Hàng loạt thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37

Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Kinh tế TW tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ (TDMNBB) đến năm 2020.

Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: "TDMNBB là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước về cả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây cũng là địa có nhiều lợi thế cho phát triển nông, lâm, thủy sản.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, TDMNBB đã có nhiều thành công như phát triển thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước sau ĐBSCL, là vùng chè lớn nhất cả nước với nhiều thương hiệu mạnh như Tuyết San, Suối Giàng, Tân Cương..

Ngoài ra, hình thành được nhiều vùng chăn nuôi tập trung như trâu, bò thịt ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La và vùng bò sữa ở Mộc Châu, Nghệ An. Về lâm nghiệp, TDMNBB cũng trở thành vùng trọng điểm của cả nước".

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, bộ đã triển khai thực hiện 29 quy hoạch vùng TDMNBB, bám sát các yêu cầu về định hướng phát triển, xác định rõ các loại cây, con, thủy sản chủ lực và lợi thế cho từng địa phương.

Bên cạnh đó, từ 2004-2018, Bộ NN-PTNT cũng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp với tổng kinh phí lên đến hơn 18.000 tỷ đồng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp ở TDMNBB đã chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng.

Theo con số của Bộ NN-PTNT, từ 2004-2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp ở TDMNBB đạt bình quân 4,87%/năm, so với cả nước là 4,6%/năm.

Với những nỗ lực trên, hiện nay, nông dân ở TDMNBB đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, thu nhập ngày càng tăng.

Ngoài ra, công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, đưa TDMNBB thành vùng trọng điểm lâm nghiệp của cả nước, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ che phủ rừng của khu vực đã tăng từ 42,9% năm 2004 lên 55,6% năm 2018.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sau khi tăng mật độ che phủ rừng, cần đẩy mạnh chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, TDMNBB vẫn đang còn gặp phải nhiều hạn chế như sản xuất vẫn ở hình thức nhỏ lẻ, manh mún, tự cung cự cấp, khó hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Quá trình bảo quản, chế chiến sau thu hoạch vẫn chủ yếu ở dạng sơ chế khiến giá trị thấp, giảm lợi thế cạnh tranh.

Chưa kể đến, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất còn chậm, hiệu quả thấp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều.

Một điểm hạn chế nữa là tỷ lệ đạt tiêu chí nông thôn mới ở TDMNBB còn thấp hơn so với bình quân của cả nước, đặc biệt là tiêu chí về hạ tầng.

Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc sở NN-PTNT Hà Giang Nguyễn Đức Vinh cho biết, khó nhất của tỉnh là vốn sản xuất, hiện nay mỗi năm địa phương phải chi từ 60-90 tỷ đồng ngân sách để trả lãi các khoản vay đầu tư vào nuôi ong, trồng cam và chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, Hà Giang cũng áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật vào chăn nuôi, trong đó tập trung vào con giống và đào tạo tay nghề cho lực lượng thú y, khuyến nông cơ sở.

Với Sơn La, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Thành Công nói tỉnh đã phát huy lợi thế để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có hiệu quả, ví dụ như giảm diện tích trồng ngô chuyển sang cây ăn quả. Để làm được điều đó, tỉnh đã quyết liệt chuyển đổi tổ chức sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Từ đó, thay đổi quan điểm của người dân, mạnh dạn tham gia vào các chuỗi sản xuất để tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế.

Tại địa bàn miền Trung, Phó Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa Hoàng Thị Yến cho biết, tỉnh có những cơ chế chính sách riêng cho ngành nông nghiệp như tái cơ cấu, khuyến khích cây trồng vật nuôi hay nông thôn mới với kinh phí vào khoảng hơn 200 tỷ đồng/năm trong 5 năm vừa qua.

Phó Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía cơ quan chức năng, ông Điển đại diện Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị, nên phân chia ngân sách phát triển rừng theo tỷ lệ che phủ của các tỉnh, nơi nào nhiều rừng thì được đầu tư nhiều hơn.

Một vấn đề nữa là cần đẩy mạnh dự báo, cảnh báo cho TDMNBB, khu vực trong 15 năm qua có đến hơn 2.000 thiệt mạng do thiên tai, chủ yếu là do lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh việc dự báo, bố trí lại các khu vực dân cư cũng là một giải pháp cần xem xét để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở TDMNBB.

Sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế TW khẳng định, Nghị quyết 37 đã thực sự đi vào cuộc sống và đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực TDMNBB, trong đó nổi bật là tăng độ che phủ rừng, nâng cao đời sống cho người dân và bảo vệ môi trường. Ông Sơn cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng TDMNBB là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban kinh tế TW yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân của các hạn chế, từ đó đưa ra các đề xuất cho các cơ chế, chính sách mới.

Tùng Đinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hang-loat-thanh-tuu-sau-15-nam-thuc-hien-nghi-quyet-37-post249678.html