Hàng không chắp cánh du lịch Việt

Tại hội thảo 'Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam' vừa diễn ra, các chuyên gia và DN đều cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để phát triển hàng không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bên cạnh du lịch. Chính vì vậy Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp để khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này…

Các số liệu công bố cho biết, trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Ngành hàng không rất cần có sự tham gia mạnh mẽ của các DN tư nhân

Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.

Tuy nhiên, một vấn đề nóng đặt ra là tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng số lượng hành khách, dẫn đến tình trạng sân bay quá tải. Hiện nay tại Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco, trong đó Vietnam Airlines sở hữu Vasco và 70% vốn của Jetstar hoạt động tại 28 sân bay với 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

“Đóng góp của hàng không cho phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch trong thời gian tới như thế nào, dư địa của ngành hàng không còn hay không, liệu có cơ hội cho các hãng hàng không mới hay không là bài toán cần Chính phủ khẩn trương giải quyết sớm để đón cơ hội…”, một chuyên gia khuyến cáo.

Theo ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua nhờ có sự tham gia của các DN tư nhân.“Bamboo Airways là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh phát triển ngành hàng không trong thời gian tới”, ông Du nhận xét.

Theo ông Du, năm 2017, ngành hàng không đã tạo ra doanh thu 754 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 34,2 tỷ USD. Dự báo toàn cầu năm 2036 cho thấy, lượng khách du lịch sẽ tăng gấp đôi, và tăng trưởng năng động nhất trong 20 năm tới là các nước châu Á - Thái Bình Dương, đạt 2,1 tỷ người, mức tăng 4,6%/năm.

Đến năm 2034, dự báo tổng dân số Việt Nam là 105 triệu người, GDP bình quân là 18-22 nghìn USD. “Với mức thu nhập này thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người. Ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung, đối với ngành du lịch nói riêng. Chính vì vậy, ngay lúc này, Chính phủ cần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này”, ông Du nói.

Có thể thấy, tiềm năng của ngành hàng không Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để ngành hàng không tăng trưởng cao, rất cần có sự tham gia mạnh mẽ của các DN tư nhân vào lĩnh vực này.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: “Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong 5 năm qua. Có nhiều đường bay mở ra, các chuyến bay nối chuyến mang lượng khách lớn đến Việt Nam, các hãng lữ hành lớn trên thế giới đều có đội máy bay riêng phục vụ cho các chuyến bay này.

Các nhà đầu tư Việt Nam trong đó có FLC đã mang đến sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, tạo ra hạ tầng phục vụ không chỉ khách nội địa mà còn cả khách quốc tế, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng tăng trưởng của lượng khách thời gian qua”, ông Phương nói và cho rằng, với sự đầu tư về du lịch như hiện nay, lượng khách sắp tới đến Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Từ thực tế địa phương mình, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ du lịch mà bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi rất đáng kể. Kết thúc năm 2017, Quảng Ninh đã đón trên 9,5 triệu lượt khách. Còn từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đạt con số 7,5 triệu lượt khách, trong đó 3,5 triệu lượt là khách ngoài Việt Nam.

“Riêng du lịch đã đóng góp 15% vào GDP toàn tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến sẽ có 12 triệu khách đến Quảng Ninh, trong đó lượng khách nước ngoài là 5 triệu khách. Với việc kết nối sân bay Vân Đồn vào khai thác, sự kết hợp với các hãng bay, lữ hành, đặc biệt là sự ra đời của Bamboo Airways, Quảng Ninh kỳ vọng lượng khách sẽ tăng lên”, bà Thủy kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM thì cho biết, Việt Nam cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, trong đó có phát triển hạ tầng cho các sân bay.

“Ngành hàng không có tác động lớn đến nền kinh tế. Nghiên cứu về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi thấy rằng nếu bình quân mỗi khách hàng không nội địa đóng góp chi tiêu 100 USD, thì khách quốc tế sẽ chi tiêu gấp 5 lần. Như vậy cứ 10.000 khách nội địa sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1 triệu USD. Còn 200 triệu khách quốc tế đóng góp khoảng 10 triệu USD cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng để khuyến khích các DN đầu tư phát triển ngành hàng không”, ông Tống khuyến nghị.

Trần Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hang-khong-chap-canh-du-lich-viet-78351.html