Hàng loạt điểm mới quan trọng trong cấp, trả hộ chiếu

Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 vừa được Quốc hội thông qua với hàng loạt điểm mới quan trọng trong thủ tục làm hộ chiếu phổ thông. Theo đó, từ 1/7/2020, chỉ còn 4 loại giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh, công dân chỉ cần có Căn cước sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu và được quyền chọn nơi trả hộ chiếu…

Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu

Theo Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, giấy tờ xuất nhập cảnh chỉ gồm 4 loại: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Giấy thông hành. Như vậy, giấy tờ xuất nhập cảnh không còn bao gồm Hộ chiếu thuyền viên. Ngoài ra, Luật mới cũng chỉ gọi chung là Giấy thông hành thay vì 4 loại Giấy thông hành như hiện nay.

Cũng theo Luật này, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Người có thẻ Căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi. Nghĩa là, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.

Thủ tục làm hộ chiếu ngày càng nhanh gọn, thuận tiện

Thủ tục làm hộ chiếu ngày càng nhanh gọn, thuận tiện

Bên cạnh đó, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông từ lần thứ 2 sẽ được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chỉ trường hợp cấp lại hộ chiếu còn thời hạn mới được làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an còn hộ chiếu hết hạn sẽ phải về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Đặc biệt, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không đề cập tới việc cấp chung hộ chiếu. Theo đó, hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Đây là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Thời hạn sử dụng của hộ chiếu phổ thông về cơ bản vẫn được giữ nguyên như hiện nay: Hộ chiếu cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không gia hạn; Hộ chiếu cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn.

Được chọn nơi trả hộ chiếu

Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam còn quy định, người đề nghị cấp hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan nơi thực hiện cấp hộ chiếu thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát. Theo đó, người đề nghị cấp hộ chiếu có quyền lựa chọn nơi trả hộ chiếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Luật này còn nêu rõ, hộ chiếu phổ thông được cấp theo thủ tục rút gọn cho các đối tượng: Người dưới 14 tuổi; Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận giữa Việt Nam với nước sở tại về việc nhận trở lại công dân; Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.

Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu sẽ phải chụp ảnh, thu thập vân tay.

Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, quản lý Trung tâm chứng thư số quốc gia phục vụ việc xác thực, kiểm soát hộ chiếu có gắn chíp điện tử và chia sẻ, trao đổi với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hang-loat-diem-moi-quan-trong-trong-cap-tra-ho-chieu/836210.antd