Hàng loạt giải pháp đối phó với tội phạm thẻ

Sau khi NHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét giảm hạn mức rút tiền vào các thời điểm có nhiều rủi ro (khoảng thời gian 23h-5h), thì nhiều ngân hàng bắt đầu có hàng loạt giải pháp khác để đối phó với tình trạng mất cắp tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.

Thời điểm khách hàng bị đánh cắp tiền trong tài khoản thẻ thường diễn ra vào lúc nửa đêm, rạng sáng

Thời điểm vàng để đánh cắp tiền

Thống kê cho thấy, các vụ tấn công vào tài khoản ngân hàng, đánh cắp tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng thường rơi vào lúc nửa đêm và rạng sáng, do đây là thời điểm chủ tài khoản thường đang “say giấc nồng” nên khó phát hiện kịp thời, cũng như công tác giám sát của các ngân hàng cũng giảm hiệu quả.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giao giữa ngày cũ và ngày mới, hạn mức rút tiền thay đổi. Ví dụ, nếu ngân hàng quy định hạn mức rút tiền mặt qua ATM của thẻ trong 1 ngày là 50 triệu đồng, thì tội phạm thực hiện hành vi trước 12h đêm hôm trước sẽ rút được 50 triệu đồng và kể từ 12h01 là được tính sang ngày mới, tội phạm có thể rút thêm 50 triệu đồng nữa, do đó sẽ đánh cắp được nhiều tiền hơn.

Hiện nay, không ít ngân hàng cho phép rút tiền mặt qua thẻ ATM trong hệ thống nội mạng với giá trị khá lớn. Như hạn mức rút tối đa trong 1 ngày của BIDV từ 50 – 80 triệu tùy loại thẻ, Vietcombank, Techcombank là 50 triệu đồng, Eximbank là 30 triệu đồng, OCB từ 20 – 40 triệu đồng…

Do đó với những ngân hàng có lượng khách hàng sử dụng thẻ lớn, đặc biệt có thêm hệ thống ATM rộng khắp thì càng có nguy cơ cao rơi vào tầm ngắm của tội phạm thẻ, vì đa số các ngân hàng đều áp dụng chính sách rút tiền rất hạn chế đối với các ATM ngoại mạng.

Nhiều giải pháp hạn chế

Chính vì vậy, sau khi có yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã bắt đầu nghiên cứu giải pháp giảm hạn mức rút tiền về đêm, không chỉ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng mà còn để tự bảo vệ chính mình. Thực tế cũng cho thấy lượng khách hàng có nhu cầu rút tiền với giá trị lớn về khuya là rất thấp, nên việc triển khai giải pháp trên được kỳ vọng sẽ không gặp quá nhiều phản ứng từ phía khách hàng.

Bên cạnh đó, cũng có ngân hàng tuy không giảm hạn mức rút tiền về đêm nhưng đã triển khai giải pháp yêu cầu xác thực qua tin nhắn điện thoại đối với các giao dịch rút tiền giá trị lớn qua ATM. Từ trước đến nay, yêu cầu xác thực chỉ thường được sử dụng đối với các giao dịch chuyển khoản, mua hàng, thanh toán trực tuyến qua Internet Banking, tuy nhiên để đối phó với tội phạm thẻ ngày càng lộng hành thì việc yêu cầu xác thực qua giao dịch trên ATM ngày càng được chú trọng.

Cụ thể, với những giao dịch rút tiền/ chuyển khoản trên ATM nếu vượt một giá trị nào đó (có thể là 10 triệu đồng) trong khoảng thời gian từ 11h – 5h sáng như trên, khách hàng sẽ nhận tin nhắn từ ngân hàng qua số điện thoại đã đăng ký, và buộc phải trả lời xác thực theo một cú pháp quy định để có thể tiếp tục thực hiện giao dịch.

Giải pháp này được xem là không giảm hạn mức rút tiền của khách hàng về đêm, mà vẫn có thể giảm thiệt hại của khách hàng xuống mức thấp (tối đa là 10 triệu đồng) nếu chẳng may rơi vào rủi ro bị đánh cắp tiền.

Khách hàng cũng cần chủ động tự bảo vệ mình

Đặc biệt, chính khách hàng cũng cần chủ động bảo vệ chính mình, theo đó không chỉ đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư qua tin nhắn điện thoại, mà cần nhanh gọi điện đến số hotline của ngân hàng nhờ hỗ trợ khóa tài khoản khi nghi ngờ tài khoản đang bị đánh cắp tiền. Hiện nay một số ngân hàng cũng đang nghiên cứu xây dựng và triển khai quy trình chủ động khóa thẻ khi nhận thấy giao dịch bất thường.

Về việc xác định các giao dịch bất thường thì NHNN cũng đã có yêu cầu các ngân hàng sớm nghiên cứu triển khai giải pháp giám sát, cảnh báo đối với chủ thẻ dựa trên hành vi, thói quen của khách hàng khi giao dịch, vị trí địa lý mà khách hàng thường rút tiền để sớm xác định những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ và thông báo cho khách hàng để ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, hiện nay nhiều ngân hàng cũng đã triển khai dịch vụ cho phép người dùng khóa thẻ ATM thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử (website hoặc ứng dụng điện tử trên điện thoại di động). Được biết một số ngân hàng cho phép khóa thẻ trực tuyến như SHB, VIB... cho phép khách hàng khóa trên ứng dụng Mobile banking; ACB, MB VPBank, TPBank, VIB cho phép khóa thẻ trên Internet Banking.

Khách hàng cũng cần lưu ý là ngay khi phát hiện bị mất tiền, người dùng có thể đổi mật khẩu thẻ ngay trên ứng dụng điện thoại hoặc cây ATM gần nhất. Người dùng cũng có thể lựa chọn chuyển toàn bộ số tiền còn lại của mình trong thẻ đang bị đánh cắp qua một tài khoản ngân hàng khác.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hang-loat-giai-phap-doi-pho-voi-toi-pham-the-11740.html