Hàng giả, nhái vào mùa cuối năm

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Noel, tết Dương lịch và sau đó Tết Nguyên đán, là thời điểm mùa mua sắm lớn nhất trong năm của người tiêu dùng. Đây sẽ là dịp hàng giả, hàng nhái tung hoành khắp các điểm bán từ online đến offline.

Giả, nhái từ A-Z

19 giờ 30 chúng tôi có mặt tại khu chợ đêm sầm uất nhất quận Gò Vấp Hạnh Thông Tây, đã thấy rất nhiều khách hàng trẻ ra vào tấp nập ở các gian hàng. Ghé vào một cửa hàng thời trang nữ, chị chủ tiệm đon đả giới thiệu đợt này chuẩn bị vào mùa cuối năm nên hàng hóa liên tục về nhiều, mẫu mã đa dạng và hoàn toàn theo trend (theo xu hướng).

Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng vi phạm đều có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, các loại bao bì, tem, nhãn giả… Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.

Ông Trần Hữu Linh,
Tổng Cục trưởng cục quản lý thị trường

Trong cửa hàng của chị đầy đủ các thương hiệu thời trang nổi tiếng từ Zara, H&M đến Uniquo, Mango… giá cả dao động 200.000-300.000 đồng/chiếc, rất hợp túi tiền với sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp. Và có vào đây mới thấy, có lẽ chỉ mình chúng tôi quan tâm đến nhãn mác dán trên các sản phẩm quần áo, còn hầu hết khách hàng không ai để ý, họ chỉ hỏi xem chất vải có mát không, mặc có nhăn, nhàu nhiều hay không, giặt có bị bai không…

Có lẽ họ cũng thừa biết vào những khu chợ đêm, mua hàng giá vừa túi tiền thế này thì giả, nhái là lẽ đương nhiên.

Không chỉ quần áo thời trang, vào đây người tiêu dùng có thể mua đủ loại giày dép, túi xách, kính mắt, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Đặc biệt thời điểm cuối năm, khu chợ này còn có những gian hàng bán nhiều sản phẩm gia dụng của các thương hiệu nổi tiếng với giá bèo.

Theo người bán, đây là hàng khuyến mại nên bán giá rẻ. Và đương nhiên cứ rẻ là hút người mua, bất chấp tất cả.

Không chỉ khu chợ đêm này, tại nhiều trung tâm mua sắm lớn của TPHCM như An Đông hay Saigon Square, cũng đang rục rịch chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Là khách hàng quen của chị H. (một chủ sạp thời trang nữ tại Saigon Square), chúng tôi được chị chia sẻ dịp này hầu hết các chủ sạp đều tăng lượng nhập hàng, ngoài một số ít là hàng Việt Nam chủ yếu “đánh hàng” từ Trung Quốc mẫu mã đa dạng, giá rẻ.

Cũng theo chị H., hiện nay khách thích mua qua mạng hơn. Chợ mạng thời điểm này cũng bắt đầu sôi động hơn. Điểm thu hút người mua ở chợ mạng là người bán hay “canh được hàng sale” của các thương hiệu lớn nên giá cực rẻ. Chẳng hạn như vào FB của chị L.K mới đây, thấy có sản phẩm son Mac sale giá chỉ 299.000 đồng/thỏi, hay nhiều sản phẩm quần áo, giày dép của các thương hiệu lớn cũng sale còn 1/2 thậm chí 1/3 giá công bố…

Và đặc điểm của người chuyên canh sale là luôn giục khách phải chốt hàng nhanh, hàng chốt rồi không đổi trả. Việc nhiều hãng lớn sale vào dịp cuối năm, nhất là thời điểm Black Friday là có thật, nhưng hàng hóa của các shop online này có thực sự mua ở đó hay không thì chỉ có người bán mới biết.

Trung tâm thương mại Saigon Square với những mặt hàng thật giả lẫn lộn.

Cuối năm cũng là mùa làm ăn của những người kinh doanh rượu ngoại xách tay. Năm nay là năm con heo, nên thời điểm này những chai rượu hình heo đã lác đác được bán. Nguồn gốc được giới thiệu là hàng Nhật, hàng Nga, hàng Pháp… nhưng thực hư ra sao người mua khó biết được. Chuyện hàng giả trên chợ mạng không chỉ khó kiểm soát với cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, mà ngay cả những sàn TMĐT lớn cũng không thể kiểm soát hết.
Cơ quan chức năng chịu thua?
Ngày 6-11, đội quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra một cơ sở sản xuất không tên tại quận 12, TPHCM và tạm giữ 1.000 chai mỹ phẩm không xuất trình được giấy tờ liên quan.

Cụ thể, cơ sở này sản xuất sữa dưỡng thể nhưng lại ghi nhãn mác “made in Thailand” trên vỏ hộp. Nguy hiểm hơn, nguyên liệu để sản xuất sữa dưỡng thể này là nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sau đó dùng máy trộn rồi sang chiết đóng vào chai, dán nhãn bắt mắt và đưa ra thị trường. Thực tế số vụ quản lý thị trường bắt tại xưởng hay bắt tại điểm bán hàng không hề ít.

Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỷ đồng. Thế nhưng, bắt cơ sở này cơ sở khác vẫn sản xuất, thậm chí lập biên bản điểm bán này nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đâu lại vào đấy. Như trường hợp tại một số trung tâm chợ Bến Thành, Saigon Square cơ quan quản lý thị trường đã bắt, thu giữ hàng giả, nhái, lập biên bản nhiều lần, nhưng mọi thứ dường như vẫn không thay đổi.

Tại hội thảo mới đây về thực trạng hàng giả, nhái tại Việt Nam, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng phải thừa nhận, phương thức thủ đoạn vi phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Hàng giả sản xuất trong nước, hàng giả sản xuất từ nước ngoài đưa vào Việt Nam bất hợp pháp đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Việc tăng cường thanh kiểm tra là tất yếu, nhưng chỉ một mình cơ quan chức năng thôi chưa đủ, mà cần phải có sự chung tay của người tiêu dùng.

Rõ ràng chỉ cần nhìn lượng khách hàng ra vào chợ Hạnh Thông Tây hàng đêm, hay lượng người bán đang mọc ra như nấm sau mưa trên các chợ mạng là đủ thấy nhu cầu của người mua vẫn rất lớn. Và hiển nhiên có cầu ắt có cung. Vẫn có nhiều người thích đeo một cái đồng hồ Rolex cho oai nhưng chỉ có thể bỏ ra vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng, hay muốn sở hữu cái túi LV mà chỉ có vài trăm ngàn thì ngoài hàng nhái, giả còn biết tìm ở đâu.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/hang-gia-nhai-vao-mua-cuoi-nam-62924.html