Hàng dởm bị tuồn vào siêu thị, người tiêu dùng lo lắng

Ngày càng có nhiều vụ hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở siêu thị bị phanh phui khiến người tiêu dùng lo lắng về kênh bán hàng này.

Ngày 20/11, dư luận xôn xao trước thông tin Cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu làm giả thương hiệu tại Trung tâm thương mại (TTTM) An Đông trên đường An Dương Vương, (phường 9, quận 5). Lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng nghìn sản phẩm là túi xách, mỹ phẩm...có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Gucci, Versace…Tất cả những sản phẩm này đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, không nhãn mác nhưng vẫn đang được bày bán công khai.

Trước đó, ngày 17/11, cũng tại trung tâm thương mại này, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra thu giữ 713 sản phẩm là giày, dép, quần áo không có hóa đơn chứng từ, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, với tổng giá trị gần 84 triệu đồng.

Các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng bị thu giữ tại trung tâm thương mại An Đông. (Ảnh: QLTT)

Các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng bị thu giữ tại trung tâm thương mại An Đông. (Ảnh: QLTT)

Tại một trung tâm thương mại cũng nổi tiếng ở TP.HCM là Sài Gòn Square (số 77 - 89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), vào đầu tháng 11, lực lượng Quản lý thị trường đã kết hợp với chính quyền địa phương, kiểm tra, phát hiện tại “thiên đường mua sắm” này gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton...

Sau đó không lâu, cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ tại đây hàng nghìn sản phẩm là túi xách, ví cầm tay, balo, thắt lưng, bông tai mang các nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermes, YVES SAINT LAURENT, BURBERRY. Bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh có hành vi vi phạm: bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu; không đăng ký kinh doanh.

Hàng hóa bị lực lượng Quản lý thị trường tạm giữ trong đợt kiểm tra ngày 2/11.

Còn nhớ hồi tháng 9/2022, dư luận vô cùng bức xúc khi báo chí phản ánh tại cơ sở sơ chế rau của Công ty TNHH MTV Viager, từ khoảng 23h đến 3h sáng mỗi ngày, nhiều xe máy chở các loại rau ăn lá - trái - củ tới giao cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói, sau đó dán tem nhãn "Rau củ quả Đà Lạt", kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi. Đặc biệt trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP. Đáng nói là, loại rau “giả mạo" này lại được đưa vào bán trong các siêu thị. Người tiêu dùng vốn tin tưởng nông sản có chứng nhận VietGAP là rất an toàn, do đó, họ bức xúc khi rau, củ có xuất xứ không rõ ràng lại được "hô biến" trở thành nông sản sạch.

Sau vụ việc này, dây chuyền sản xuất phân phối nông sản của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Đông A (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) chuyên cung cấp rau, củ quả cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng bị phanh phui hành vi gian lận. Tại đây, nhiều sản phẩm rau xanh có nguồn gốc khác nhau được phù phép, dán tem mới của thương hiệu Đông A, với nội dung "Tươi ngon từ nông trại đến bàn ăn", đi kèm là logo thể hiện đạt chuẩn VietGAP. Các sản phẩm "được thay áo mới" của công ty Đông A với mục đích đưa vào thị trường để "đội giá" lên cao, tăng thêm lợi nhuận.

Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm cũng đã bị vạch trần chiêu thức "hô biến" nông sản ở chợ đầu mối trở thành hàng công ty đạt chuẩn 3 sạch. Nhân viên của Hugofarm đi chợ đầu mối Hóc Môn thu gom rau củ quả các loại để "phù phép" trở thành nông sản sạch và bán ra thị trường. Trong cơ sở sản xuất, nhân viên sẽ làm sạch rau ở chợ, nhặt bỏ lá vàng, sâu bọ, chọn lọc rau đẹp và nhìn bắt mắt cho vào túi ni lông đóng gói, dán nhãn nơi chế biến, sản xuất cùng logo chuẩn VietGAP. Bên trên logo có dòng chữ nhỏ: "Hugofarm là nông trại chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, sử dụng phân hữu cơ, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản. Đưa sản phẩm trực tiếp từ vườn đến người tiêu dùng".

Trước thực trạng ngày càng có nhiều hàng kém, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.

Anh Trần Ngọc (TP.HCM) nói: “Do không có nhiều thời gian nên hàng tuần, tôi có thói quen mua đồ trong siêu thị và trung tâm thương mại. Thường thì đến đó, dù giá cả có đắt hơn ở chợ nhưng đổi lại khách sẽ nhận được sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình và đặc biệt là hàng hóa đều rất rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, do đó người tiêu dùng rất an tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ việc kể trên, tôi nghĩ sẽ phải cảnh giác nhiều hơn, ngay cả khi mua hàng trong siêu thị".

Chị Hoàng Linh (ở Hà Nội) cũng lo lắng: “Mỗi khi đi chợ, tôi thường rất cảnh giác với mọi sản phẩm, thường phải xem xét rất kỹ rồi mới mua. Ngược lại, mỗi khi đi siêu thị thì tôi lại hơi chủ quan, vì hàng hóa trong đó thường được trưng bày rất gọn gàng, sạch sẽ, bắt mắt, đóng gói cẩn thận, giá cả và hạn sử dụng rõ ràng, người mua chỉ việc chọn và thanh toán. Rất ít khi tôi nghi ngờ nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa ở siêu thị vì biết rằng hàng hóa đã qua khâu kiểm soát gắt gao. Nhưng sau nhiều vụ việc cho thấy những sản phẩm kém chất lượng vẫn đội lốt hàng chất lượng để vào được siêu thị, trung tâm thương mại, tôi đã thay đổi thói quen này".

Vì thế, chị Linh cho rằng trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên trang bị kỹ thông tin, kiến thức về mặt hàng định mua, đồng thời nghi ngờ mọi dấu hiệu khả nghi để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

“Trước khi mua một món đồ gì đó, tôi sẽ tìm hiểu rất kỹ về chất lượng, nguyên vật liệu cấu thành và giá sản phẩm. Tôi cũng thường có thói quen đọc và xem những đoạn video phân biệt hàng thật với hàng kém chất lượng để tránh mua phải hàng giả. Chứ bây giờ hàng nhái họ làm giống thật lắm, nếu người bán cố tình trà trộn hàng kém chất lượng vào bán lẫn với hàng thật thì cũng khó lòng mà phát hiện ra”, chị Linh nói.

Còn anh An Đông (Đà Nẵng) cho rằng, cơ quan chức năng cần sát sao hơn nữa với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng. Thời gian qua, các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống đã được kiểm soát khá chặt chẽ nhưng các siêu thị vẫn chưa thực sự vào "tầm ngắm" của cơ quan chức năng. Trong khi mỗi vụ việc bị phát hiện tại hệ thống nay thường gây tác động rất lớn đến đông đảo người dân.

Người tiêu dùng có những quyền lợi gì?

Theo các luật sư, người tiêu dùng cần nắm vững 8 quyền lợi của mình đã được quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tự bảo vệ mình và khiếu nại, khiếu kiện khi cần thiết. Đó là:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Ngay khi gặp phải sự cố, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bằng cách gọi điện đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số miễn phí trên toàn quốc 1800.6838.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phản ánh thông tin đến Website: http://khieunai.bvntd.gov.vn, gửi Email đến địa chỉ: khieunai@bvntd.gov.vn hoặc gửi qua đường bưu điện để được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại.

Hạo Nhiên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hang-dom-bi-tuon-vao-sieu-thi-nguoi-tieu-dung-lo-lang-ar715248.html