Hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc của hệ thống siêu thị Đức Thành (Hà Nội) bày bán công khai

Mặc dù là hệ thống siêu thị hàng tiêu dùng bán lẻ khá có tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng nhiều hàng hóa tại các điểm siêu thị Đức Thành lại đang có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, không tuân thủ các quy định về tem nhãn và đang được công khai bày bán trên các gian hàng.

Vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được một số thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan đến sản phẩm được kinh doanh, bày bán tại hệ thống siêu thị Đức Thành trên địa bàn TP. Hà Nội mập mờ nguồn gốc và không có tem mác.

Siêu thị Đức Thành cơ sở Xa La

Siêu thị Đức Thành cơ sở Xa La

Để ghi nhận những thông tin trên, Phóng viên đã có mặt trực tiếp tại 3 điểm siêu thị của Đức Thành tại tòa nhà Trung Tâm Thương Mại, Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông); Tố Hữu, Hà Đông và tòa nhà Sapphire Palace số 4 Phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) để tìm hiểu thực tế. Theo quan sát của phóng viên, những phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có căn cứ, tại hệ thống siêu thị Đức Thành đã đưa một lượng hàng lớn có dấu hiệu hàng giả, nhái không rõ nguồn gốc vào siêu thị để tiêu thụ, hầu hết sản phẩm hàng gia dụng được bày bán nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không hề có tem phụ bằng tiếng Việt.

Trong khi, nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tượng cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: tên hàng hóa; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, đối chiếu với những quy định trên, hệ thống siêu thị Đức Thành phải chăng đang coi thường các quy định của pháp luật về nhãn mác và đang công khai lừa dối người tiêu dùng.

Khăn len quàng cổ các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan trong quầy

Ngoài ra, một lượng lớn mặt hàng khăn len quàng cổ có dấu hiệu giả, nhái thương hiệu lớn nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Gucci đang được bày bán một cách công khai trên các quầy hàng của siêu thị. Trên thực tế, để sở hữu một sản phẩm có nhãn hiệu, logo của các nhãn hàng này khách hàng phải bỏ ra một số tiền lớn lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng để sở hữu. Tuy nhiên, đến với hệ thống siêu thị Đức Thành, những sản phẩm với kiểu dáng bắt mắt mang trên mình thương hiệu nổi tiếng thế giới lại chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Thay vì lén lút, âm thầm để bán ra ngoài thị trường, những mặt hàng có dấu hiệu giả mạo thương hiệu này không chỉ dừng lại tại những quầy chợ, sạp chợ mà đã ngang nhiên xuất hiện trên quầy và được bày bán công khai tại hệ thống siêu thị Đức Thành.

Tại hệ thống siêu thị, nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em không có nhãn mác, bao bì toàn tiếng Trung Quốc và không có bất cứ dòng thông tin sản phẩm (tem nhãn phụ) nào bằng tiếng Việt. Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì sản phẩm phải có in xuất xứ hàng hóa rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu là hàng sản xuất trong nước thì phải đề thông tin công ty sản xuất, nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu. Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì. Như vậy liệu có phải hệ thống siêu thị Đức Thành đang lừa lối khách hàng?

Nhiều sản phẩm được bày bán trong siêu thị không có nhãn mác

Trước những hiện trạng nêu trên, Phóng viên đã liên hệ với hệ thống siêu thị Đức Thành để tìm hiểu các thông tin liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phóng viên chỉ được ông Thành – Giám đốc hệ thống siêu thị Đức Thành trả lời qua điện thoại, khẳng định chắc chắn là những thông tin mà báo Pháp luật Việt Nam cung cấp cho siêu thị là những vi phạm của nhiều năm trước. Nhưng trên thực tế phóng viên ghi nhận các mặt hàng trên hiện nay vẫn đang được bày bán công khai. Phải chăng siêu thị Đức Thành được chống lưng bởi một thế lực nào mà lại có thể bày bán hàng giả, nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng. Với những mặt hàng như trên thì nghĩa vụ đóng thuế của hệ thống siêu thị Đức Thành đối với Nhà nước sẽ ra sao. Với những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng nghĩa với việc không có hóa đơn đầu vào thì hệ thống siêu thị Đức Thành sẽ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế như thế nào?

Với những hành vi vi phạm như vậy các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội có biết đến những sai phạm này hay không? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng (đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường, Công an kinh tế, cơ quan thuế,…) vào cuộc một cách nghiêm túc và khẩn trương để chấm dứt tình trạng trên, để người tiêu dùng khi vào siêu thị sẽ được mua những sản phẩm thật, giá thật, chất lượng thật. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Sơn Tùng

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/hang-gia-hang-nhai-khong-ro-nguon-goc-cua-he-thong-sieu-thi-duc-thanh-ha-noi-bay-ban-cong-khai-15472/