Hàng loạt bất cập của chính sách thuế bị mổ xẻ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính vào cuộc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo phản ánh của các báo về chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh của báo chí về chính sách thuế. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Báo Tuổi trẻ ngày 11/7/2018 phản ánh “Từ năm 2012 - 2016, số doanh nghiệp FDI báo lỗ chiếm 44 - 51% tổng số doanh nghiệp, là dấu hiệu của chuyển giá. Nhưng thực tế có cung cấp hay không thì ngành thuế cũng khó biết do chưa có chức năng điều tra. Nhiều doanh nghiệp chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường. Do đó cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh”.

Báo Doanh nhân Việt Nam ngày 11/7/2018 phản ánh “Chính sách ưu đãi thuế nghiêng theo ưu đãi địa bàn hơn là lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục. Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn nhận định các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý; các mức chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức thu hút đầu tư”.

Báo VietnamPlus ngày 11/7/2018 phản ánh “Việt Nam có danh mục 75 hiệp định thuế quan đã ký với mức độ, phạm vi rất rộng và toàn diện. Song trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp FDI phàn nàn việc giảm thuế theo các hiệp định ký kết chưa áp dụng tự động. Việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã ký kết khi họ nhận 'hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế' từ doanh nghiệp”.

Về các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Liên quan đến vấn đề này, dẫn thông tin từ VietnamPlus, đại diện cho các doanh nghiệp đến từ châu Âu, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam trước đó đã chỉ ra một số khúc mắc giữa các đơn vị nộp thuế và cơ quan chức năng.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang rất mông lung về các quyền lợi theo cam kết từ hiệp định thuế quan.

Hiện nay, các doanh nghiệp khi nộp thuế phải tự tìm hiểu các điều kiện quy định trong cả “rừng cam kết,” tiếp đến đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện đó. Trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy mình được miễn hoặc giảm thuế theo các hiệp định, họ phải nộp một thông báo “thuộc diện miễn, giảm thuế theo hiệp định” cho cơ quan thuế địa phương kèm theo hồ sơ và các chứng từ.

Cũng theo vị đại diện, điểm “mờ” gây ra những tín hiệu nhiễu nằm ở việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ một văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã được ký kết khi họ tiếp nhận “hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế” từ doanh nghiệp.

Với động thái trên, cơ quan thuế đương nhiên có thể tiếp tục khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Lý do là cơ quan này chưa sẵn sàng chấp nhận “tính không chắc chắn” của việc được miễn, giảm thuế theo các hiệp định và các rủi ro phải gánh chịu thuế cho doanh nghiệp.

“Điều này khiến việc áp dụng các hiệp định thuế quan trở nên không có giá trị,” ông Nicolas Audier nói.

Ông cũng chỉ ra việc làm trên của cơ quan thuế còn mang tới một hệ lụy khác. Đó là các cơ quan thuế nước ngoài sẽ không cho phép các doanh nghiệp FDI trên được tiếp tục giảm thuế khi họ xét thấy các công ty đã nhận được những điều khoản miễn, giảm thuế theo các hiệp định thuế quan tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế hai lần.

Tại Hội thảo chuyên đề ““Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp”, ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư, nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng mục tiêu của nhiều loại chính sách ưu đãi của Việt Nam vừa dàn trải, vừa có tính chất khá đa dạng. Một số chính sách ưu đãi còn chưa rõ ràng và chồng chéo giữa xúc tiến đầu tư FDI, tăng trưởng sâu và toàn diện, nâng cao công nghệ, tạo việc làm và các mục tiêu xã hội khác.

“Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc khá nặng vào biện pháp miễn thuế có thời hạn cũng như thuế suất ưu đãi. Một giai đoạn miễn thuế có thời hạn ngắn, cố định có thể không mang lại lợi ích. Cơ chế chính sách hiện tại chỉ có thể phù hợp với thu hút FDI thế hệ 1”, ông Wim Douw khẳng định.

Theo ông Wim Douw, Việt Nam cần có đánh giá kỹ hơn và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chiến lược thu hút FDI thế hệ 2.

“Điểm mấu chốt không phải là đưa ra thêm các chính sách ưu đãi ngoài cơ chế hiện hành mà thay vào đó cần có định hướng tốt hơn và cải thiện các chính sách ưu đãi của Việt Nam để tăng cường hiệu quả hay “tương quan giữa giá trị và chi phí” của những chính sách đó”, ông Wim Douw khuyến nghị.

Cụ thể, Việt Nam nên cân nhắc chuyển dịch trọng tâm sang các công cụ chính sách “dựa trên hiệu quả”, đặc biệt là các công cụ khấu trừ thuế, trợ cấp thuế đầu tư hoặc khấu hao nhanh có liên hệ trực tiếp với mức đầu tư mà công ty thực hiện.

Duy Phan (TH)

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hang-loat-bat-cap-cua-chinh-sach-thue-bi-mo-xe-thu-tuong-chi-dao-bo-tai-chinh-vao-cuoc-20180504224210390.htm