Hàng loạt các quốc gia châu Á từng di dời thủ đô

'Tiền lệ' chuyển thủ đô từ thành phố này sang thành phố khác đã xuất hiện từ lâu tại châu Á, khi không chỉ có Indonesia – quốc gia vừa thông báo rời 'trái tim của đất nước' sang tỉnh Đông Kalimantan. Myanmar, Malaysia hay Ấn Độ cũng từng có hành động tương tự.

Ô nhiễm không khí là một trong những quyết định khiến Tổng thống Indonesia đương nhiệm Joko Widodo chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lựa chọn tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo làm thủ đô mới của quốc gia 270 triệu dân. Theo vị Tổng thống thứ 7 của Xứ vạn đảo, thủ đô Jakarta hiện tại đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng, cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, thủ đô tương lai Kalimanta lại ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và nằm ở vị trí trung tâm của quốc đảo rộng lớn được cho là phù hợp với kế hoạch giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Jakarta của Tổng thống vừa tái đắc cử “Jokowi”.

Theo tờ Nikkei Asian Review, đã có không ít quốc gia trên thế giới lựa chọn thay đổi thủ đô vì nhiều lí do. Do đó, những thành công và thất bại của các nước này có thể mang lại cho Indonesia bài học về kế hoạch “rời đô” trị giá 33 tỷ USD của Jakarta.

Myanmar rời đô đến Naypyidaw

Cảnh giác với phong trào dân chủ đang manh nha, Chính quyền quân sự Myanmar đã quyết định di dời thủ đô từ thành phố bên bờ biển Yangon đến Naypyidaw. Mặc dù lý do “rời đô” không được quốc gia Đông Nam Á này đưa ra, song có ý kiến cho rằng, đây là một phần của chiến lược quân sự, trong khi tồn tại tin đồn rằng quyết định này được dẫn dắt bởi một thầy bói.

Thành phố Naypyidaw trở thành thủ đô mới của Myanmar kể từ năm 2005. (Nguồn: Alamy)

Việc quy hoạch thủ đô Naypyidaw đã được hoàn thành vào năm 2005, và các cơ quan đầu não của Chính phủ Myanmar đã chuyển đến thủ đô mới vào năm 2006. Tuy vậy, “trái tim mới” của Myanmar dường như không nhận được sự hoan nghênh, khi sở hữu hệ thống đường cao tốc với 20 làn, cùng Sân bay Naypyidaw có diện tích lên đến 63.000m2, nhưng tần suất sử dụng rất ít và mật độ đi lại rất thấp.

Bên cạnh đó, giới chức thuộc “đất nước của những ngôi chùa” có xu hướng sống xa gia đình đang cư trú tại cố đô Yangon, do hệ thống cơ sở giáo dục và hạ tầng của thủ đô Naypyidaw không đáp ứng đủ yêu cầu của người dân. Về phần mình, hầu hết các nhà ngoại giao và doanh nghiệp nước ngoài vẫn chọn cố đô Yangon, mặc dù Chính quyền của bà Aung San Suu Kyi khuyến khích các Đại sứ quán chuyển đến Naypyidaw. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có Trung Quốc đã mở văn phòng liên lạc tại thủ đô mới, còn Mỹ dự định triển khai vào năm 2020.

Hàn Quốc chọn Sejong làm thành phố tự trị đặc biệt

Năm 2002, ứng cử viên đảng Dân chủ Roh Moo-hyun, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống cùng năm, đã lôi kéo cử tri ở các tỉnh miền trung Hàn Quốc với cam kết chuyển một số cơ quan chính phủ từ thủ đô Seoul sang thành phố tự trị đặc biệt Sejong. Nguyên nhân là do Seoul nằm ở vị trí gần với Triều Tiên và giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và phu nhân trong Lễ nhậm chức ngày 25/2/2003. Tổng thống Roh đã giành được chiến thắng nhờ cam kết chuyển một số cơ quan Chính phủ từ thủ đô Seoul sang thành phố Sejong. (Nguồn: AP)

Thành phố Sejong được thành lập năm 2007 với tư cách là thủ đô hành chính của xứ sở kim chi. Văn phòng các Bộ, ngành chủ chốt dần được chuyển đến Sejong, và quốc gia Đông Bắc Á này đang xem xét liệu có nên thành lập một chi nhánh của Quốc hội tại Sejong, nơi cách thủ đô Seoul chỉ chưa đầy một giờ di chuyển bằng tàu cao tốc.

Mặc dù kế hoạch rời đô của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã thất bại, song việc di dời một phần các cơ quan hành chính ra khỏi Seoul đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố Sejong, giúp cho dân số và giá nhà đất tăng vọt. Tuy nhiên, nếu Phủ Tổng thống và Quốc hội Hàn Quốc vẫn đặt trụ sở tại Seoul, nhiều quan chức nước này sẽ phải chịu sự xáo trộn trong việc đi lại giữa hai thành phố.

Putrajaya – trung tâm hành chính mới của Malaysia

Vào những năm 1980, người đứng đầu Chính phủ Malaysia lúc đó và hiện nay - Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đề xuất chuyển thủ đô hành chính từ Kuala Lumpur sang Putrajaya - địa điểm chỉ cách đó 25km về phía Nam. Putrajaya được đặt theo tên của ông Tunku Abdul Rahman Putra al-Haj, vị Thủ tướng đầu tiên của “hòn ngọc phương Đông” Malaysia.

