Hàng không được tự quyết vé nội địa: Lo...

Các doanh nghiệp hàng không không thể luôn tính được cho mình, còn khó khăn đẩy cho khách hàng...

Cục hàng không Việt Nam vừa đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác trở lên. Điều này có nghĩa, các hãng có thể được tự quyết giá vé, không cần theo trần giá vé. Đề xuất khiến chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp hàng không sẽ bắt tay đẩy giá, khách hàng chịu thiệt.

Lo ngại bỏ trần vé máy bay các doanh nghiệp hàng không sẽ bay tay đẩy giá. Ảnh minh họa

Lo ngại bỏ trần vé máy bay các doanh nghiệp hàng không sẽ bay tay đẩy giá. Ảnh minh họa

TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phân tích:

Vị chuyên gia phân tích: Thứ nhất theo lập luận của Cục hàng không là bỏ giá trần là vận hành theo nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu là đúng nhưng không được "lời ăn, lỗ đẩy sang khách hàng".

Ông Hùng nói, hàng không là lĩnh vực đặc thù đã tồn tại từ nhiều năm qua. Muốn vận hành theo cơ chế thị trường phải tách bạch, rõ ràng mọi vấn đề từ khâu đầu tư, quản lý cho tới khâu khai thác chứ không phải thị trường ở riêng giá vé.

Nói rằng khách hàng có quyền lựa chọn hãng giá rẻ để đi nhưng một khi bỏ giá trần, các ông lớn bắt tay đẩy giá, khách hàng vẫn buộc phải đi vì không còn lựa chọn nào khác.

"Trong quá khứ câu chuyện độc quyền, bắt tay làm giá từng xảy ra ở nhiều lĩnh vực nhất là các lĩnh vực đặc thù như xăng dầu, điện, nước và cuối cùng người dân vẫn là người phải chịu thiệt. Do đó, những lo ngại việc các doanh nghiệp hàng không bắt tay đẩy giá là có cơ sở", ông Hùng nói.

Thứ hai, đề xuất của Cục hàng không đưa ra trong bối cảnh Vietnam Airlines từng đề xuất bỏ trần giá vé đồng thời áp giá sàn bay nội địa (tức là thả nổi giá trần nhưng lại áp giá sàn) để giúp các hãng bay vượt qua khó khăn đại dịch trong bối cảnh nhiều giai đoạn giá vé máy bay chạm đáy là vô lý.

"Các doanh nghiệp hàng không không thể luôn tính được cho mình, còn khó khăn đẩy cho khách như thế được. Yêu cầu vận hành theo cơ chế thị trường nhưng lại áp giá tối thiểu còn thả nổi giá tối đa thì không phải theo cơ chế thị trường, lợi ích. Doanh nghiệp hàng không một mặt muốn bảo đảm cho doanh nghiệp không phải chịu một mức giá quá thấp khi bị ảnh hưởng nhưng được tự do tăng giá khi thuận lợi để thu về.

Hơn nữa, đề xuất áp giá sàn để bù lỗ là vô lý. Ngành hàng không đã nhận được rất nhiều cơ chế ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua. Cụ thể như chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, ngoài ra còn hàng loạt đề xuất khác đang được xem xét như: tiếp tục gia hạn việc giảm giá 50% giá điều hành bay nội địa, giảm 50% phí cất hạ cánh nội địa cho các hãng hàng không kéo dài sang năm 2021. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ chung như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu phát sinh thuế), giãn nộp thuế đất, gia hạn kỳ thuế Giá trị gia tăng...

Mặt khác, ngành hàng không dù bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng lại có khả năng phục hồi nhanh, có thể phục hồi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phục.

Bằng chứng, chỉ sau mấy tháng kiểm soát được dịch bệnh, các hãng hàng không tư nhân đã liên tục báo lãi, điều này càng khẳng định, những khó khăn của doanh nghiêp hàng không hoàn toàn có thể khắc phục trong ngắn hạn. Ngành hàng không không thể khó lại xin, vừa xin vừa đẩy khó cho khách hàng, như vậy là vô lý, là không phù hợp với cơ chế thị trường", TS Đinh Sơn Hùng chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, TS Đinh Sơn Hùng cho rằng các cơ quan quản lý cần tỉnh táo, không nên chiều chuộng những đề xuất "tham lam quá mức mà bỏ quên quyền lợi của khách hàng" của ngành hàng không.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/hang-khong-duoc-tu-quyet-ve-noi-dia-lo-3432290/