Hàng không là kênh quảng bá, bán hàng rất tốt cho sản phẩm đặc trưng vùng miền

Đây là chia sẻ được ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra tại Hội nghị 'Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP', sáng 17/12, tại Hà Nội.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị "Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP".

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị "Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP".

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nhấn mạnh: Là doanh nghiệp liên kết với nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, IPP luôn quan tâm và đồng hành tiêu thụ các sản phẩm OCOP của các địa phương.

Thực tế, doanh nghiệp luôn có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao, là sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước để quảng bá và giới thiệu đến khách hàng trên thế giới qua hệ thống các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay lớn.

“Lượng hành khách nội địa qua các sân bay mỗi năm lên tới 140 triệu lượt, hành khách quốc tế cũng lên tới 40 triệu lượt nên đây là kênh quảng bá tiếp thị và bán hàng rất tốt cho các sản phẩm OCOP của Việt Nam. Các sản phẩm OCOP của các địa phương, vùng miền nên có văn phòng đại diện, hoặc khu thương mại tập trung tại các thành phố lớn để thuận tiện cho các doanh nghiệp giao dịch cũng như tiếp cận hàng hóa’, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Theo Chủ tịch IPP, ngoài việc duy trì chất lượng theo đúng cam kết trong hợp đồng, người sản xuất, các doanh nghiệp phân phối cần coi trọng quy cách đóng gói thành phẩm, mẫu mã bao bì, đặc biệt, nên có cách đóng gói nhiều sản phẩm trong 1 combo để bán được số lượng nhiều nhưng giá thành rẻ hơn sản phẩm đơn chiếc. Khách hàng nước ngoài rất quan tâm sản phẩm họ yêu thích xuất xứ từ quốc gia nào, sau đó mới cần biết sản phẩm đó tên là gì, do vậy, nhưng sản phẩm xuất khẩu nhất thiết phải được ghi dấu ấn bằng thương hiệu quốc gia, sản phẩm vùng miền sau đó mới là tên sản phẩm. Điều này ở các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm OCOP của Việt Nam vẫn chưa làm được.

Trên 3.800 sản phẩm được dự kiến chuẩn hóa OCOP đến năm 2020

Được biết, Hội nghị "Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP" do Bộ Công Thương tổ chức, với sự góp mặt của các cơ quan Trung ương, hơn 30 tỉnh, thành phố, đại diện của các hiệp hội, ngành hàng, gần 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đại diện các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Bác Tôm…, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay, đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn…, đại diện các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, du lịch, điểm văn hóa, trạm dừng nghỉ như trạm V52 Hải Dương, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử...

Hội nghị được kỳ vọng là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. Hiện nay, cả nước đã có 12 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang, tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP, trong đó có 09 sản phẩm 5 sao, 05 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao, các địa phương khác đã và đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP.

Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình….

Cũng đóng góp cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bên cạnh Chương trình OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả. Bên cạnh các sản phẩm OCOP, thì các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Sản phẩm OCOP của các địa phương trưng bày tại Hội nghị.

Cùng với đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại. Hiện nay, cả nước hơn 5.000 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là khoảng gần 2.000. Nhiều nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các đặc sản vùng miền, đây là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc, có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018, OCOP được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.

Đức Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/doanh-nhan-doanh-nghiep/hang-khong-la-kenh-quang-ba-ban-hang-rat-tot-cho-san-pham-dac-trung-vung-mien-6749.html