Hàng loạt bệnh viện thẩm mỹ tư nhân đứng cuối bảng xếp hạng chất lượng

Trong tổng số 102 bệnh viện trên địa bàn TPHCM được Sở Y tế TPHCM đánh giá chất lượng, hàng loạt bệnh viện thẩm mỹ tư nhân đều có điểm thấp, thậm chí đứng cuối bảng xếp hạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hầu hết các bệnh viện này đều có điểm đánh giá chất lượng dưới 3/5 điểm, thậm chí dưới 2,5 điểm như Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế Thảo Điền, Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Á Âu, Bệnh viện thẩm mỹ Sài Gòn, Bệnh viện thẩm mỹ Kim Hospital, Bệnh viện thẩm mỹ AVA Văn Lang…

Theo Sở Y tế TPHCM, một số bệnh viện tư nhân, đặc biệt là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ chỉ chú trọng đầu tư nguồn lực cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, chưa thật sự quan tâm triển khai các hoạt động quản lý bệnh viện như thiết lập hệ thống quản lý, điều hành hoàn chỉnh; bố trí đầy đủ các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ như bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn, bộ phận điều dưỡng, bộ phận gây mê hồi sức, bộ phận dược… Nhân sự quản lý của bệnh viện tư nhân thường kiêm nhiệm và chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ quản lý.

Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện được Sở Y tế thực hiện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ Y tế ban hành. Tổng số bệnh viện được Sở Y tế đánh giá chất lượng là 102 bệnh viện, bao gồm 30 bệnh viện thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện; 47 bệnh viện tư nhân; 2 bệnh viện Y học cổ truyền và Viện Y dược học dân tộc đăng ký đánh giá bằng hình thức kiểm tra chéo giữa các bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền của các tỉnh.

Đứng đầu bảng xếp hạng chất lượng là Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định với 4.42 điểm. Tiếp đó là các bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Hùng Vương, Từ Dũ, Nhi đồng 1, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bình Dân…

Theo đánh giá của Sở Y tế, các bệnh viện đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu cải tiến chất lượng nhằm đạt các tiêu chí do Bộ Y tế ban hành. Nếu như năm 2017 có 62 đơn vị đạt điểm trung bình trên 3, thì đến năm 2018 đã có 77 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 66%. Phần lớn các bệnh viện đã chủ động phân bổ nguồn lực và triển khai nhiều hoạt động, nhiều giải pháp sáng tạo, cải tiến chất lượng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ.

Trong năm 2018, các bệnh viện đầu ngành của TP.HCM tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cung ứng dịch vụ theo chuyên ngành, như: Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện thứ 4 trên cả nước đạt chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản (RTAC), Bệnh viện Truyền máu – Huyết học phát triển ngân hàng máu cuống rốn với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tế bào trung mô từ mô của dây rốn hoặc màng ối, đây là bước khởi đầu để tiến đến công nghệ biệt hóa tế bào theo các hệ cơ quan khác nhau, là mục đích cuối cùng của ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thuộc nhiều cơ quan khác nhau…

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện chưa thật đồng đều giữa các bệnh viện. Ở một số bệnh viện, công tác quản lý chất lượng bệnh viện còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; hoạt động giám sát chưa có trọng tâm, đánh giá hiệu quả, sơ kết rút kinh nghiệm chưa sâu sắc và thực chất; hoạt động khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh chưa được quan tâm đúng mức, phân tích tìm nguyên nhân không hài lòng của người bệnh chưa cụ thể. Công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm chưa được quan tâm đồng đều, việc kiểm soát sai số xét nghiệm tại một số bệnh viện quận, huyện chưa được triển khai hiệu quả.

An Nhiên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/hang-loat-benh-vien-tham-my-tu-nhan-dung-cuoi-bang-xep-hang-chat-luong-post287693.info