Hàng loạt sự cố tại metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên: Vì sao vẫn chưa có kết luận chính thức?

Tính từ cuối 2020 đến tháng 4/2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cùng nhà thầu phát hiện tới 6 gối cao su trên gói thầu CP2 của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bị rơi hoặc xê dịch khỏi vị trí đá kê gối. Tuy nhiên, nguyên nhân vì đâu thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vì sao?

Đến tháng 4/2021, đã có 6 sự cố gối cầu ở tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên.

Đến tháng 4/2021, đã có 6 sự cố gối cầu ở tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên.

Đã có 6 sự cố về gối cầu

Trước đó, ngày 30/10/2020, Ban Quản lý (BQL) phát hiện một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10, cách điểm cuối nhà ga khu công nghệ cao 315m theo hướng Bến Thành đi Suối Tiên thuộc đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối mà không rõ lý do.

Tiếp đó, qua quan trắc các gối cầu còn lại, ngày 28/12/2020, BQL tiếp tục phát hiện thêm một gối cao su sử dụng cho gầm cầu cạn tại vị trí trụ P12-34, cách điểm cuối nhà ga Thủ Đức 550m theo hướng Bến Thành đi Suối Tiên, thuộc đoạn cầu cạn VD12 bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đã kê gối là 100mm theo hướng đi Bến Thành mà không rõ lý do. Thời điểm kiểm tra, gối cầu không còn nhãn mác nhận diện theo quy định.

Đến đầu tháng 4/2021, trong quá trình rà soát, kiểm tra việc tuân thủ hợp đồng, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan phát hiện thêm 4 gối cao su trên gói thầu CP2 metro số 1 bị xê dịch khỏi vị trí.

Như vậy, cùng với 2 gối cao su bị rơi và xê dịch được phát hiện cuối năm 2020, tính đến nay tổng cộng có 6 gối cao su trên gói thầu CP2 có vấn đề.

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP HCM với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 19,7km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại là đoạn trên cao. Theo nhận định của một số chuyên gia giao thông, diễn biến trên cho thấy gối cao su dịch khỏi đá kê gối không phải là hiện tượng cá biệt mà có tính hệ thống. Vì thế, việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân là khẩn cấp nhằm giảm tối đa thiệt hại đến toàn bộ kết cấu hạ tầng bên trên, trong đó có kết cấu gói thầu đã được lắp đặt ray, hệ thống chạy tàu.

Tổng thầu không tích cực phối hợp làm rõ?

Theo tìm hiểu, liên quan đến sự cố rơi gối cầu cao su bản thép tại vị trí trụ P14-10, vào thời điểm tháng 1/2021, tức sau 2 tháng sự cố xảy ra, phía tổng thầu EPC (liên danh SCC) chỉ đưa ra các giải thích/nhận định ban đầu sơ sài, không thuyết phục; và vẫn không bố trí đủ nhân sự nhằm tập trung giải quyết các yêu cầu tư BQL… từ đó gây nhiều khó khăn trong việc phối hợp tìm ra nguyên nhân.

Trong khi sự cố gối cao su cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P12-34 bị dịch chuyển, phía tổng thầu cũng bị cho không kịp thời cung cấp các hồ sơ có liên quan, chưa đưa ra các nhận định kịp thời trong việc phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Sau 4 tháng từ ngày xảy ra sự việc rơi gối cầu cao su bản thép tại vị trí trụ P14-10, tại Báo cáo số 479 Ban ngày 5/3/2021, BQL tiếp tục thông tin: Tổng thầu là Liên danh Sumitomo-CIENCO 6 vẫn chưa bố trí đủ nhân sự nhằm tập trung giải quyết các yêu cầu tư BQL. Do vậy, BQL vẫn chưa có báo cáo khẳng định chính thức gửi đến các cơ quan chức năng theo yêu cầu mặc dù đã cố gắng phối hợp với các bên.

Liên quan đến các sự cố này, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng đã đưa ra những kết luận ban đầu. Theo đó, qua kiểm tra của Hội đồng, cho thấy, bản vẽ thi công không thể hiện lớp vữa đệm hoặc keo của gối theo yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật; các chỉ tiêu thí nghiệm chưa thực hiện liên quan đến tuổi thọ của gối.

Trong biên bản nghiệm thu, quy định sai số cho phép cao độ trên dưới 5mm, theo kết quả thí nghiệm gối với cấp lực thiết kế độ lún của gối từ 0,9-2mm dẫn đến các gối sẽ tiềm ẩn nguy cơ không tiếp xúc kín với đá kê gối và đáy dầm. Do sai số cho phép lớn mà dầm lại có 4 gối điều này sẽ dẫn đến khả năng các gối tiếp xúc không đều, thậm chí vênh gối và không tiếp xúc với gối đầy đủ theo thiết kế.

Từ đó, Hội đồng nhận định: Nguyên nhân gối dịch chuyển chủ yếu thi công chưa chính xác dẫn tới một số gối chưa tiếp xúc tốt với đáy dầm và bệ kê gối. Dưới tác động của nhiệt độ trong khi lực ma sát không đủ cố định gối nên dẫn đến gối bị dịch chuyển tích lũy và làm gối bị dịch chuyển.

Tuy nhiên, phía Liên danh SCC có công văn đề xuất (được BQL chấp thuận) chỉ định tư vấn bên thứ 3 độc lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ để xác định nguyên nhân sự cố dịch chuyển gối cầu, đánh giá độ cứng của nhịp dầm VD 14-10.

Nhưng đến nay, theo theo thông tin của PV, chưa nói đến 4 sự việc mới xảy ra, riêng 2 gối cầu bị xê dịch, rớt hồi cuối năm 2020, tổng thầu vẫn chưa có báo cáo kết luận nguyên nhân cuối cùng. Đề xuất lựa chọn tư vấn bên thứ ba độc lập điều tra, rà soát nguyên nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ và sự khách quan; nhưng đến nay tổng thầu vẫn chưa thực hiện.

Gia Khánh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hang-loat-su-co-tai-metro-tuyen-ben-thanh-suoi-tien-vi-sao-van-chua-co-ket-luan-chinh-thuc-post396581.html