Hàng loạt resort ở Mũi Né đóng cửa

Khoảng 30-40% khách sạn, resort tại Bình Thuận chưa mở cửa trở lại, theo ước tính từ Sở VHTT&DL tỉnh, khiến 70% lao động trong ngành mất việc.

 Coco Beach nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (Mũi Né) được xem là resort đầu tiên ở Việt Nam khi đi vào hoạt động từ năm 1995. Do đó, việc nơi này "cửa đóng then cài" suốt nhiều tháng qua khiến người làm du lịch tại đây không khỏi tiếc nuối.

Coco Beach nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (Mũi Né) được xem là resort đầu tiên ở Việt Nam khi đi vào hoạt động từ năm 1995. Do đó, việc nơi này "cửa đóng then cài" suốt nhiều tháng qua khiến người làm du lịch tại đây không khỏi tiếc nuối.

Bên trong khuôn viên resort, hồ bơi đọng đầy nước mưa, bắt đầu phủ rêu xanh, cỏ cây mọc um tùm.

Biển hiệu nhà hàng Paradise Beach Club nằm trong Coco Beach cũng bị bỏ mặc khi resort này đã tạm dừng hoạt động từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau đợt cách ly toàn xã hội, du khách đã dần quay trở lại với Mũi Né. Địa phương đồng thời phát 1.000 voucher du lịch cho khách từ TP.HCM, giảm 50% chi phí lưu trú và dịch vụ tại một số cơ sở đăng ký tham gia. Tuy nhiên, chương trình vừa triển khai được mấy ngày thì dịch tái phát. Đến nay, chỉ khoảng 60-70% khách sạn, resort mở cửa trở lại. Ngay cả resort 4 sao Hoàng Ngọc và trung tâm vui chơi giải trí Mũi Né Kids Center cũng chưa có dấu hiệu quay lại hoạt động.

Trong khi đó, nhiều resort 3 sao như Vinh Sương, Dynasty... cũng đang tạm dừng kinh doanh.

Thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 8, công suất phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn chỉ đạt 25-40%, giảm khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trong giai đoạn hiện nay, tỷ lệ này chỉ là 10-15%, chủ yếu là khách du lịch nội địa đi chơi vào các ngày cuối tuần.

Đi dọc con đường Nguyễn Đình Chiểu - Huỳnh Thúc Kháng, không khó để bắt gặp cảnh những hàng rào dài 10-30 m bao quanh các resort, khách sạn không hoạt động.

Trước đó, nơi đây được coi là "thủ phủ resort" của Việt Nam, bởi hàng loạt resort lớn nhỏ nằm liên tiếp dọc bãi biển Mũi Né, trở thành thiên đường nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, mặc dù theo ghi nhận của cơ quan quản lý, chưa có doanh nghiệp nào rơi vào tình trạng phá sản, nhưng không ít khách sạn và resort đang rao thuê mặt bằng.

Nói với Zing, đại diện khách sạn Song Hương cho biết chỉ phục vụ 1-2 phòng trong tổng công suất 50 phòng vào các ngày cuối tuần. Điều này buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà hàng bên cạnh và cho thuê lại mặt bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh vắng khách du lịch và chi tiêu người dân không còn như trước, từ đầu năm đến nay đơn vị vẫn chưa tìm được người thuê lại mặt bằng.

Dù là vào ngày cuối tuần, dọc bãi biển Mũi Né vẫn thưa thớt bóng người.

Trước tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã triển khai chương trình "Oh Wow! Mũi Né" (Ngạc nhiên Mũi Né) nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng. Đồng thời, đa số doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực triển khai các chương trình kích cầu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Thực tế, khoảng 2-3 resort như Seahorse, Terracotta, Làng Tre... vẫn thu hút một lượng khách khá lớn nghỉ vào cuối tuần. Trao đổi với Zing, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahorse Resort, cho biết cơ sở gần như kín phòng trong tháng 10. Trước đó, hồi tháng 7, tỷ lệ lấp đầy tại đây cũng lên đến 87%.

Trong trạng thái bình thường mới hiện nay, cơ sở lưu trú này thực hiện nhiều điều chỉnh về dịch vụ để phù hợp hơn với đối tượng khách nội địa, thay vì chú trọng phục vụ du khách quốc tế như trước.

Quỳnh Danh - Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-loat-resort-o-mui-ne-dong-cua-post1138627.html