Hàng loạt 'dây trói' xuất khẩu gạo được nới lỏng từ 1.10.2018: Nhiều tín hiệu mới

Theo quy định mới tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, từ 1.10.2018, hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo sẽ thay đổi. Nhiều doanh nghiệp (DN) XK gạo phấn khởi gia nhập 'sân chơi' với nhiều ưu thế cạnh tranh khi từ nay đến cuối năm 2018, bức tranh XK lúa gạo báo hiệu nhiều tín hiệu lạc quan.

Xuất khẩu gạo có tín hiệu khởi sắc. Ảnh: A.C

Doanh nghiệp “dễ thở” hơn

Theo đại diện nhiều DN XK gạo, quy định mới tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã xóa bỏ thế độc quyền về XK gạo của Vinafood 1 và Vinafood 2; bỏ các quy định cũ trước đây vốn vô hình chung tạo nên “lá bùa” để Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dựa vào đó để tạo nên cơ chế “xin-cho”. “Nếu như trước đây, hàng loạt quy định về kho bãi, quy mô xay xát, trữ lượng gạo dự trữ trong kho để XK… đã loại hàng loạt DN nhỏ và vừa (NVV) thì nay tạo điều kiện để DNNVV tham gia “cuộc chơi”.

“Trước đây, có sự chi phối của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chúng tôi phải “đi vòng”, mua lại giấy phép, thì nay chúng tôi có thể trực tiếp tham gia thị trường. Việc được tham gia trực tiếp, cắt giảm các thủ tục, điều kiện đã khiến giá thành giảm đi rất nhiều, giá gạo chúng tôi tham gia đấu thầu trên thị trường cũng sẽ cạnh tranh hơn” - Chủ một DN XK gạo sang Philippines tại An Giang chia sẻ ý kiến.

Theo chủ DN này, từ 1.10.2018, cải cách lớn nhất là gỡ bỏ yêu cầu quy mô kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, bởi đây chính là rào cản đối với các DN có quy mô nhỏ, tạo điều kiện để các “ông lớn” ngành gạo độc quyền “bao sân”.

Bên cạnh đó, hàng loạt thay đổi mới, bỏ quy định về lượng gạo tồn trong kho (nghị định cũ yêu cầu phải có sẵn lượng gạo bằng 50% khối lượng đăng ký XK); tỉ lệ dự trữ lưu thông giảm từ 10% xuống 5%... là những cải cách rất ưu việt, khiến chi phí của DN giảm xuống rất nhiều, cơ hội cạnh tranh của DN trên thị trường thế giới tăng lên. Quy định mới từ 1.10.2018 cho phép DN không phải “đăng ký” (nghị định cũ yêu cầu DN phải đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội Lương thực Việt Nam-VFA, quy định đăng ký này vốn bị biến tướng thành cơ chế “xin-cho” gây khó khăn, thiệt thòi cho DNNVV).

Ông Phạm Minh Thiện - Tổng GĐ Cty TNHH Cỏ May - cũng đánh giá: Nhiều nội dung quy định về XK gạo đã được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của DN. Trong đó, Nhà nước không còn can thiệp hành chính quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Các DN không chỉ thuận tiện hơn trong việc tham gia thị trường mà chi phí kinh doanh và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính của nhóm DNNVV sẽ giảm xuống đáng kể, DN đã “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện để DN Việt phát triển và hạt gạo Việt Nam được nhìn nhận đúng giá trị, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó còn nhiều “nút thắt” trong XK gạo vẫn cần tiếp tục được cởi bỏ.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho “cuộc chơi”

Sự thay đổi trong cơ chế, chính sách đã tạo cho DN hứng khởi mới hướng tới thị trường XK gạo chất lượng cao, ổn định. Điều này cũng làm thay đổi nhận thức của những người tham gia thị trường, cả nông dân và DN đã thay đổi tư duy trồng lúa và XK gạo. Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) đã chuyển biến mạnh trong nhận thức, trồng các giống lúa thơm cho giá trị cao để cung ứng cho DN XK gạo. Nhóm lúa thơm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, ST, RVT...) chiếm tỉ lệ 22,41%, tăng 8,49% so với vụ hè thu 2017; nhóm chất lượng cao chiếm trên 45%; 2 giống lúa thơm và chất lượng cao đã chiếm gần 70%.

Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An - để tạo thêm điều kiện cho các DN XK, Long An đã quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao 40.000ha, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ có 20.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Riêng các huyện phía Nam gieo trồng các giống lúa đặc sản và giống lúa địa phương.

Theo bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Cty TNHH thực phẩm Long An - từ 1.10.2018, DN không còn bị trói trong các ràng buộc về kho chứa hay cánh đồng lớn như trước đây mà thay vào đó họ phải thực sự là DN sản xuất, XK với những hợp đồng cụ thể. Cty TNHH thực phẩm Long An sẽ mở rộng thêm thị trường để tìm thêm khách hàng cao cấp như Mỹ và tiếp tục hướng đến thị trường Châu Âu, phấn đấu mỗi năm tăng lên 10% lượng gạo XK.

Nhiều DN cho rằng, Trung Quốc hiện đang đứng vị trí đứng đầu nhập khẩu gạo tại Việt Nam, chiếm khoảng 30% trên tổng lượng gạo Việt Nam XK và có vai trò quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch. Mới đây, các DN của Trung Quốc vừa kết thúc chuyến tham quan thực địa kho chứa và cơ sở sản xuất, chế biến gạo của DN XK gạo tiêu biểu tại các tỉnh ĐBSCL. Các đối tác đã có những nhận xét tốt, cũng như tin tưởng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm gạo của ta.

Các DN Trung Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác thương mại gạo và đẩy mạnh việc phân phối trong hệ thống siêu thị tại tỉnh Quảng Đông. Như vậy, bức tranh XK gạo của Việt Nam năm 2018 vẫn rất lạc quan. Theo ông Trương Thanh Phong, cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International. Ltd. H.K, XK gạo sẽ có sự tham gia của nhiều DN XK với chủng loại đa dạng hơn. Cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đến các thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc, Châu Âu, Châu Phi, Iraq... sẽ đến nhiều hơn.

Do có lợi thế về giá khi giảm được chi phí XK, các DN XK gạo trong nước sẽ cạnh tranh tốt với những đối thủ Ấn Độ, Thái Lan ở các thị trường Châu Phi, Iraq... Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thiện cho rằng, Nghị định đã có, nhưng cần thông tư hướng dẫn cụ thể để trong quá trình thực hiện không bị “rối” hoặc sai lệch. Hiện tại, DN Cỏ May của ông đang gia cố, mở rộng nhà xưởng, tìm kiếm thêm thị trường để đẩy mạnh XK trong điều kiện kinh doanh mới có nhiều thuận lợi hơn.

KHÁNH VŨ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/hang-loat-day-troi-xuat-khau-gao-duoc-noi-long-tu-1102018-nhieu-tin-hieu-moi-632482.ldo