Hàng loạt sai phạm của VEAM dưới thời Chủ tịch Trần Ngọc Hà

Với những người hiểu chuyện, việc ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố chỉ là kết cục của hàng loạt sai phạm trong việc quản lý tài chính và điều lệ...

Ngày 3-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các ông: Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp. Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM. Cả 4 bị can bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sai phạm trong quản lý vốn, tài sản, công nợ

Với những người hiểu chuyện ở VEAM, việc ông Hà bị khởi tố chỉ là kết cục của hàng loạt sai phạm trong việc quản lý tài chính và điều lệ của VEAM.

VEAM được thành lập năm 1990 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương). Từ ngày 24-1-2017 đã chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, với số vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm tới 88,47%. Ngành nghề kinh doanh chính bao gồm: sản xuất kinh doanh các loại động cơ, các loại máy nông nghiệp; ôtô-xe máy; công nghiệp hỗ trợ và kinh doanh các ngành nghề khác theo quy định.

Trước đó, Bộ Công thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại tổng công ty này.

Theo kết luận thanh tra, quy trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm. Từ năm 2010 đến tháng 6-2018, VEAM hỗ trợ cho các đơn vị thành viên vay vốn song chưa có Nghị quyết cụ thể, thậm chí còn liên tục ký các hợp đồng hỗ trợ cho các đơn vị thành viên vay vốn trong tình trạng các đơn vị này đều kinh doanh thua lỗ, nhiều năm liền không trả được gốc và lãi dẫn đến nhiều khoản vay đều quá hạn trả nợ gốc, nhưng do đều được gia hạn cả gốc và lãi qua các năm nên tại thời điểm Thanh tra tháng 6 năm 2018, tổng số tiền cho vay từ công ty mẹ chưa thu được là khoảng 595 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Hà - Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018.

Ông Trần Ngọc Hà - Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018.

VEAM cũng có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ. Theo đó, VEAM đã lưu trữ hồ sơ không đầy đủ các tài liệu liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư tại VEAM, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy ôtô VEAM.

Đối với hệ thống khuôn ô tô trên mặt bằng VM có giá trị gần 27 tỷ đồng, song VEAM hạch toán hệ thống khuôn trên tài khoản 156 (hàng hóa) mà không theo dõi trên tài khoản tài sản, như vậy không phản ánh chính xác giá trị tài sản đầu tư.

Về việc mua sắm ôtô, từ năm 2010 đến năm 2015, VEAM đã mua xe ôtô sai quy định với tổng số tiền mua vượt quy định là 2,6 tỷ đồng. Tiếp đó, trong năm 2016, VEAM tiếp tục mua xe Toyota Landcruiser và Honda Odyssey cao hơn mức quy định là 1,2 tỷ đồng. VEAM thực hiện mua xe nhưng không tiến hành mua theo hình thức đấu thầu với tổng số tiền là gần 9 tỷ đồng.

VEAM còn có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư tài sản dự án không hiệu quả, gây lãng phí. Cụ thể như khu đất 25A Vũ Ngọc Phan, Hà Nội (Viện Công nghệ); Quản lý lô đất 27B Khu công nghiệp Quang Minh... Một số khu đất quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản như Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo; Công ty TNHH một thành viên Diesel Sông Công...

Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ xăng 6+8 HP không hiệu quả, hệ thống thiết bị không sử dụng dẫn đến lãng phí tài sản đầu tư; Xưởng dập và xưởng hàn VM có nhiều thiết bị không được sử dụng, gây lãng phí tài sản và hao phí vô ích.

Tại nhà máy ôtô VEAM có lưu giữ 305 bộ khuôn dập hiện tại không/chưa sử dụng, là tài sản VM giữ hộ VEAM. Điều đáng nói, hệ thống khuôn dập này được VEAM mua từ năm 2005, 2012, nhưng không được sử dụng, gây lãng phí tiền đầu tư và tài sản.

Thất thoát nhiều tỷ đồng từ sai phạm trong kinh doanh

Theo kết luận thanh tra, có nhiều sai phạm trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát, thậm chí mất vốn nhà nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của TAMAC thua lỗ, đến đầu năm 2018 TAMAC đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn tới hơn 36 tỷ đồng; VM kinh doanh trong giai đoạn 2010-6 tháng đầu năm 2018 cũng không hiệu quả, lỗ lũy kế tổng cộng gần 332 tỷ đồng, gây mất vốn đầu tư của VEAM số tiền là 331,8 tỷ đồng…

Hay như Dự án đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất xe Hyundai tại nhà máy VEAM. Cụ thể, đối với gói thầu mua sắm thiết bị của Nhà máy ôtô VEAM phục vụ dây chuyền thiết bị lắp ráp xe Hyundai, VEAM ôtô chưa cung cấp hồ sơ thiết kế và hồ sơ thẩm định trước khi thi công, thiếu hồ sơ pháp lý của tổ chuyên gia đấu thầu.

Thậm chí không cung cấp hồ sơ thể hiện quy trình thực hiện việc mua sắm hàng hóa của dự án đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất xe Hyundai tại Nhà máy ôtô VEAM theo quy đinh; một số thiết bị của Dự án không có nhãn, mác của nhà sản xuất. Do vậy không đối chiếu được trong hồ sơ do nhà máy cung cấp như máy hàn rút rôn, máy cắt Plasma, máy cân bằng lốp CB 1200.

Đáng chú ý hơn nữa, dù dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất xe Hyundai tại Nhà máy ôtô VEAM theo báo cáo là vẫn hoạt động bình thường, nhưng kiểm tra lại cho thấy dây chuyền này không hoạt động sản xuất; máy hàn điểm được phê duyệt giá trị 4,6 tỷ đồng để thực hiện mua sắm tổng số 46 máy hàn điểm. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, Nhà máy ô tô VEAM chỉ thực hiện mua 36 máy hàn điểm với trị giá 2,19 tỷ đồng.

Ôtô tải do VEAM lắp ráp.

Vụ việc điển hình nữa cho các sai phạm xảy ra tại VEAM, đó là việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto. Tại thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại.

Bên cạnh đó, VEAM cũng thực hiện việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty nhưng không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐTV/Tổng giám đốc, theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.

Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, việc mua 3.000 bộ linh kiện tại VM không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT/Tổng giám đốc theo quy định. Nhà máy ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; không tham khảo và đàm phán giá theo quy định.

Trách nhiệm chính về những sai phạm này thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng HĐTV và Ban Tổng giám đốc. Đánh giá khái quát về tình trạng VM hiện nay, báo cáo mới đây của lãnh đạo VEAM cho biết "hiện nay hoạt động của VM đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng vốn không hiệu quả".

Đáng lưu ý theo con số đưa ra báo cáo thì lượng tồn kho của VM luôn ở mức rất cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Trong tổng số 2.950 xe ôtô do VM sản xuất tồn thời điểm cuối năm 2018 thì nhiều xe khó tiêu thụ vì lỗi mốt và chất lượng xuống cấp do nhiều xe đã để ngoài trời một thời gian dài.

Nhật Uyên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hang-loat-sai-pham-cua-veam-duoi-thoi-chu-tich-tran-ngoc-ha-556768/