Hàng loạt sai phạm tại Công ty Nam Thị

Vào những ngày cuối tháng 11, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh lại xôn xao với vụ việc xảy ra tại Chung cư La Bonita (số 6-8 đường D2 cũ, nay là đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh) do Công ty TNHH Bất động sản Nam Thị (Công ty Nam Thị) làm chủ đầu tư.

Một căn hộ bán cho nhiều khách hàng

Theo đó, hàng chục khách hàng đã kéo đến Chung cư La Bonita để yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc một căn hộ được mang bán cho nhiều người bằng hình thức đổi số tầng. Chẳng hạn, theo phản ánh của bà V.T.T, bà mua căn hộ và một sàn thương mại tại Chung cư La Bonita trị giá hơn 20 tỷ đồng của Công ty Nam Thị. Tuy nhiên, sau một thời gian, bà T phát hiện Công ty Nam Thị đổi tên số tầng, đổi tên căn hộ và tiếp tục bán cho người khác.

Hàng chục khách hàng đã kéo đến Chung cư La Bonita để yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc 1 căn hộ được mang bán cho nhiều người bằng hình thức đổi số tầng.

Tương tự, theo nội dung đơn tố cáo của khách hàng N.T.C, năm 2014 chị đã ký hợp đồng mua bán căn hộ A2 - Lily tầng 14 (nay đổi số thứ tự là tầng 16), và căn hộ B1-05, với giá trị 1,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay bà Vũ Bảo Trinh, Công ty Nam Thị không công nhận hợp đồng mua bán với chị C. đã ký trước đó. Không những thế, Công ty Nam Thị đã đem 2 căn hộ này đi bán cho nhiều người khác.

"Căn hộ trên tầng 14 của tôi, nay là tầng 16, đã bị bán từ năm 2014 cho bà Vương Thị Thanh, sau đó bà Thanh bán lại cho bà Nguyễn Thị Thanh Tâm. Căn hộ B1-05 nay là A5-07 của tôi thì bán cho nhiều người", chị N.T.T.C cho biết

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các khách hàng tố cáo Công ty Nam Thị cho biết, họ đều đã đóng toàn bộ tiền mua căn hộ. Người ít thì trên dưới 3 tỷ đồng, người nhiều thì hơn 22 tỷ đồng, nhưng hiện nay rơi vào cảnh tranh chấp quyền sở hữu, vì ai cũng có giấy tờ hợp lệ.

Tầng thượng The Bonica bị chủ đầu tư chiếm dụng, xây dựng làm nơi thờ cúng, trồng cây.

Chưa hết, những khách hàng mua nhà tại Chung cư La Bonita lại càng trở nên bối rối khi biết thông tin Công ty Nam Thị đã chuyển nhượng 100% cổ phần cho Công ty Angel Homes. Công ty Angel Homes giao cho ông Lương Xuân Mạnh làm giám đốc điều hành, quản lý tòa nhà.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lương Xuân Mạnh cho biết, Angel Homes vẫn đang trong giai đoạn xem xét và rà soát hồ sơ trên quan điểm nếu như chủ đầu tư cũ làm sai thì họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn công ty của ông chỉ là đơn vị tiếp nhận cổ phần cũ.

“Bắt tay” khách hàng bán tài sản đang thế chấp?

Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã gửi đơn đến Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Công an TP Hồ Chí Minh) tố cáo việc Công ty Nam Thị có dấu hiệu "bắt tay" với khách hàng để bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.

Cụ thể, VPBank tố cáo ông N.V.T và bà T.T.L (cùng đăng ký thường trú tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt vay tín dụng thông qua các hợp đồng đã ký với VPBank với tổng số tiền vay của 3 hợp đồng tín dụng là hơn 6,1 tỷ đồng.

Tài sản được ông N.V.T và bà T.T.L dùng để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay là 3 căn hộ tại tòa nhà La Bonita gồm căn hộ A1 tầng 12, căn hộ A3 tầng 12, căn hộ B2 tầng 12.

Việc này được VPBank, ông N.V.T và bà T.T.L ký hợp đồng thế chấp tài sản, đã công chứng tại Văn phòng Công chứng Bến Thành và đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả những giao dịch giấy tờ trên đều có xác nhận phong tỏa của Công ty Nam Thị.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay vốn, ông N.V.T và bà T.T.L đã trả hơn 200 triệu đồng nợ gốc, hơn 632 triệu đồng nợ lãi. Tuy nhiên, từ tháng 5-2016 thì ông bà này bắt đầu vi phạm nghĩa vụ thanh toán, theo VPBank tính đến ngày 4-10-2018 tổng dư nợ khoản vay trên hơn 8,5 tỷ đồng.

Để thu hồi nợ, VPBank cho biết đã nhiều lần liên hệ làm việc, yêu cầu ông N.V.T và bà T.T.L thanh toán nợ, bàn giao tài sản thế chấp để ngân hàng xử lý.

Thế nhưng, hai người này lại cố tình trốn tránh, không hợp tác giải quyết, thậm chí còn tự ý thanh lý toàn bộ các hợp đồng mua bán căn hộ đang là tài sản thế chấp tại VPBank với Công ty Nam Thị khi chưa có sự đồng ý của VPBank, cũng như chưa thanh toán xong các khoản nợ.

Mặt khác, VPBank cũng đã nhiều lần liên hệ với Công ty Nam Thị, đề nghị doanh nghiệp này phối hợp với ngân hàng để làm rõ vụ việc các bên tự ý thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Nam Thị không hợp tác.

Theo VPBank, việc ông N.V.T và bà T.T.L "bắt tay" với Công ty Nam Thị thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ đang thế chấp tại VPBank, đồng thời để nợ quá hạn kéo dài đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

PV

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hang-loat-sai-pham-tai-cong-ty-nam-thi-523590/