Hàng giả khi nào đến ngưỡng?

Ông Hoàng Minh Châu, Giám đốc Công ty Nam Dược (chuyên sản xuất thuốc Nam) chia sẻ, hơn chục năm qua ông 'dính' ít nhất 10 vụ hàng giả, nhái thương hiệu.

Mặc dù cơ quan chức năng biết, nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm?

Gần đây, công ty ông Châu ra một sản phẩm mới là thực phẩm chức năng dạng viên nén, đã đăng ký bảo hộ, nhưng vừa có chỗ đứng trên thị trường thì xuất hiện sản phẩm tương tự nhãn mác, thương hiệu. Rất may sự vụ sau đó được giải quyết, nhưng mối nguy chưa bao giờ hết.

Trường hợp khác là doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu mỹ phẩm Etude Hous của Hàn Quốc, thế nhưng lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Mỹ phẩm Etude Hous Việt Nam không ngờ rằng hiện nay trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp lại được bày bán ở rất nhiều khu chợ của TP HCM.

Sản phẩm trông không khác gì sản phẩm của Công ty, nhưng độ sắc sảo của vỏ bao bì thì không bằng, còn chất lượng thì không thể nào đảm bảo được. Nghi ngờ đây là sản phẩm giả và hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Công ty đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng.

Buôn bán hàng giả chưa bao giờ hết tính thời sự, thậm chí nó còn đến ngưỡng báo động như hiện nay. Nếu hai vụ việc trên chỉ ghi nhận những tác hại đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính thì vụ pha chế và tuồn xăng giả ra thị trường không khỏi khiến người tiêu dùng vã mồ hôi hột. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo giới hạn của tình trạng hàng giả đang tràn ngập và mất kiểm soát trên thị trường.

Đó là doanh nghiệp của người được xem là “doanh nhân” Trịnh Sướng, mỗi tháng bán ra thị trường 6 triệu lít xăng giả, trong 2 năm, Công ty này chi tới 3.000 tỷ đồng mua nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng giả!

Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, vì sao “đường dây” này có thể tồn tại ngang nhiên trong khi kinh doanh xăng dầu là ngành nghề có điều kiện, chính quyền cơ sở ở địa phương, lực lượng chức năng nhiều năm nay không hề hay biết?

Buôn gian, bán lận có chiều hướng gia tăng không chỉ phản ánh mức độ nghiêm minh của luật pháp, mà còn cho thấy môi trường kinh doanh đang có vấn đề. Bởi vì, môi trường kinh doanh không chỉ là vấn đề thông thoáng thủ tục hành chính, ưu đãi nhà đầu tư mà còn tạo ra thị trường trao đổi lưu thông hàng hóa lành mạnh, minh bạch và sòng phẳng. Đây là những chỉ số quan trọng để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Thật e ngại nếu phải làm ăn trong môi trường quá nhiều rủi ro.

Không có lý do gì khi nhà nước nỗ lực vun trồng cộng đồng doanh nghiệp, khích lệ làm ăn chân chính lại phải "bó tay" trước vấn nạn hàng giả. Doanh nghiệp băn khoăn, hàng giả, hàng nhái khi nào mới đến ngưỡng?

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/hang-gia-khi-nao-den-nguong-151952.html