Hàng loạt chính sách gây tranh cãi của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc

Động thái gần đây nhất của LĐBĐ Trung Quốc làm dấy lên nhiều bất mãn khi đưa 55 cầu thủ U25 nước này vào 'trại lính' để tập huấn ngay khi giải VĐQG bước vào giai đoạn nước rút.

Trên Fox Sports Asia, cây bút Scott McIntyre mở đầu bằng phép so sánh: "Cố gắng theo dõi những biến động của bóng đá Trung Quốc thực sự khó không khác gì việc tìm chỗ ngồi trên tàu điện ở Bắc Kinh hay Thượng Hải vào mùa nghỉ lễ".

"Ở nơi đó, mọi người đều cố gắng tới một cái đích của riêng mình, và họ làm điều đó bằng cách xô đẩy lẫn nhau, đơn giản vì ai cũng cho rằng hướng đi của mình là đúng đắn nhất", tác giả bình luận.

Các cầu thủ U25 Trung Quốc bị đưa vào "trại lính" để tập huấn.

Đưa 55 cầu thủ vào "trại lính"

Những năm qua, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) đã thay đổi một số điều luật nhằm khuyến khích cầu thủ ngoại tới quốc gia này thi đấu nhưng rồi lại cấm đoán, rồi đến những án phạt kỳ lạ cho các hành vi trên và ngoài sân cỏ. Tất cả đều khiến không ít người cảm thấy như họ đang phóng phi tiêu theo các hướng khác nhau.

Vào một ngày đẹp trời, một lệnh thông báo bất ngờ được ban xuống, yêu cầu rằng 55 cầu thủ sẽ được gọi triệu tập lên một "trại lính" trong vòng 2 tháng. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức, dẫn tới việc hàng loạt CLB ở hai giải đấu lớn nhất Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động, khi mà nhiều cầu thủ trụ cột của họ đều phải ra đi đúng vào giai đoạn nước rút của mùa giải.

Điều khiến lệnh triệu tập này trở nên kỳ quái hơn, đó là độ tuổi của các cầu thủ được gọi: U25 - độ tuổi mà không có bất kỳ giải đấu nào chấp nhận.

Động thái này cũng vô cùng khó hiểu khiến cho các nhà phân tích và người hâm mộ phản đối kịch liệt. Ngay đến cả chủ tịch của một CLB thi đấu tại Chinese Super League cũng phải công khai chỉ trích chính sách này trên mặt báo.

Về cơ bản, đây là một đội tuyển trẻ (chính xác hơn là độ tuổi lỡ cỡ), với thành phần là các cầu thủ trụ cột "tóm" được từ các CLB vào giai đoạn cuối mùa giải. Tuy nhiên, phần đông trong số họ không có chút kinh nghiệm thi đấu nào cho ĐTQG.

Vậy nước đi này của CFA liệu có giúp đội tuyển của họ thành công, hay sẽ kéo cả nền bóng đá nước này xuống vực thẳm?

Tung ra hàng loạt chính sách oái oăm

Giải VĐQG Trung Quốc lao đao vì hàng loạt chính sách bất ngờ từ CFA. Ảnh: VCG.

Để tăng thêm độ kỳ cục của chính sách này, CFA còn thông báo rằng họ sẽ bỏ ngay lập tức quy định bắt buộc các CLB phải có tối thiểu một cầu thủ U23 được đá chính tại Chinese Super League, trong khi chính sách này mới được áp dụng từ đầu mùa giải năm nay.

Đầu tiên, họ áp dụng chính sách U23 ngay trước thềm mùa giải mới khiến các CLB phải đau đầu để nghĩ ra đối sách phù hợp. Sau đó, họ lại tiếp tục giới hạn cầu thủ ngoại: từ chính sách 3+1 (3 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ châu Á) rút xuống còn 3 cầu thủ ngoại từ mọi khu vực, đồng thời đội bóng tung ra sân bao nhiêu ngoại binh thì phải có bấy nhiêu cầu thủ U23 trong đội hình chính thức. Các CLB phải xoay như chong chóng để đối phó với những quy định oái oăm của CFA.