Không chỉ là trung tâm hành chính mới, Putrajaya còn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia. (Ảnh: Fhaizal Mazlan)

Kuala Lumpur là thủ đô tài chính và thương mại của Malaysia, trong khi Putrajaya là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Chính phủ, bao gồm cả Văn phòng Thủ tướng và dinh Thủ tướng.

Sự phát triển của trung tâm hành chính mới Putrajaya đã khiến cho các khu chung cư cao tầng, hệ thống giải trí, cùng cao ốc văn phòng mọc lên nhanh chóng. Điều này không chỉ hỗ trợ cho việc phát triển các khu vực tư nhân, mà còn giúp biến thủ đô Kuala Lumpur thành trung tâm mũi nhọn cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Nur Sultan trở thành thủ đô của “trái tim Âu Á”

Năm 1994, cựu Tổng thống Kazakhstan Nurseult Nazarbayev đã thông qua đạo luật di chuyển thủ đô từ Almaty, nơi Uzbekistan từng chiếm làm thủ đô Trung Á không chính thức của Liên Xô, đến Akmola. Kể từ năm 1998 đến nay, thủ đô của Kazakhstan đã trải qua 2 lần đổi tên, thành Astana vào năm 1998 và hiện nay là Nur Sultan.

Thủ đô Nur Sultan sở hữu nhiều kiến trúc đặc trưng của vùng Trung Á, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, vừa hiện địa theo tiêu chuẩn của một thành phố tương lai. (Nguồn: astanatimes)

Nằm ở trung tâm của Kazakhstan, Nur Sultan từ một thị trấn tỉnh lẻ đã trở thành một thành phố hiện đại, trẻ trung, sôi động và là trung tâm kinh tế của đất nước “trái tim Âu Á”, với 79% dân số là người Kakazh.

Thủ đô 69 tuổi Islamabad

Karachi - thành phố cảng phía Nam Pakistan được mệnh danh là thủ đô đầu tiên của nước này vào năm 1947, sau khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trong một cuộc đảo chính vào những năm 1950, nhóm do Nguyên soái Mohammad Ayub Khan lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát đất nước và chọn Islamabad nằm ở phía Bắc làm thủ đô mới.

Tòa nhà Quốc hội ở Islamabad. (Nguồn: Reuters)

Islamabad được chọn làm thủ đô là nhờ có vị trí gần với phần lãnh thổ đang tranh chấp Kashmir và sự bất khả xâm phạm đối với các cuộc tấn công ven biển. Dân số của thành phố Islamabad đã tăng lên khoảng một triệu người, so với dưới 100.000 người ở thời điểm trước khi được chọn làm thủ đô.

New Delhi, Ấn Độ

Năm 1911, thực dân Anh đã quyết định chuyển thủ đô của Ấn Độ từ cái nôi văn học Calcutta sang Delhi. Sau đó, thủ đô Delhi đã được đổi tên thành New Delhi vào năm 1927 và chính thức được khánh thành vào năm 1931.

Lăng mộ Safdarjung - kỳ quan sa thạch và đá cẩm thạch được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Ấn Độ. (Nguồn: Independent)

Theo giai tầng thống trị Anh lúc đó, lý do di dời thủ đô là để thuận tiện hơn cho việc cai trị các vùng lãnh thổ mà người Anh nắm giữ, vì vị trí của New Delhi nằm ở phía Bắc Ấn Độ. Sau khi người Anh rời khỏi xứ sở sắc màu vào năm 1947, New Delhi tiếp tục là trụ sở của Chính phủ Ấn Độ. Hiện nay, dân số thủ đô New Delhi là gần 20 triệu người, so với khoảng 400.000 người vào năm 1911. Trong bối cảnh những người dân từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ di cư đến New Delhi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, quá trình đô thị hóa tại thủ đô của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã diễn ra nhanh chóng, khiến cho đây trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Philippines với nhiều sự xáo trộn

Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm “miền đất hứa” mới cho các doanh nghiệp và Chính phủ, Philippines đang “để mắt” đến khu đô thị mới có tên New Clark City, cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía Bắc. Đây là nỗ lực nằm trong kế hoạch của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm mở rộng sự phát triển ra bên ngoài các thành phố lớn, giảm bớt tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng và tắc nghẽn giao thông của Manila.

Một góc của New Clark City, Philippines. (Nguồn: Reuters)

Trước đó, Philippines từng nhiều lần “xáo trộn” thủ đô. Năm 1948, thành phố Quezon được chọn làm thủ đô chính thức và giữ vị trí này cho đến năm 1976, khi cựu Tổng thống Ferdinand Marcos phục hồi Manila. Hiện nay, thủ đô Manila được coi là thành phố hàng đầu Philippines trong lĩnh vực thương nghiệp, giáo dục và văn hóa.

(theo Nikkei Asian Review)

Cẩm Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hang-loat-cac-quoc-gia-chau-a-tung-di-roi-thu-do-100320.html