Hàng loạt ca nặng, phải thở máy vì sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội tại TP.HCM. Số ca nặng từ đầu năm đến nay là 274 trường hợp. Các bệnh viện vẫn chưa có dịch truyền cao phân tử phù hợp nhất cho các ca bệnh nặng.

Sáng 24/6, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện có 626 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết. Trong đó có 82 ca nặng, khoảng 50% được chuyển từ các bệnh viện tỉnh lên TP vì quá khả năng điều trị.

Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 90 bệnh nhi sốt xuất huyết, 8 ca nặng, trong đó 2 ca đang thở máy. Bệnh viện Nhi đồng 2 có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 ca nặng. Bệnh viện Nhi đồng TP có 89 bệnh nhi, 21 ca nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy.

Bệnh nhi sốt xuất huyết tại TP.HCM. Ảnh: SYT

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 373 ca sốt xuất huyết (264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các ca đang điều trị nội trú của bệnh viện. Trong số đó, có 45 ca nặng, bao gồm 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu.

Trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm lên 16.057 trường hợp. Hiện số tử vong đã tăng lên 9 người, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, TP chỉ có 2 trường hợp.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các bệnh viện đều không còn dung dịch cao phân tử Dextran, HES 200.000 dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Bác sĩ phải thay thế bằng HES 130.000, kết hợp thêm albumin tuy nhiên hiệu quả không tối ưu như các cao phân tử Dextran và HES 200.

Tình trạng này đã kéo dài từ 2021 đến nay, do nguồn cung khó khăn. Năm 2020, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép khẩn cấp cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi dịch truyền Dextran 40 để phục vụ điều trị sốt xuất huyết. Đây cũng là đơn vị nhập khẩu duy nhất Dextran hiện tại.

CPC1 đã nhập 9.000 túi nhưng tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn sử dụng, đang chờ hủy. Tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM, tháng 5 vừa qua cũng tiêu hủy một số lượng dịch Dextran do hết hạn sử dụng.

Dịch truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng vẫn thiếu.

“Thời điểm bệnh viện có thuốc thì không có dịch, không có bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần sử dụng. Thuốc này đặc biệt chỉ dành riêng cho sốt xuất huyết nên không thể điều chuyển chữa bệnh lý khác. Đến khi dịch bùng lên thì thuốc hết hạn bắt buộc phải tiêu hủy”, ông Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói.

Việc thay thế HES 130.000 là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh sốt xuất huyết đang bùng phát ở các tỉnh phía Nam. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang là tâm dịch. Dự kiến khoảng tháng 12/2022, dịch truyền Dextran 40 mới được cung ứng (do thời gian đặt hàng, sản xuất).

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên khi diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ tử vong.

Ba giai đoạn của sốt xuất huyết:

Giai đoạn sốt: thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn.

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần.

Giai đoạn nguy kịch: thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh tính từ khi bắt đầu sốt. Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột (đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh), tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều...

Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Giai đoạn này người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu kịp thời, bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn hồi phục hồi: thường sau ngày 7 của bệnh.

Trong quá trình điều trị ngoại trú bệnh nhân cần tái khám và làm xét nghiệm máu hàng ngày. Đặc biệt nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải nhập viện điều trị nội trú.

Người bệnh cần đến ngay bệnh viện gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì; không tiểu trên 6 giờ.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hon-80-ca-sot-xuat-huyet-nang-va-nguy-kich-van-thieu-dich-truyen-tai-tp-hcm-2033191.html