Hàng loạt cánh rừng khộp ở Gia Lai bị xóa sổ

* Tiến hành củng cố hồ sơ, đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án chuyển CQĐT

* Tiến hành củng cố hồ sơ, đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án chuyển CQĐT

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt diện tích rừng khộp tại khu vực xã Ia Mơ (H. Chư Prông, Gia Lai) bị các đối tượng chặt hạ, lấn chiếm làm nương rẫy. Trước tình hình này, ngày 28-2, UBND H. Chư Prông đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng để triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, nếu đủ yếu tố sẽ xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm.

Diện tích rừng khộp gần 1ha bị phá trắng được lực lượng chức năng xác định thời điểm phá cách đây khoảng 2 tháng.

Diện tích rừng khộp gần 1ha bị phá trắng được lực lượng chức năng xác định thời điểm phá cách đây khoảng 2 tháng.

Mới đây, qua thông tin của người dân, trong 2 ngày 24 và 25-2, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Hạt Kiểm lâm Chư Prông và các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra phát hiện nhiều khu vực rừng tại xã Ia Mơ bị phá. Trong đó, lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý là 5 vị trí bị phá thuộc rừng sản xuất với tổng diện tích 66.151m2 tại khu vực lô 5, khoảnh 10, Tiểu khu 1012. Tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ia Muer quản lý, lực lượng chức năng đã phát hiện có 2 vị trí rừng phòng hộ đầu nguồn, trạng thái rừng tự nhiên rụng lá phục hồi bị phá với tổng diện tích 7.194m2. Trong đó, tại vị trí lô 1, khoảnh 8, Tiểu khu 981 thuộc lâm phần của BQL RPH Ia Muer, toàn bộ cây đều mới bị cưa hạ và còn nguyên gốc, thân, cành tại hiện trường. Qua kiểm đếm, xác định đã có 45 cây Sơn, Dầu, Cà chít (nhóm I-V), đường kính từ 10-25cm bị cưa hạ, khối lượng thiệt hại trên 3,8m3. Lực lượng chức năng xác định rừng bị phá để lấy đất sản xuất, trong đó có 4/7 vị trí đã được kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương và BQL RPH Ia Muer phát hiện, lập biên bản.

Có mặt tại khu vực lô 5, khoảnh 10, Tiểu khu 1012 thuộc lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý mới thấy được mức độ phá rừng nguy hại như thế nào. Sau nhiều đoạn đường đầy ổ gà và bụi vào khu vực biên giới, trước mắt chúng tôi là cả một khoảnh rừng khộp với gần 1ha đã bị tàn phá trắng, hàng nghìn cây rừng lớn nhỏ đã bị cưa hạ và đốt cháy trơ gốc. Những cây dầu non bị chặt hạ cũng đã bắt đầu trổ lá, tái sinh, chứng tỏ khu vực này cũng mới bị các đối tượng chặt hạ, đốt phá trong vòng vài tháng trở lại đây. Cạnh đó, hàng trăm thân mỳ được các đối tượng chuẩn bị sẵn để trồng vào khu vực rừng vừa bị phá. Một cán bộ kiểm lâm địa bàn cho biết: dọc theo con đường vào đất rẫy sản xuất của người dân này, các đối tượng lén lút phá rừng lấy đất sản xuất tại nhiều vị trí. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng phá rừng. Ngay bên vị trí trên là một khu vực rừng bị chặt phá trước mà cơ quan chức năng đã lập biên bản cách đây khoảng 1 năm. Cả một khoảnh rừng hơn 1ha cũng đã bị phá, đốt trơ trụi. Giữa khoảnh rừng những cây điều đã được trồng thế vào lên xanh tốt.

Lý giải về việc tình trạng rừng bị tàn phá để lấy đất sản xuất diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, đơn vị quản lý chính diện tích rừng trên cho rằng: do quá trình chuyển đổi đất rừng sang khu vực tưới lòng hồ thủy lợi Ia Mơ, rồi dự án nông nghiệp cao xuống địa bàn xã khảo sát để chuyển đổi cây trồng, bà con sợ sau này không có đất làm nương rẫy nên phá rừng lấn chiếm đất. "Chưa kể, một số bà con nhận thức sai lầm khi thấy một số hộ dân được đền bù đất rẫy nằm trong khu vực tưới của thủy lợi Ia Mơ nên cũng phá rừng làm rẫy để chờ đền bù. Chúng tôi đã huy động lực lượng xã phối hợp với các đơn vị kiểm lâm, biên phòng, lâm trường tổ chức các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, kể cả chốt chặn tại các ngõ ngách vào rừng nhưng một số đối tượng tinh vi lợi dụng ban đêm dùng rìu, rựa hoặc độ máy cưa xăng không có tiếng để phá rừng", ông Chim phân bua. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy ngoài việc các đối tượng lén lút phá rừng thì toàn bộ các vị trí phá rừng mà chính quyền địa phương, BQL RPH Ia Mơ lập biên bản trước đó đã không được xử lý dứt điểm nên các đối tượng tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của 2 đơn vị chủ rừng là BQL RPH Ia Muer và UBND xã Ia Mơ cũng bộc lộ những yếu kém, hạn chế khi để nhiều diện tích bị phá trong cả thời gian dài nhưng không phát hiện ngăn chặn kịp thời, chưa kể tại các điểm phát hiện, lập biên bản trước đó đều không phát hiện được đối tượng phá rừng...

Bên lề cuộc họp sáng 28-2, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND H. Chư Prông thừa nhận tình hình vi phạm lâm luật có chiều hướng gia tăng từ đầu năm 2019, đặc biệt là tại khu vực tưới của thủy lợi Ia Mơ. Trước đó huyện đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực này. Đồng thời chỉ đạo các xã thành lập tổ công tác phối hợp với các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác TTKS nhưng tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn xảy ra. Nhằm triển khai các biện pháp để chấn chỉnh, xử lý tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất tại khu vực, ông Dũng khẳng định: "Hai ngày cuối tuần này chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các xã biên giới Ia Mơ, Ia Puch và các xã giáp ranh để nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rừng. Riêng đối với toàn bộ diện tích đã bị phá, chúng tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng tiến hành khoanh nuôi, phát triển lại diện tích rừng đã mất. Đồng thời, UBND huyện thành lập ngay một tổ công tác giao cho Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với công an và các ban ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, nếu đủ yếu tố thì khởi tố vụ án chuyển CQĐT xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_202856_hang-loat-canh-rung-khop-o-gia-lai-bi-xoa-so.aspx