Hàng loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất lấp hồ sai mục đích chưa bị xử lý?!

Tình trạng san lấp đất nuôi trồng thủy sản; đổ đất 'bức tử' hồ làm biệt thự… tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu 'làm ngơ' cho sai phạm?

Đơn cử như hàng loạt khu đất nuôi trồng thủy sản, chủ yếu đất đìa tôm ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), được san ủi, làm đường để phân lô bán nền tràn lan

UBND huyện Cam Lâm cho biết hiện nay việc san ủi, phân lô bán nền ở khu vực ven đầm Thủy Triều đang có nhiều bất cập vì chưa có quy hoạch. Trong khi đó, việc phân lô bán nền dù đã được cảnh báo nhưng huyện không đủ cơ sở xử lý.

Được biết, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, nhiều ô đìa rộng hàng ngàn mét vuông trước đây nuôi trồng thủy sản đã được một số cá nhân đổ đất, san nền, mở đường, cắm cọc phân lô từ 80 m2 đến hơn 100 m2. Khu đất này nối tiếp khu đất khác, hình thành nhiều cụm đất nền nhô ra phía đầm Thủy Triều. Đường vào nhỏ hẹp, lọt thỏm giữa các ao đìa. Các chủ đất kết hợp với các sàn bất động sản chào mời khách trên nhiều trang mạng xã hội với những thông tin mơ hồ, lập lờ để "câu" khách hàng.

Những khu đất nhô ra đầm Thủy Triều được các sàn bất động sản “thổi” là vị trí đắc địa, sát các dự án triệu đô (Nguồn: Kỳ Nam)

Như một khu đất nằm sâu trong thôn Bắc Vĩnh, lọt giữa ô đìa nuôi trồng thủy sản nhô ra phía đầm Thủy Triều nhưng một người tên Duy rao bán trên mạng xã hội với giá ngang đất nền ở TP Nha Trang là 11,5 triệu đồng/m2. Theo Duy, hiện khu đất này đã được san, cắm cọc thành 32 lô và được quảng cáo là "sát bên đặc khu du lịch Bãi Dài và sân bay quốc tế Cam Ranh. Bãi Dài - Cam Ranh, nơi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hướng đến mạnh mẽ, với 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư…".

Hay một khu đất khác được tự phong cho thành dự án Ocean View, khu dân cư ven đầm Bắc Vĩnh - Cam Hải Tây. Nhân viên tên Quốc quảng cáo: "Dự án có vị trí đắc địa hướng nhìn toàn cảnh 54 resort Bãi Dài, chỉ mất 10 phút để đến sân bay Cam Ranh...". Thậm chí, một số cò đất còn ví khu đất là "hàng xóm" của dự án triệu đô ở Bãi Dài.

Anh Trần Quốc Nhật (TP Hà Nội) cho biết thấy rao khu đất có giá khá rẻ, chỉ gần 800 triệu đồng/100 m2 lại gần biển và các resort cao cấp nên đã bay vào xem để đầu tư. Tuy nhiên, khi đến tận nơi, anh mới biết khu đất nằm sâu trong hẻm rất khó tìm, cách xa những khu vực trên hàng chục km và rất xa trung tâm TP Nha Trang.

"Tôi được dẫn đi lòng vòng qua một vài cung đường, rồi được đưa đến bãi đất trống nằm cạnh đầm Thủy Triều với nhiều đìa nuôi tôm mới được san lấp. Tôi không nghĩ ở đây có thể kết nối được giao thông thuận lợi, cũng như việc xây dựng mật độ dày không bảo đảm môi trường, môi sinh, thương mại nên không mua" - anh Nhật cho hay.

Trao đổi với báo chí về thông tin trên, ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho hay huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo tình trạng nhiều hộ dân ở ven đầm Thủy Triều làm thủ tục xin hiến đất làm đường đi để tiến hành phân lô bán nền trên diện tích đất nông nghiệp diễn ra nhiều. Việc hiến đất, phân lô bán nền bảo đảm thực hiện đúng về kích thước và diện tích tối thiểu theo quy định pháp luật.

Những khu vực này đa số cũng đã được quy hoạch là khu dân cư nhưng chưa được quy hoạch chi tiết 1/2000 hoặc 1/500. Do đó, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc lập quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển khu dân cư, phát triển đô thị… sẽ dẫn đến tình trạng không đồng bộ, nhỏ lẻ, manh mún.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó có văn bản giao UBND huyện Cam Lâm kiểm tra, rà soát lại quy hoạch hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện; việc đầu tư đường giao thông phải phù hợp quy hoạch giao thông, đúng theo quy định pháp luật; phải đầu tư đủ cơ sở hạ tầng và bàn giao lại cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành.

