Hàng loạt chiêu trò lừa đảo từ 'cơn sốt Bitcoin'

Khi giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác tăng mạnh, ngày càng nhiều chiêu trò lừa đảo ra đời nhằm lợi dụng khát vọng làm giàu dễ dàng và nhanh chóng của nhà đầu tư mới.

Khi giá Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác đồng loạt tăng, số vụ lừa đảo đã tăng vọt trong những tháng qua. Các nạn nhân mất tới hàng triệu USD mỗi tuần vì những vụ lừa đảo tận dụng cơn sốt Bitcoin.

"Mong muốn làm giàu nhanh chóng khiến các nhà đầu tư mới trở thành đối tượng dễ bị tấn công của những kẻ lừa đảo. Nhà chức trách có thể không đủ nguồn lực để giải quyết tất cả trường hợp", Investors' Chronicle bình luận.

Dữ liệu của hãng Action Fraud chỉ ra trong năm 2020, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa tại Anh đã tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5.581 vụ. Đó là chưa kể đến những vụ lừa đảo chưa được báo cáo.

Tháng 1/2021, số vụ lừa đảo tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 lên 720 vụ, tương đương 23 vụ mỗi ngày.

 Những kẻ lừa đảo có ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi để lừa đảo tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.

Những kẻ lừa đảo có ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi để lừa đảo tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.

Mất trắng hàng trăm triệu USD

Theo nguồn tin của Investors’ Chronicle, các nạn nhân ở Anh mất 113 triệu GBP (159,62 triệu USD) vào năm ngoái. Chiêu trò phổ biến của những kẻ lừa đảo là gọi điện mời mọc và một số hình thức khác. Chỉ trong tháng 1/2021, các nạn nhân mất khoảng 14,3 triệu GBP (20,2 triệu USD), tức mỗi vụ lừa đảo cuỗm đi khoảng 20.000 GBP (28.251 USD).

Giá Bitcoin tăng phi mã, nhiều nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận Bitcoin là một khoản đầu tư an toàn. Điều đó thúc đẩy các công ty đầu tư tiền mã hóa tìm ra hàng loạt chiêu trò mới để lôi kéo khách hàng. Nhiều kẻ lừa đảo cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Chúng sử dụng các nền tảng trực tuyến và những mục quảng cáo có thể qua mặt cơ quan quản lý. Hồi năm 2018, Facebook và Google cấm tất cả quảng cáo Bitcoin trên nền tảng của họ. Nguyên nhân là nhiều quảng cáo được sử dụng để đánh lừa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, cả hai công ty liên tục dính vào cáo buộc liên quan đến những quảng cáo lừa đảo trên trang web.

Tháng 1/2021, số vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 lên 720 vụ, tương đương 23 vụ mỗi ngày.

Tháng 7/2020, những kẻ lừa đảo đã thu được 100.000 USD sau khi hack một số tài khoản Twitter nổi tiếng và đăng thông báo sẽ trả gấp đôi nếu người theo dõi gửi Bitcoin đến một địa chỉ Bitcoin ẩn danh. Theo các báo cáo, một số cuộc gọi thậm chí yêu cầu người già đầu tư vào những chương trình tiền mã hóa giả mạo.

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trẻ tuổi, Bitcoin đang ngày càng được công nhận rộng rãi. Nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) chỉ ra 22% nhà đầu tư tiền mã hóa ở độ tuổi trên 55 vào năm 2020, so với chỉ 7% trong năm 2019.

"Có rất nhiều cơ hội lừa đảo tiền mã hóa. Một số người đã kiếm bộn tiền từ tiền mã hóa và điều đó thu hút các nhà đầu tư dễ tổn thương", ông Sam Tate tại công ty luật RPC nhận định.

Mong muốn làm giàu

Giá Bitcoin và Ether - hai loại tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới - tăng mạnh trong những tháng qua. Bitcoin tăng giá 95% từ đầu năm đến nay, trong khi giá Ether tăng 480%. Ngay cả Dogecoin - đồng tiền mã hóa được bắt đầu như một trò đùa - cũng tăng giá hơn 10.000% kể từ ngày 1/1/2021.

