Hàng lậu 'chọc thủng' biên giới, tuyến sau căng mình đối phó

Hàng lậu rầm rập vượt biên, công khai chọc thủng phòng tuyến của các lực lượng chức năng, ồ ạt đổ vào nội địa. Tuy nhiên, vào tới nội địa, hàng lậu lại được chia lẻ, vận chuyển theo nhiều tuyến nhánh với lực lượng lớn khiến công tác quản lý thị trường đã khó càng thêm khó.

Xé lẻ hàng lậu đối phó cơ quan chức năng

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ...

Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe môtô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển chủ yếu từ biên giới các tỉnh: Tây Nam Bộ (Long An, An Giang…), miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh,…), phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…); thời gian vừa qua, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua các cảng biển, cảng hàng không và đường sắt cũng vẫn diễn ra với nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp.

 QLTT Lạng Sơn vừa bắt giữ một lô hàng nhập lậu. Ảnh: T.D

QLTT Lạng Sơn vừa bắt giữ một lô hàng nhập lậu. Ảnh: T.D

Quản lý thị trường “đuổi gà” không xuể

Như Báo Lao Động đã phản ánh, hàng lậu đang ồ ạt tràn qua biên giới gần khu vực cửa khẩu Tân Thanh thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cảnh bốc dỡ hàng diễn ra sôi động, công khai, địa điểm chỉ cách cơ quan chức năng (Hải quan và Biên phòng) tỉnh Lạng Sơn trên dưới 2 km.

Trao đổi cùng PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Trường – Quyền Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho biết: “Địa bàn của QLTT là trong nội địa, nếu để hàng thẩm lậu vào sâu thì lúc này QLTT chỉ như “thả gà ra đuổi” nên quan điểm của chúng tôi là phải ngăn chặn hàng lậu từ biên giới, không để cho hàng thẩm lậu xâm nhập vào nội địa” – ông Trường nói.

Một cựu lãnh đạo ngành QLTT cho biết toàn lực lượng trên cả nước chỉ có vài ngàn người, lại không có công cụ hỗ trợ, phương tiện rất thiếu thốn, thậm chí nhiều Đội QLTT phải thuê tạm trụ sở để hoạt động.

Ví như tỉnh Lạng Sơn, có diện tích rộng hơn 9000 km2, trải dài trên 11 huyện, thành phố, 226 xã phường, 83 chợ trung tâm và xã và đường biên giới kéo dài trên 231 km, có tới 147 đường mòn lối mở để ôtô có thể sang hàng, chính vì vậy rất thuận lợi cho việc mang vác, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.

Hàng thẩm lậu một khi thoát khỏi sự kiểm soát của biên phòng, hải quan và gặp phải chốt chặn phía dưới (QLTT, công an hoặc cơ quan liên ngành) ngay lập tức quay sang đường khác để phân nhỏ hòng dễ bề vận chuyển.

Trong khi đó nhân sự Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn chỉ có hơn 100 người, công tác kiện toàn tổ chức còn chưa hoàn thiện nên triển khai nhiệm vụ, thực thi công vụ đều gặp rất nhiều khó khăn.

Đức Thành - Thùy Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/hang-lau-choc-thung-bien-gioi-tuyen-sau-cang-minh-doi-pho-652824.ldo