Theo nhận định của Fox Sports Asia, "cần có một cái đầu tinh thông toán học để sắp xếp đội hình chính và cả đội dự bị". Tất nhiên, các CLB và CĐV có quyền được phẫn nộ với nước cờ kém khôn ngoan này của CFA.

Chưa biết hiện CFA hay cơ quan nào đứng sau chính sách mới nhất liên quan đến các cầu thủ U25 này, nhưng nhiều người cho rằng đây đơn giản là bước đệm chuẩn bị cho một CLB gồm nhóm cầu thủ U25 thi đấu ở Chinese Super League trong tương lai không xa.

Dẫu biết rằng những người làm bóng đá ở Trung Quốc đều muốn nền bóng đá nước nhà phát triển nhanh hơn nữa, nhưng thay vì ban ra những quy định, chính sách ngẫu nhiên, thiếu suy nghĩ chỉ để giải quyết những vấn đề trước mắt, cái họ cần có lẽ là sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hơi hơn cho nền bóng đá nước nhà.

Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để các bên có liên quan tới bóng đá Trung Quốc như CFA, các CLB, người hâm mộ và ban, ngành làm thể thao ngồi lại với nhau để cùng vạch ra một chiến lược dài hơi cho tương lai của bóng đá Trung Quốc.

CFA đang mất dần niềm tin nơi người hâm mộ. Ảnh: Fox Sports Asia.

Cần tôn trọng CLB, cầu thủ và người hâm mộ

Lúc này, với tham vọng cải thiện cả ĐTQG lẫn việc "giữ mặt mũi" ở các sân chơi quốc tế, người chịu thiệt lớn nhất có lẽ là những CĐV - mạch máu duy trì sự sống cho cả nền bóng đá Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua phản ứng của người hâm mộ, hành động bột phát triệu tập 55 cầu thủ U25 này của CFA có thể là "cái đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài" của nền bóng đá đất nước tỷ dân này.

Ở Chinese Super League, nhiều CLB hiện lâm vào tình trạng báo động có thể kể đến như: Sơn Đông đang giành suất dự Champions League châu Á, mất 6 cầu thủ; Quảng Châu đang đua vô địch, mất 5 cầu thủ; Thiên Tân Quyền Kiện đang cố trụ hạng, mất 2 cầu thủ trên hàng công; Đại Liên, đang ngấp nghé nhóm xuống hạng, cũng mất 2 hậu vệ.

Trong lịch sử bóng đá thế giới chưa bao giờ có quốc gia nào "bất ngờ" thi hành chính sách giới hạn cầu thủ khiến các CLB lao đao để thích nghi, sau đó lại "đột nhiên" lấy mất hàng loạt trụ cột của các CLB giữa lúc giải VĐQG của họ đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất khi chỉ còn 5 vòng đấu.

FIFA thường rất ít khi theo dõi việc chính phủ can thiệp vào bóng đá nội, nhưng với việc các CLB bị ép buộc phải nhả người ngoài ý muốn chỉ để tham gia cái gọi là ‘trại lính’ ngay giai đoạn quan trọng của mùa giải, có thể FIFA sẽ phải thay đổi ý định và theo dõi vấn đề này kỹ hơn nhiều.

Điều gì làm nên vị thế số 1 của bóng đá Thái Lan tại Đông Nam Á? Từ công tác nâng cao chất lượng trọng tài cho đến kế hoạch xây dựng đội ngũ quản lý cho tương lai, bóng đá Thái Lan đang từng bước chuyển mình để nâng tầm vị thế tại châu lục.

Bích Hiền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hang-loat-chinh-sach-gay-tranh-cai-cua-lien-doan-bong-da-trung-quoc-post884686.html