Đà tăng giá phi mã khiến nhà đầu tư đổ xô vào tiền mã hóa ngay cả khi không thực sự hiểu về chúng. Theo cuộc khảo sát mới đây của Harris Pol, hầu hết người Mỹ từng nghe đến tiền mã hóa không hiểu chúng hoàn toàn. Khoảng 61% người thừa nhận họ không hiểu, hoặc hiểu rất ít về cách chúng hoạt động.

Hôm 30/3, một nhà đầu tư tên Phillipe Christodoulou cho biết đã mất 17,1 Bitcoin (tương đương 600.000 USD ở thời điểm đó) trong ví kỹ thuật số. Cụ thể, sau khi tải một ứng dụng được đánh giá gần 5 sao trên App Store, anh Christodoulou bị mất toàn bộ số Bitcoin mà anh nắm giữ trong vòng chưa đầy một giây.

Ứng dụng giả mạo là nhà sản xuất thiết bị lưu trữ tiền mã hóa Treznor, dù trên thực tế không hề có mối liên kết nào với công ty này.

Coinfirm (có trụ sở tại Anh), công ty chuyên điều tra các cuộc lừa đảo tiền mã hóa, tiết lộ đã nhận được hơn 7.000 yêu cầu của những người bị đánh cắp tiền mã hóa kể từ tháng 10/2019.

Giá Ether và Bitcoin tăng phi mã trong năm 2021.

Các ứng dụng giả mạo chủ yếu ở Google Play Store dành cho hệ điều hành Android và App Store của Apple, theo ông Pawel Aleksander, Giám đốc thông tin của Coinfirm. Coinfirm cho biết 5 người đã báo cáo bị đánh cắp tiền mã hóa bởi ứng dụng Trezor giả mạo trên iOS, với tổng thiệt hại trị giá 1,6 triệu USD.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo tiền mã hóa là "mối lo ngại đặc biệt" và thường được sử dụng cho các hoạt động tài chính phi pháp như rửa tiền.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan mới đề xuất quy tắc mới có thể buộc nhà đầu tư cá nhân phải có một số kiến thức nhất định về tiền mã hóa trước khi được phép mở tài khoản giao dịch.

Theo ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), tiền thuật toán “không có giá trị nội tại” và những nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tâm lý thua lỗ. “Tiền mã hóa có thể có giá trị ngoài thị trường nhưng không có giá trị nội tại. Hãy chỉ đầu tư vào đó khi bạn sẵn sàng đánh mất tất cả tiền”, ông Bailey cho biết trong một cuộc họp báo.

Những kẻ lừa đảo cố thuyết phục nạn nhân rằng chúng hiểu biết và chuyên nghiệp, có thể đem lại lợi nhuận lớn dù chỉ cần đầu tư và nỗ lực rất ít

Sanjay Andersen

Tuy nhiên, theo Investors’ Chronicle, các nhà chức trách có thể không đủ nguồn lực để đối phó với những chiêu trò lừa đảo liên quan đến Bitcoin trên các phương tiện truyền thông xã hội.

"Câu hỏi đặt ra là liệu có đủ nguồn lực dành cho tội phạm tiền mã hóa hay không. Nguồn vốn bổ sung để giải quyết các vụ lừa đảo tiền mã hóa đến từ đâu?", ông Tate tại RPC đặt câu hỏi.

"Cơ quan quản lý của Anh và các đối tác như Cơ quan Quản lý Tài chính hiểu rằng hành vi gian lận đầu tư có tác động nghiêm trọng đối với tài chính và niềm tin của nạn nhân", Giám đốc Sanjay Andersen của Cục Tình báo Gian lận Quốc gia Anh khẳng định.

"Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhau để ngăn chặn hoạt động tội phạm, đóng cửa các trang web, tài khoản ngân hàng của những kẻ đứng sau các trò gian lận và đưa chúng ra trước vành móng ngựa", ông nhấn mạnh.

"Những kẻ lừa đảo cố thuyết phục nạn nhân rằng chúng hiểu biết và chuyên nghiệp, có thể đem lại lợi nhuận lớn dù chỉ cần đầu tư và nỗ lực rất ít", ông Andersen bình luận. "Nhưng hãy nhớ rằng, nếu một phi vụ dường như quá tốt để trở thành sự thật, nó có thể là lừa đảo", ông nói thêm.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-loat-chieu-tro-lua-dao-tu-con-sot-bitcoin-post1214685.html