"Trước đây, đoàn của Sở Xây dựng vào kiểm tra, huyện cũng đã báo cáo về tình trạng các sàn giao dịch quảng cáo để bán đất. Huyện cũng đề nghị sở xem xét, quản lý lại các sàn vì thổi phồng, coi chừng Cam Lâm trở thành bong bóng bất động sản…" - vị lãnh đạo UBND huyện nói.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết để chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền, sở đã mời đại diện 80 sàn giao dịch và cơ sở kinh doanh môi giới bất động sản đến tuyên truyền, yêu cầu không tự tiện môi giới chuyển nhượng đất nền do tổ chức, cá nhân tự gom đất mà không lập dự án đầu tư; đồng thời xử lý vi phạm về xây dựng trái phép (hạ tầng) trên khu đất tự phân lô chuyển nhượng đất nền không lập dự án đầu tư theo thẩm quyền.

Hà Nội: Nham nhở khai thác đất đồi ở Ba Vì

Liên quan đến thông tin khai thác đất đồi trên địa bàn Phú Sơn, huyện Ba Vì bị băm nát, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) khẩn trương xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn.

Tuy nhiên, thay vì làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm, chính quyền địa phương lại thông tin chưa đúng sự thật về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu "làm ngơ" cho sai phạm.

Hậu quả là nhiều vùng đồi tại xã Phú Sơn vẫn đang tiếp tục bị "gặm" nham nhở, làm "chảy máu" tài nguyên đất, gây bức xúc trong nhân dân.

Thông tin từ nhân dân xã Phú Sơn phản ánh, khu vực đang khai thác đất đồi trái phép, hàng đoàn xe tải "4 chân" cơi nới thùng xe, chở đất không che chắn, chạy nhanh, tung bụi phủ kín cả đoạn đường tỉnh lộ 411C.

Tại đây như một đại đông trường, các loại máy xúc "gầm rít" càng to hơn, làm náo động của một vùng đồi. Mặc dù, hoạt động khai thác đất trái phép tại khu vực này diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày và khá rầm rộ và khai thác đá quá mức khiến cho cây rừng bị cạo trọc nên khi mưa xuống, nước từ trên núi đổ xuống như thác, cuốn trôi nhiều thứ.

Được biết, liên quan đến tình trạng khai thác, thu gom đất đồi trái phép đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn, ngày 29/6/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã ra công văn số 1298/UBND chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn kiểm tra, yêu cầu dừng ngay các hoạt động khai thác đất đồi trên địa bàn...

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì giao Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn khẩn trương rà soát, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các hộ gia đình, cá nhân (nếu có) để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì sẽ tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai theo quy định.

Trên thực tế, tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên địa bàn thôn Quy Mông, xã Phú Sơn vẫn diễn ra tràn lan với quy mô lớn thế nhưng trả lời báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn lại khẳng định đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Phú Sơn không còn hoạt động khai thác đất đồi.

Như vậy, thông tin lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn cung cấp có đúng sự thật? Đặc biệt, có hay không việc "làm ngơ" cho sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đồi rừng ở Phú Sơn vẫn tiếp tục bị "gặm" nham nhở?

Tiếp nhận thông tin từ ông Nguyễn Đức Cảnh - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho báo chí, những năm gần đây, trên địa bàn xã Phú Sơn thực hiện rất nhiều các dự án trọng điểm của thành phố như: Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 411C; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư X5; Dự án xây dựng cầu Việt Trì nối Quốc lộ 32 Quốc lộ 32C; Dự án đường nối Quốc lộ 32-Nghĩa trang Yên Kỳ-hồ Suối Hai giai đoạn 1... Quá trình thực hiện các dự án gặp một số khó khăn vướng mắc do khan hiếm đất để san lấp mặt bằng.

Lái máy xúc bỏ chạy khi biết nhóm phóng viên thực hiện ghi hình hoạt động khai thác đất đồi trái phép (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Cùng thời điểm đó, một số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (chủ yếu có nguồn gốc là đất ở, đất trồng cây lâu năm) tại khu đồi Lỗ Mong, đồi Cao Lĩnh, đồi Lỗ Gội thuộc xã Phú Sơn có nhu cầu cải tạo, hạ bớt độ cao của thửa đất do có độ cao và độ dốc lớn rất khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, đi lại và trồng cây.

