Hàng loạt cầu vượt bộ hành ở Hà Nội không phát huy tác dụng

Hà Nội đã tiến hành xây dựng hàng loạt cây cầu vượt để đảm bảo tối đa sự an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, người dân dường như không 'mặn mà' lắm với việc sử dụng.

Ảnh: Cầu vượt bộ hành thưa người qua lại

Ảnh: Cầu vượt bộ hành thưa người qua lại

Nhằm đảm bảo sự an toàn cho người đi bộ khi qua đường, Thành phố Hà Nội đã xây dựng 46 chiếc cầu bộ hành. Tính tới thời điểm hiện tại, an toàn thì có nhưng người dân vẫn chưa được thúc đẩy thói quen đi cầu vượt bộ hành.

ẢNH: Họ có thể mặc sự an nguy của mình mà băng qua đường giữa dòng xe đông đúc thay vì tìm đến cầu đi bộ

"Tiện" được nhắc đến như một nguyên do cho việc người dân không tuân thủ luật giao thông và "ngại" dùng cầu đi bộ. Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn của người đi bộ khi tham gia giao thông, các cây cầu vượt hiện nay phần lớn chưa đáp ứng được sự thuận tiện đúng nghĩa trong di chuyển.

Ông Trần Văn Ngọc sống gần cầu vượt bộ hành (đặt tại Giảng Võ) cho biết: "Cầu này xây vô lý, quá vô lý, nó không thuận lợi cho người dân"

Chú thích ảnh: Cây cầu Giảng Võ nối liền với nhà chờ xe bus, tuy nhiên phần nhiều khách sau khi rời khỏi nhà chờ thường trèo, len qua thanh sắt hoặc bước qua lối nhỏ thay vì di chuyển trên cầu đi bộ.

Theo quan sát của phóng viên tại cầu vượt bộ hành Giảng Võ – Ba Đình, chất lượng cầu đã bắt đầu xuống cấp, các mảng nền bị bung, gập ghềnh, khi đứng trên cầu sẽ cảm nhận rất rõ được sự rung lắc. Điều này khiến người đi bộ muốn sử dụng cũng là một điều cần suy nghĩ.

Bạn Phạm Khánh Bình (Hà Nội) sau khi sử dụng cầu đi bộ nhận xét: "Cầu này bắt đầu xuống cấp, đi cứ phập phồng, cảm giác không được an toàn"

Ngoài ra, tệ nạn xã hội cũng là một điều khiến người dân không "mặn mà" với việc sử dụng cầu.

"Ở đây có rất nhiều con nghiện. Tối đến, chích đầy trên cầu. ở dưới gầm cầu có mấy người nghiện sống nên người dân cũng sợ không dám đi" một nhân viên tại tiệm sửa xe máy gần đó cho hay.

Bên cạnh cây cầu bộ hành Giảng Võ, cầu đi bộ tại Láng Hạ vào mùa nắng nóng cũng bị "ghẻ lạnh", người dân cho rằng một phần do cầu không có mái che và cảm thấy "phiền" để sử dụng

Cô Xuân (Hà Đông) sử dụng lối đi tắt để vào nhà chờ Thành Công thay vì đi cầu vượt bộ hành, cô chia sẻ: "Cô không đi vì đi lên nó mệt, nó mỏi. Cô đi ở dưới lòng đường rồi lui vào đây luôn, việc gì phải lên tận cầu".

Điều đáng nói, một số người dân sống gần đó chia sẻ bản thân chưa từng đặt chân lên cầu đi bộ vì không có nhu cầu.

Chất lượng cầu đi bộ Láng Hạ có phần khả quan hơn ở Giảng Võ. Tuy nhiên, về mặt vệ sinh lại là một điểm yếu lớn. Ở các bậc thang dẫn lên cầu, rất nhiều tàn thuốc lá và cả vỏ chai nhựa bị ném ngổn ngang. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan.

Nhận xét về nhược điểm của cầu đi bộ, anh Văn Lâm (Hà Nội) cho hay: "Bậc thang của cầu quá cao, người trẻ thì không sao, người già đi gây ảnh hưởng rất nhiều đến xương khớp, chưa kể đối với cầu không có mái che, khi di chuyển vào mùa nắng nóng thì không hề dễ dàng".

Được biết, giá của mỗi chiếc cầu vượt là nhiều tỷ đồng. Với số tiền đầu tư lớn như vậy nhưng lợi ích lại rất hạn chế.

"Nói chung là chẳng có tác dụng gì đâu, cái này để tụ tập các thành phần tệ nạn xã hội thôi" một người dân chia sẻ về cầu đi bộ Giảng Võ.

Thực hiện: Yến Tiếp

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hang-loat-cau-vuot-bo-hanh-o-ha-noi-khong-phat-huy-tac-dung-20210620143220796.htm