Hàng loạt giải pháp bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021

Để bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã triển khai loạt giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm.

 Hàng loạt giải pháp bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh minh họa: Anh Quân

Hàng loạt giải pháp bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh minh họa: Anh Quân

Cuối năm cũ, đầu năm mới là dịp nhu cầu mua sắm tăng cao trên cả nước. Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều giải pháp đang được Bộ Công Thương triển khai, đáp ứng cung cấp đủ hàng hóa, không có đột biến về giá cả, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đảm bảo đủ hàng hóa

Với những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trong dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố chủ động phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu quay trở lại, Sở Công Thương các địa phương cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu...

Các địa phương chủ động phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân. Ảnh minh họa: Anh Quân

Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng được khuyến khích tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm...

Trước nhu cầu hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm, các đơn vị sản xuất cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Ổn định thị trường

Cùng với việc đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, việc điều chỉnh, bình ổn giá bán của những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cũng được chú trọng.

Đối với mặt hàng thịt lợn, Sở Công Thương các tỉnh cần chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường...

Việc điều chỉnh, bình ổn giá bán của những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cũng được chú trọng. Ảnh minh họa: Anh Quân

Với ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chủ động lập kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng, trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.

Với các sản phẩm xăng, dầu: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, sớm có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

Với các sản phẩm hàng hóa thiết yếu như thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, xăng dầu, điện, phân bón..., các doanh nghiệp cần đảm bảo cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, bảo đảm sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Theo sát diễn biến thị trường

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Từ đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Để phát huy hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa: Anh Quân

Tăng cường xử lý vi phạm

Nhằm đảm bảo minh bạch, ổn định thị trường cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm chỉ đạo Cục quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, kế hoạch cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các đơn vị cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Hàng loạt các biện pháp trên đang được triển khai đồng bộ, góp phần giúp người tiêu dùng yên tâm đón Tết trong bối cảnh "bình thường mới" phòng chống dịch Covid-19.

Anh Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hang-loat-giai-phap-binh-on-thi-truong-dip-tet-tan-suu-2021-20201104083901411.htm