Hàng giả lộng hành tại Malaysia giữa mùa dịch

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những kẻ làm hàng giả nhắm mục tiêu không chỉ các thương hiệu xa xỉ mà còn một loạt mặt hàng khác, gây nguy hại cho nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Giới chức Malaysia thu giữ nhiều chai rượu giả. Ảnh: AFP

Giới chức Malaysia thu giữ nhiều chai rượu giả. Ảnh: AFP

Hồi tháng 3 vừa qua, trong chiến dịch mang tên Pangea XIII, Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cùng với cơ quan thực thi pháp luật từ 90 quốc gia đã truy quét các mặt hàng y tế giả được bán tràn lan trên mạng Internet. Chỉ trong một tuần, họ phát hiện ra khoảng 600 vụ bán khẩu trang y tế giả, thu giữ 34.000 khẩu trang giả hoặc không đạt tiêu chuẩn.

Một trong những quốc gia tham gia vào chiến dịch trên là Malaysia, nơi hàng giả là vấn nạn nhức nhối và càng lộng hành hơn trong mùa dịch. Song, vấn đề đáng lo ngại là khẩu trang giả không chỉ là mặt hàng giả duy nhất có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Theo đó, không chỉ các thương hiệu xa xỉ mà một loạt mặt hàng khác, từ các sản phẩm làm đẹp cho tới phụ tùng xe hơi đều được làm nhái. Ngay cả thực phẩm cũng bị làm giả. Hồi tháng 2 năm ngoái, chính quyền Malaysia đã thu giữ nhiều lô hàng giả, gồm thực phẩm giả, trị giá 450.000 RM (khoảng 103.000USD) tại bang Penang, nơi có gần 100 vụ buôn bán thực phẩm giả bị phát hiện hồi năm 2019.

Thật ra, Malaysia không đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả xâm nhập vào thị trường tiêu dùng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giá trị buôn bán hàng giả và hàng nhái toàn cầu đã tăng lên nhanh chóng từ mức 461 tỉ USD năm 2013 lên 509 tỉ USD năm 2016. Dự báo đến năm 2022, hàng giả sẽ là ngành công nghiệp kếch xù trị giá 4,2 ngàn tỉ USD.

Một trong những sản phẩm nguy hiểm nhất là thuốc giả, với số lượng được sản xuất và bán ra ở Đông Nam Á ngày càng tăng. Hàng năm, người tiêu dùng tại khu vực chi khoảng 520 triệu USD đến 2,6 tỉ USD cho các loại thuốc giả, gồm thuốc điều trị ung thư, vô sinh đến thuốc giảm cân.

Tại Malaysia, thuốc giả thường được bày bán ở các cửa hàng không được kiểm soát trên khắp đất nước, từ thành phố cho đến làng mạc. Chiến dịch truy quét của giới chức Malaysia nhằm vào các loại hàng giả liên quan đến y tế bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, sau khi dược sĩ Zeff Tan phát hiện ra thuốc Panadol giả được bày bán ở một cửa hiệu tại khu vực Batu Pahat. Theo một nghiên cứu hồi năm 2013, thị phần thuốc giả tại Malaysia là 5%.

Sở dĩ Malaysia dễ trở thành mục tiêu của hàng giả là bởi đây là quốc gia đang phát triển có mức thu nhập khá. Năm 2018, mức lương trung bình tại quốc gia Đông Nam Á này là 2.308 RM (khoảng 530USD). Ngoài ra, những kẻ làm hàng giả tại Malaysia ăn nên làm ra một phần là nhờ người dân nước này chuộng hàng giá rẻ. “Hầu hết người dân Malaysia đều biết rõ về hàng nhái nhưng họ có xu hướng vẫn tiêu thụ hàng giả vì chênh lệch giá lớn” - Muhammad Adli Amirullah, nhà kinh tế học cao cấp tại Viện Dân chủ và Kinh tế Malaysia, cho biết.

Và hậu quả của việc tiêu thụ hàng giả thật khôn lường. Đơn cử, 45 người đã chết sau khi uống phải rượu giả hồi tháng 9-2018. Còn hồi tháng 5 năm ngoái, ít nhất 17 người bỏ mạng và một người bị mù vì uống rượu giả. Được biết, Malaysia là thị trường rượu giả lớn nhất, nơi rượu giả có giá chỉ từ 30-50 RM/chai trong khi rượu thật thường rất đắt, khoảng từ 150-170 RM/chai.

TRÍ VĂN (Theo CNA, Fastcompany)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hang-gia-long-hanh-tai-malaysia-giua-mua-dich-a121749.html