Hàng loạt công trình nước sạch ở Quảng Trị bị bỏ hoang

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân. Tuy nhiên, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã không phát huy hiệu quả, hư hỏng, không được sửa chữa, sau đó bỏ hoang khiến người dân không có nước sạch để dùng, gây lãng phí nguồn vốn.

Công trình nước sạch thôn Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Đa Krông bị bỏ hoang.

“Khát” bên công trình nước sạch

Tỉnh Quảng Trị hiện có 202 công trình cấp nước tập trung nông thôn do cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp quản lý. Sau một thời gian đưa vào vận hành, có 99 công trình không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, trong đó, một số công trình hư hỏng không được đầu tư sửa chữa dẫn đến “đắp chiếu” như: công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tường Vân, xã Triệu An (huyện Triệu Phong), thôn A La, xã Ba Nang; thôn Khe Luồi, xã Mò Ó (huyện Đa Krông), thôn Võ Xá, xã Trung Sơn (huyện Gio Linh), thôn Lê Xá, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh)...

Trước đây, khi chưa có công trình nước sạch, người dân ở thôn Khe Luồi, xã Mò Ó (huyện Đa Krông) chủ yếu dùng nước khe, suối để phục vụ đời sống. Trong những ngày nắng hạn, nguồn nước suối bị cạn kiệt; mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu. Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình nước sạch trên địa bàn, người dân thôn Khe Luồi rất vui mừng. Tuy nhiên, công trình cấp nước tập trung mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Bà Hồ Thị Xa Ro, ở thôn Khe Luồi cho biết: Đơn vị thi công có về sửa chữa nhưng sau đó vài ngày lại bị hư hỏng. Đến nay, công trình cấp nước sạch nêu trên đã bị bỏ hoang, người dân trong thôn lại phải lấy nước khe, suối để sinh hoạt...

Không chỉ riêng xã Mò Ó, tại nhiều địa phương khác ở Quảng Trị, người dân cũng thiếu nước sạch nghiêm trọng khi những công trình cấp nước sạch trị giá hàng tỷ đồng chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi “đắp chiếu”. Ở xã Húc (huyện Đa Krông), trong chín công trình cấp nước tập trung, có bảy công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động. Người dân phải quay trở lại dùng nước khe, suối bị nhiễm bẩn. Ông Hồ Văn Nam, một người dân ở xã Húc chia sẻ: “Nước khe, suối vốn không sạch như trước đây. Sợ nhất là nước bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ gây bệnh tật”.

Nhiều năm qua, người dân ở xã Tà Long (huyện Đa Krông) sống trong cảnh ở bên công trình nước sạch nhưng lại thiếu nước sạch. Xã Tà Long được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chín công trình nước sạch. Đến nay đã có bảy công trình không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Tà Long Hồ Văn Diên cho biết: Thực trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các hộ dân phải lấy nước sông, suối để sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các loại bệnh tật. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết...

Không chỉ ở các xã miền núi mà ngay tại vùng đồng bằng, người dân cũng xót xa nhìn những công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang, trong khi không có nước sạch để dùng. Tại thôn Lê Xá, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) có hai công trình cấp nước Lê Xá 1 và Lê Xá Đông do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị đầu tư năm 2007 và năm 2011, với tổng số vốn hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mỗi hộ dân còn đóng góp thêm kinh phí để lắp đặt hệ thống dẫn nước đến gia đình mình nhưng hiện công trình vẫn không hoạt động. Chị Trần Thị Ái, ở thôn Lê Xá buồn bã cho biết: “Sau khi có công trình nước sạch, gia đình tôi đầu tư 1,3 triệu đồng để lắp đặt đường ống nối từ tuyến ống chính dẫn nước vào nhà. Công trình cấp nước được một năm thì dừng hẳn. Gia đình phải khoan giếng để lấy nước nhưng phải qua ba hệ thống lọc mới sử dụng được do nguồn nước bị nhiễm phèn, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Chúng tôi mong muốn công trình sớm được sửa chữa để cấp nước sạch trở lại cho người dân...”. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng, UBND xã nhiều lần đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị lập đoàn kiểm tra, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào về khắc phục, sửa chữa công trình...

Hai công trình nước sạch này không còn hoạt động cho nên cứ đến mùa nắng hạn là hơn 300 hộ, với gần 600 người dân của thôn Lê Xá thiếu nước sạch nghiêm trọng. Theo chính quyền địa phương, chỉ cần đầu tư từ 100 đến 200 triệu đồng là có thể sửa chữa hai công trình nước sạch này để đưa vào sử dụng trở lại. Song, do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên công trình được đầu tư hàng tỷ đồng vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang.

Cần sớm có giải pháp khắc phục

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt công trình cấp nước trên địa bàn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả là do công tác quản lý sau đầu tư còn nhiều thiếu sót. Sau khi công trình hoàn thành và bàn giao, các chủ đầu tư không thành lập ban quản lý công trình và không tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình cho cán bộ chính quyền địa phương và người dân...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết: Phần lớn các công trình sau khi hoàn thành, lãnh đạo chính quyền địa phương đứng ra tiếp nhận, rồi giao các trưởng thôn tự quản lý, vận hành; không có cán bộ chuyên môn đảm nhận việc duy tu, bảo dưỡng. Thực tế này khiến cho công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công chưa tính đến việc giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu cho nên một số công trình ngày càng thiếu nguồn nước. Thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn đã làm hư hỏng, cuốn trôi nhiều hạng mục công trình nước sạch.

Để khắc phục tình trạng hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị phối hợp các cơ quan liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ công trình. Áp dụng chính sách trợ giá nước sinh hoạt nông thôn, nhất là các công trình nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước sinh hoạt, nguồn nước bị ô nhiễm. Tổ chức khảo sát, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước cấp cho công trình, nhu cầu sử dụng, khả năng góp vốn đối ứng của người dân ở địa phương có công trình cấp nước xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả để lên phương án sửa chữa… Nếu công trình có nguồn nước cấp ổn định, người dân thật sự cần thì xem xét lập phương án nâng cấp, sửa chữa. Trường hợp công trình có nguồn cung cấp nước thiếu ổn định, người dân địa phương không có nhu cầu sử dụng thì cho thanh lý theo quy định. Các địa phương có công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động cần linh hoạt phối hợp, lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn khác nhau để sửa chữa đưa công trình vào hoạt động cấp nước sạch trở lại.

Theo đồng chí Hồ Xuân Hòe, để đạt được kế hoạch mục tiêu cấp nước và vệ sinh môi trường giai đoạn 2018 - 2020, mới đây đơn vị đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương và các chương trình, dự án khác, nhất là nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong nước và ngoài nước để tỉnh có điều kiện sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước bị hư hỏng. Đầu tư xây mới công trình cấp nước ở những vùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lập dự án, kêu gọi vốn đầu tư để nâng cấp, sửa chữa những công trình cấp nước sạch hoạt động kém hiệu quả và xây mới công trình cấp nước sạch ở các địa phương đang cần. Xây dựng cơ chế thực hiện công tác xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý nhằm bảo đảm công trình khai thác bền vững. Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung theo vùng, cấp nước liên xã và bàn giao công trình cho đơn vị chuyên nghiệp quản lý vận hành…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37213102-hang-loat-cong-trinh-nuoc-sach-o-quang-tri-bi-bo-hoang.html