ này trước sử dụng xy-a-nua để tuyển vàng, vị trí vũng nước chính là kho chứa chất độc này.

Những con trâu, bò bị chết ngay sát vũng nước trong mỏ Nà Diếu trong ngày 8-4.

Những con trâu, bò bị chết ngay sát vũng nước trong mỏ Nà Diếu trong ngày 8-4.

Ngày 4-4, hai con trâu của người dân thôn Nà Kéo được thả rông tại khu vực mỏ Nà Diếu, xã Thượng Quan. Khu vực này chủ yếu là đồi, núi, không nhiều khe, suối có nước. Hai gia súc uống nước tại vũng nước trong khu vực mỏ Nà Diếu, lập tức bị chết sau đó vài phút. Đến ngày 8-4, bốn con trâu, bò của các hộ dân thôn Nà Kéo và Cò Luồng cũng chăn thả tại khu vực này. Cả bốn con cùng uống nước tại vũng nước trong mỏ và cũng bị chết chỉ sau vài phút, xác nằm cách vũng nước chỉ vài mét.

Anh Lý Trường Giang, thôn Nà Kéo cho biết, sáng 8-4, mẹ tôi đem trâu lên thả khu vực mỏ Nà Diếu. Đến đầu giờ chiều, sau khi ăn cơm xong lên kiểm tra thì thấy trâu đã chết cứng cạnh vũng nước, sát đó là xác của ba con bò của các hộ khác. Còn một con nghé cũng lảo đảo, nằm vật cạnh đó nhưng khi đưa về nhà cho uống nhiều nước thì giờ có vẻ khỏe mạnh hơn. Con trâu của gia đình trị giá 25 triệu đồng, giờ mất trắng, chưa kể con nghé không còn mẹ không biết có sống được không.

Chị Mã Thị Vân Anh, thôn Nà Kéo cho biết: Gia đình có ba con bò thì đều chết sau khi uống nước tại vũng nước trong khu mỏ Nà Diếu. Chúng tôi rất xót xa vì mỗi con bò trị giá hơn 10 triệu đồng là tài sản lớn tích lũy nhiều năm của gia đình.

Ngay sau khi trâu, bò chết vì uống nước, có người đã tới rào quây kín vũng nước. (Ảnh chụp sáng 9-4)

Để thực mục sở thị vũng nước “độc hại” theo phản ánh của nhân dân, chúng tôi đã vượt đường tới khu mỏ Nà Diếu. Đây là khu mỏ trước đây được cấp cho Công ty Hoàng Ngân khai thác, chế biến. Sản phẩm chủ yếu sau khai thác là quặng đa kim có chứa vàng. Hiện giờ mỏ đã hết hạn giấy phép, đã làm thủ tục đóng cửa được khoảng hai năm. Vị trí vũng nước nằm sát với nhà lán bỏ hoang của Công ty Hoàng Ngân. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, có hai người đang rào quây vũng nước, treo một tấm biển với dòng chữ “nguy hiểm, cấm vào”. Những người này không trả lời, lập tức rời đi khi thấy chúng tôi có mặt.

Cán bộ địa chính xã Thượng Quan Nông Công Truyền cho biết, ngày 8-4, vũng nước này chưa bị rào, che đậy như hiện tại. Trước đây, khi mỏ còn phép, công ty rào kín, không cho ai được vào vì vậy người dân không biết vị trí vũng nước, có che bạt chứa vật liệu gì. Giờ công ty đã rời đi, nhà lán bị sập, không còn ai nên người dân mới thả gia súc vào chăn thả thì xảy ra việc này.

Lật những vật liệu che chắn vũng nước lên chúng tôi thấy, phía dưới chỉ có ít nước, dùng que bới lên thì có một lớp bùn mầu xanh, có mùi hóa chất. Theo nhân dân, Công ty Hoàng Ngân đào nhiều bể lắng trên đỉnh núi để ngâm, ủ quặng lấy vàng. Quá trình này bắt buộc phải sử dụng xy-a-nua và vị trí vũng nước chính là kho chứa chất độc này. Số chất độc còn sót lại khiến trâu, bò sau khi uống bị chết chỉ sau vài phút.

Trưởng Công an xã Thượng Quan Hoàng Đức Tuấn cho biết, sau khi nhận được tin, chính quyền cùng với ngành chức năng đã vào kiểm tra, lập biên bản. Chúng tôi nhận thấy cả sáu con trâu, bò sau khi chết đều có hiện tượng sùi bọt mép, bụng chướng to, xuất huyết ở mắt và hậu môn. Ngành chức năng đã lấy mẫu thịt đi xét nghiệm.

Theo lãnh đạo xã Thượng Quan, trước đây hiện tượng trâu, bò chết sau khi uống nước ở khu vực mỏ Nà Diếu đã từng xảy ra. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Ngân chủ động thỏa thuận, đền bù nên người dân không bức xúc như hiện tại. Toàn xã hiện có 2.211 con trâu, bò, ngựa nhưng chủ yếu là chăn thả rông trên các khu vực đồi, núi thuộc mỏ Nà Diếu. Chính vì vậy, người dân hết sức lo lắng không rõ vũng nước kia chứa chất gì mà có thể khiến gia súc chết ngay lập tức.

Dù đã hoàn thổ, đóng cửa nhưng tại mỏ Nà Diếu vẫn tồn tại những bể ngâm ủ chứa nước thế này.

Theo chính quyền xã, khu mỏ này đã đóng cửa, hoàn thổ nhưng xã không nắm được cụ thể việc hoàn thổ, đóng cửa như thế nào. Thực tế, trên đỉnh núi ở mỏ Nà Diếu hiện vẫn còn bốn bể ngâm ủ quặng kích thước lớn từ ngày trước vẫn đang chứa nước. Những bể này, nếu không còn hóa chất ngâm ủ thì cũng là những “giếng bẫy”, gia súc trượt chân rơi xuống có thể bị chết.

Điều đáng ngại hơn là sau khi phát hiện gia súc chết, một số hộ dân đã xẻ lấy thịt về nấu ăn cho dù chính quyền đã khuyến cáo người dân cần tiêu hủy. Toàn bộ nội tạng bị vứt bỏ trong một hố sâu tại khu mỏ Nà Diếu gây ô nhiễm.

Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Cạn cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân khiến gia súc chết bất thường tại Thượng Quan; rà soát kỹ phương án, việc triển khai các thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn thổ của doanh nghiệp tại mỏ Nà Diếu, xử lý nghiêm những vi phạm nếu có, xác định mức độ ô nhiễm hóa chất nếu có để ổn định cuộc sống cho nhân dân.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39794202-hang-loat-trau-bo-o-bac-can-chet-bat-thuong.html