Hàng loạt sai phạm tại dự án thuê đất rừng ở Công ty Long Sơn

Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kết luận thanh tra tại dự án cho thuê đất và giải quyết tranh chấp đất đai giữa Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn với người dân. Theo đó, Thanh tra tỉnh này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty cũng như các sở, ngành liên quan…

Tháng 2-2008, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Công ty Long Sơn) thuê 1.079ha rừng, đất rừng tại Tiểu khu 1535 (thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Trong số 1.079ha được thuê có 507,7ha rừng, số còn lại hơn 571ha là cây trồng các loại. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2013, toàn bộ 507,7ha rừng này đã bị Công ty Long Sơn phá sạch.

Theo kết luận thanh tra, tổng diện tích (1.079ha) Công ty Long Sơn được giao quản lý hiện có 229 hộ gia đình lấn chiếm với diện tích gần 724,3ha. Trước khi triển khai dự án, Công ty Long Sơn đã mời các hộ dân này đến để thống nhất mức hỗ trợ nhưng không đạt kết quả. Sau đó Công ty Long Sơn đã chuyển 900 triệu đồng cho UBND huyện Tuy Đức để thực hiện việc cưỡng chế, giải tỏa.

Khu vực dự án của Công ty Long Sơn, nơi xảy ra vụ án khiến 3 người chết, 13 người bị thương.

Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, giải tỏa thì các hộ dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm, công ty không xử lý được khiến cho việc tranh chấp giữa người dân và công ty ngày càng phức tạp. Ngày 23-6-2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định thu hồi gần 752ha của dự án, số còn lại hơn 304ha tiếp tục cho Công ty Long Sơn quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, trên diện tích hơn 304ha này, Công ty Long Sơn chỉ trồng vỏn vẹn được gần 10ha cao su đúng quy hoạch, còn hơn 231ha trồng các loại cây sai quy hoạch và sai mục đích sử dụng đất.

Cũng trên diện tích này, hiện có 31 hộ dân lấn chiếm hơn 85ha, kiên quyết không giao trả đất. Công ty Long Sơn không thể thực hiện được dự án và cơ quan chức năng cũng lúng túng, chưa có phương án giải quyết ổn định.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa công ty và người dân, các ngành chức năng tại Đắk Nông đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại nhiều bên để tìm giải pháp nhưng bất thành. Theo đó, Công ty Long Sơn chỉ đồng ý hỗ trợ 3-5 triệu đồng/ha để người dân trả đất, di dời, trong khi người dân yêu cầu bồi thường tái định cư, định canh cho họ mới được thu hồi đất. Chính sự bất nhất này đã khiến cho việc tranh chấp đất đai giữa người dân với Công ty Long Sơn ngày càng phức tạp.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trong quá trình cho Công ty Long Sơn thuê 1.079ha để thực hiện dự án đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong khi đó, Công ty Long Sơn lập dự án không chính xác về năng lực điều hành, tổ chức lao động, năng lực tài chính.

Thiếu năng lực, trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép nhưng không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Khi thực hiện dự án, công ty để mất toàn bộ rừng tự nhiên, sử dụng 231/265ha đất từ nguồn gốc rừng bị hủy hoại sai quy hoạch đã được phê duyệt, trái mục đích sử dụng.

Do không đảm bảo nguồn lực tài chính và nhân lực, lực lượng công nhân và bảo vệ của công ty hầu hết là lao động phổ thông nên không quản lý được diện tích đất, rừng được cho thuê, để lấn chiếm diện tích lớn không xử lý được dẫn đến phát sinh khiếu kiện, tố cáo…

Khi bị người dân lấn chiếm đất được cho thuê, Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng không đúng chức năng, thẩm quyền dẫn đến xung đột với người dân mà đỉnh điểm là vụ án ngày 23-10-2016 khiến 3 người chết, 13 người bị thương.

Sở NN&PTNT Đắk Nông (giai đoạn 2006-2007) dù biết dự án đầu tư của công ty lập với hơn 1.000ha trong khi nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình tài chính, các giải pháp đầu tư không khả thi nhưng Sở vẫn ban hanh văn bản thẩm định dự án.

Kết quả phúc tra vào tháng 10-2008 cho thấy có sự biến động về diện tích rừng, đất rừng là hơn 319ha so với quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông nhưng Sở vẫn không đề xuất phương án xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất. Đối với diện tích rừng trong vùng dự án bị mất, Sở cũng chưa có biện pháp tham mưu UBND tỉnh để xử lý triệt để đến cùng. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Sở giai đoạn 2007-2013.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, khi xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển Lâm trường Quảng Tín đã không tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng đất dẫn đến việc không rà soát hiện trạng, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp lấm chiếm đất rừng để chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính…

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao đánh giá năng lực tài chính của Công ty Long Sơn nhưng còn chủ quan. Với quy mô dự án là 1.079 ha, công ty dự toán giai đoạn kiến thiết cơ bản cần gần 38 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn tự có, 20% là vốn vay.

Qua thẩm tra hồ sơ, thì công ty không đảm bảo năng lực tài chính nhưng không hiểu vì sao Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn kết luận công ty đủ năng lực và đề nghị UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Long Sơn không có khả năng lực hiện dự án nhưng sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn không có báo cáo, kiến nghị UBND thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định…

Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng chỉ ra nhiều sai phạm của UBND huyện Tuy Đức trong việc quản lý rừng, quản lý đất đai và dân di cư tự do dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng ở địa phương quá mức kiểm soát.

Chuyển hồ sơ cho Công an điều tra

Liên quan đến các sai phạm của các sở, ngành, địa phương như đã nêu trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể ở những giai đoạn vi phạm theo kết luận thanh tra. Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch đã được duyệt, sai mục đích sử dụng trên diện tích hơn 231ha đất có nguồn gốc rừng bị hủy hoại là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT để xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Văn Thành

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/hang-loat-sai-pham-tai-du-an-thue-dat-rung-o-cong-ty-long-son-510435/