Do vậy, việc khai thác đất đồi theo nội dung báo chí phản ánh là đúng, tuy nhiên đây là việc một số hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận cho đơn vị thi công (Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh) được tận dụng phần đất thừa để thực hiện việc san lấp mặt bằng một số dự án.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn, người dân đã cho các đơn vị đào đất sâu, vì có thể doanh nghiệp hỗ trợ tiền ban đầu nên đã lạm dụng khai thác.

Về việc này, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã giám sát nhưng chưa được đầy đủ. Ông Chu Anh Tuấn khẳng định nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ không phục hồi được sản xuất.

Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã có văn bản chỉ đạo các thôn, xóm tuyên truyền để nhân dân nhận thức được việc khai thác thái quá sẽ không phục hồi lại được.

Bên cạnh đó, qua thông tin của báo chí phản ánh, chính quyền địa phương sẽ rút kinh nghiệm, xem xét lại cách quản lý, để không bị mất đi tài nguyên.

Các bài báo phản ánh về việc trên địa bàn huyện Ba Vì nói chung và xã Phú Sơn nói riêng có tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu thu gom đất đồi của các hộ dân để hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng và tận dụng để khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị "băm nát," lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thậm chí có những điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ngay sau đó, ngày 15/6/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kiểm tra, làm rõ sự việc mà Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

Tiếp theo đó, ngày 2/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vi phạm

Theo báo Công luận đưa tin, Công văn nêu rõ: Vừa qua, một số báo có phản ánh: Hồ Đại Lải - công trình cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc, kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, báo chí liên tục về tình trạng hàng loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất 'bức tử' hồ Đại Lải làm biệt thự.

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lả. Hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho TP Phúc Yên và 2 xã thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf... Việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.

Việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được đề cập từ năm 2019. Đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, "bức tử" hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNN phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.

Tại kết luận số 253 ngày 20.2.2020 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Hồ Đại Lải đang bị "bức tử" bởi hàng loạt dự án nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.

Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến này đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Đáng chú ý, qua kiểm tra hiện trường dự án dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc thì Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,7m và đã trồng cây cảnh, làm đường bằng bê tông ven hồ (theo Kết luận thanh tra hồi tháng 1.2019 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc diện tích đất lấn chiếm là gần 15.600m2)....

Từ thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống lòng hồ.

Đồng thời, rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm trong phạm vi lòng hồ; Xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan.

Cấp, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải theo quy định của pháp luật thủy lợi;…

Theo VietnamNet, mới đây Chủ tịch UBND TP Phúc Yên Phan Tiến Dũng cho biết, sau khi Tổng cục thủy lợi có kết luận, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các dự án đang triển khai tại khu vực hồ Đại Lải. Thời gian kiểm tra từ ngày 17.4 và hạn cuối ban hành kết luận là không quá 30 ngày.

"UBND TP Phúc Yên chỉ là thành viên trong đoàn kiểm tra của tỉnh, về phân cấp quản lý thì mặt nước do Tổng cục Thủy lợi quản lý (Tổng cục giao cho Công ty Thủy lợi Phúc Yên). Còn các doanh nghiệp hoạt động thì tỉnh cấp phép và giao mốc giới", lời ông Dũng.

Ở góc độ TP Phúc Yên, ông Dũng cho biết thời điểm trước kết luận của Tổng cục thì UBND TP cũng nhận được phản ánh của người dân về tỉnh trạng lấn hồ, tuy nhiên do thời điểm đó TP chưa nắm được mốc giới mà các doanh nghiệp được giao nên khó xử lý.

"Thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cử cán bộ chuyên môn xuống cắm mốc giới, bởi vì khi tỉnh giao mốc cho các doanh nghiệp thì TP không nắm được.

Hiện nay, các mốc giới chúng tôi đã nắm được và các doanh nghiệp cứ thực hiện trong mốc giới. Chúng tôi theo chỉ đạo của tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng thi công, còn kết luận đúng sai thế nào phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh", ông Dũng nói.

Hữu Thắng (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tinh-trang-hang-loat-doanh-nghiep-san-nen-do-dat-lap-ho-sai-muc-dich-khong-bi-xu-ly-post36812.html