Hàng loạt công ty mía đường gặp khó

Giá cổ phiếu của hàng loạt công ty mía đường ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Suốt 1 tháng qua, cổ phiếu KTS của CTCP Đường KonTum chỉ giao dịch 7 phiên, thị giá cổ phiếu lao dốc từ mức 23.800 đồng/cp xuống 17.100 đồng/cp, ghi nhận giảm khoảng 39,2%.

Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu SBT của "vua mía đường" Thành Thành Công - Biên Hòa giao dịch không mấy tích cực với 5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Dù mức giảm không nhiều, chỉ khoảng gần 1,5% từ 18.500 đồng/cp xuống 18.250 đồng/cp, nhưng điều này cũng khiến các nhà đầu tư chán nản.

 Hàng loạt công ty mía đường gặp khó.

Hàng loạt công ty mía đường gặp khó.

Đáng chú ý, trong 3 phiên gần nhất, thanh khoản của SBT bất ngờ sụt giảm mạnh xuống dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh/ phiên, trong khi trước đó, khối lượng giao dịch trung bình luôn đạt trên một triệu đơn vị/phiên.

Tương tự, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu tăng 2%, lên mức 8.400 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.405 tỷ đồng về mức 240 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng chỉ còn bằng 1/6 so với năm 2018, xấp xỉ 199 tỷ đồng.

Điều này đã làm cho cổ phiếu QNS "đỏ sàn" 6 phiên liên tiếp từ mức giá 42.900 đồng/cp xuống 42.000 đồng/cp. Trong tháng 4, QNS cũng đã có sự hồi phục nhưng phiên giảm vẫn áp đảo phiên tăng, có lúc thị giá của QNS đã giảm xuống còn hơn 41.000 đồng/cp.

CTCP Mía đường Sơn La có phần "thảm" hơn khi từ đầu tháng 4 tới nay, chỉ có 4 phiên đóng cửa trong sắc xanh, 3 phiên sắc vàng còn lại là 11 phiên sắc đỏ.

Thị giá của SLS đã giảm mạnh, từ mức 55.800 đồng/cp (phiên 1/4) xuống 42.900 đồng/ cp, tương ứng mức giảm ghi nhận 23,1%, thanh khoản của SLS cũng giảm sút với nhiều phiên chỉ có vài trăm cổ phiếu được giao dịch, thậm chí không có giao dịch.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đầu ra của các nhà máy mía đường vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn kho lớn, dù giá đường đã được cải thiện trong nửa đầu tháng 4 vừa qua nhưng vẫn ở mức thấp do buôn lậu đường chưa giảm, đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng (năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn năm 2018 nhập khẩu khoảng 140.000 tấn, tăng hơn ba lần).

Còn theo các chuyên gia, dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, năng suất ước sẽ giảm so với niên vụ 2018- 2019, khi diện tích trồng mía trên toàn quốc chỉ còn khoảng 220.000 ha; sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ 2018 - 2019.

Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào đầu năm 2020, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bị xóa bỏ, thuế suất nhập khẩu về 0%, thị trường đường Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn.

Do đó, nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu, có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm sẽ trụ được. Còn lại, dự tính có khoảng 1/3 nhà máy hiện nay chưa thích ứng được sẽ gặp thách thức lớn, nếu "chậm chân" doanh nghiệp có thể bị đào thải.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hang-loat-cong-ty-mia-duong-gap-kho-d471691.html