Hàng hóa Mỹ mất lợi thế cạnh tranh từ cuộc chiến thương mại

Việc Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại chưa thấy mang lợi ích nào cho nước Mỹ thì nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu bị 'phản đòn' từ các nước. Nhiều ngành hàng như đinh đóng tường, bơ đậu phộng, rượu whisky, quả việt quất tưởng chứng không liên quan đến việc đánh thuế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Trump cho rằng thuế quan để tạo ra công bằng cho thương mại, cuối cùng chính là mang lại lợi ích cho mọi công dân nước Mỹ. Nhưng các nhà kinh doanh Mỹ lại không nghĩ như vậy, các chính sách thương mại của tổng thống Mỹ đang gây ra nỗi đau cho nền kinh tế, mà hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng không ít thì nhiều theo các cách thức khác nhau.

Ngành công nghiệp tôm hùm Mỹ bị tổn thương bởi chính sách của Trump

Có thể điểm qua 5 sản phẩm của Mỹ bị tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước cho thấy rằng người kinh doanh đang bị thiệt hại hơn là hưởng lợi.

Vào năm 2016, khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuộc đua nước rút, ông George Skarich, Phó chủ tịch Tập đoàn Mid Continent Nail Corporation, chuyên sản xuất đinh đóng tường, đã quyết định bỏ tấm phiếu bầu ông Trumb với kỳ vọng tài năng kinh doanh của ông Trumb sẽ giúp nước Mỹ thăng hoa, và suy cho cùng những công ty nội địa cùng có kết quả kinh doanh tốt.

Đúng là kinh tế có bùng nổ, nhưng ông Skarich cho rằng công ty chẳng hưởng lợi ích nào mà còn có nguy cơ đóng cửa vì chính sách thương mại của ông Trump.

Mid Continent Nail Corporation là nhà sản xuất đinh lớn nhất nước Mỹ, chủ yếu nhập khẩu thép nguyên liệu từ Mexico. Nhưng khi ông trump đặt mức thuế quan lên thép nhập khẩu là 25% thì buộc công ty cũng tăng giá bán đinh lên gần 20%.

Hệ quả là đơn đặt hàng giảm mạnh gần 50% khi không thể cạnh tranh về giá với các đối thủ khác trên thị trường, vì các nhà sản xuất nước ngoài không chịu đối mặt với chi phí nguyên liệu cao nên họ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn Mid Continent Nail Corporation.

Và công ty không cách nào khác buộc phải sa thải hơn một nửa nhân công. Có thể, trong trường hợp của công ty này thì ông Trump đề nghị mua thép do công ty Mỹ sản xuất để né thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, không hề đơn giản, theo ông Skarich, giá thành thép Mỹ vẫn cao hơn thép nhập khẩu, và rốt cuộc, công ty vẫn phải tăng giá bán.

“Ông Trump nêu khẩu hiệu hiệu bầu cử là làm nước Mỹ trở lại vĩ đại, với quan điểm bảo vệ công việc cho quốc gia, nhưng tôi thấy nguy cơ nhân viên của tôi phải nghỉ việc đang đến gần”, ông Skarich nói.

Ngành sản xuất rượu whisky của Mỹ đang đối diện với khó khăn khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế nhập khẩu lên đến 25% để đáp trả việc ông Trump đánh thuế thép nhập khẩu của EU.

Đối với Scott Harris, ông chủ hãng sản xuất rượu Catoctin Creek đây là nỗi đau lớn, vì một nửa doanh thu của hãng đến từ việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Giờ đây, thuế tăng đồng nghĩa giá bán sản phẩm cũng tăng, và khách hàng chắc chắn chọn sản phẩm thay thể rẻ hơn.

Nhìn từ một hãng rượu nhỏ của một doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng như thế nào với mức thuế mới của EU có thể thấy không sớm thì muộn doanh thu của ngành rượu Mỹ cũng lâm vào tình trạng suy thoái chung.

Ông Scott Harris tỏ ra thất vọng: “Tôi nhớ 2 năm trước, cả nước Mỹ nói về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương để mở rộng mậu dịch tự do, và tôi đã kỳ vọng tương lai tươi sáng cho công ty nhưng giờ đây mọi thứ đảo lộn hết”.

Phản ứng của EU không phải là duy nhất, Trung Quốc cũng đang đe dọa áp mức thuế 25% lên tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ đánh tổng mức thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc với tổng giá trị 450 tỷ USD.

Trung Quốc mua 1/5 lượng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ. Tổng giá trị mặt hàng này đã tăng lên gần gấp 3 lần torng 2 năm qua đạt 137 triệu USD.

Bà Annie Tselikis, Giám đốc điều hành Hiệp hội các đại lý tôm hùm Mỹ cho biết, chính sách của ông Trump có một tác động không mong muốn là đem lại lợi ích cho các nhà nuôi trồng tôm hùm Canada, vì không chịu mức thuế cao và khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn Mỹ. “Tôi hy vọng phía Mỹ và Trung Quốc có những đàm phán tốt hơn về thương mại để ngành công nghiệp tôm hùm Mỹ không bị tổn thương”, bà Annie Tselikis nói.

Nhiều năm qua, các nông dân Mỹ trồng quả việt quất phải vật lộn với tình trạng dư cung, dù xuất khẩu khá nhiều qua châu Âu. Nhưng giờ đây họ phải đối diện với tình trạng nghiêm trọng hơn với cuộc chiến thương mại, khi EU đã đưa quả việt quất vào mặt hàng đánh thuế cao. Năm 2017, nông dân Mỹ thu được 127 triệu USD từ việc xuất khẩu quả việt quất qua EU.

Ông Tom Lochner, Giám đốc điều hành Hiệp hội người trồng quả việt quất tại bang Wisconsin, một trong những khu vực trồng quả việt quất lớn nhất nước Mỹ, tỏ ra chán nản: “Mức thuế mà EU đưa ra đang gấy cản trở khả năng cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường quốc tế”.

EU cũng giáng đòn thuế năng lên mặt hàng bơ đậu phộng của Mỹ, và ngay lập tức gây ảnh hưởng tiêu cực lên nông dân trồng đậu phộng tại các bang Georgia, Alabama, Florida và Mississippi. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Mỹ và Trung Quốc là những nước xuất khẩu bơ đậu phộng lớn nhất thế giới. Và EU đang đem lại cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh rất lớn so với Mỹ.

MINH PHƯƠNG (theo The New York Time)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hang-hoa-my-mat-loi-the-canh-tranh-tu-cuoc-chien-thuong-mai-10766.html