Hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc: Cơ hội vươn lên dẫn đầu

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng mạnh với kim ngạch đạt 1,29 tỷ USD, tăng 25,31% so với cùng kỳ năm 2017.

Bứt phá mạnh từ đầu năm

Theo chu kỳ, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tăng mạnh từ tháng 7 hàng năm, nhưng năm 2018, tốc độ xuất khẩu đã cải thiện từ đầu năm và bứt phá trong tháng 6, với kim ngạch đạt 217 triệu USD, tăng 26,16% so với tháng 5/2018 và tăng 49,65% so với tháng 6/2017.

Ngành dệt may tận dụng tốt ưu đãi từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc

Theo nhận định của Bộ Công thương, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017 chủ yếu do sức cạnh tranh cao của hàng may mặc Việt Nam và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc tăng. Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2018, dự báo xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong 6 tháng cuối năm 2018 sẽ tăng mạnh, đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 20% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2017. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc cả năm 2018 dự báo đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.

Hiện Trung Quốc và Việt Nam là 2 nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt 34,46% và 32,67%. Tuy nhiên đáng nói là Việt Nam đang tăng tốc rất nhanh. Bởi chỉ sau 3 năm khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được rút ngắn rất nhanh từ mức 40,18% và 29,52% về gần như ngang bằng trong năm nay.

Thống kê từ phía Hàn Quốc cũng cho thấy, nhập khẩu hàng may mặc của Hàn Quốc đang tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018 và các năm tiếp theo. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh nhất đạt 21,22% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc vào Hàn Quốc có lợi thế lớn nhất và có nhiều khả năng sẽ trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường này.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng ghi nhận dấu hiệu đáng chú ý là Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới gần 2,7 tỷ USD trong năm 2017.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành dệt may Việt Nam, bởi Hàn Quốc là trung tâm thời trang lớn, đồng thời cũng là nơi trung chuyển hàng thời trang sang tiêu thụ tại các quốc gia khác. Mặt khác, hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% thị phần tại Hàn Quốc, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho dệt may Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này.

Gia tăng giá trị

Thực tế là từ năm 2015 tới nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất nhanh nhờ tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc. Theo đó, có tới 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Nhờ thuế suất giảm, kim ngạch của nhiều mã sản phẩm tăng ít nhất từ 3-4%/năm.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc lưu ý, mặc dù còn nhiều tiềm năng song yêu cầu chất lượng của thị trường này là khá nghiêm ngặt. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu dệt may vào thị trường Hàn Quốc cần chú ý thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết.

Cụ thể, các nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm sẽ được kiểm tra, giám định đối với từng mô hình sản phẩm bởi cơ quan kiểm nghiệm và thanh tra được chỉ định. Sau khi có chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn, nhà nhập khẩu phải thông báo kết quả cho cơ quan chứng nhận an toàn.

Đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam nhấn mạnh, bất kỳ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nào muốn được chứng nhận an toàn cần nộp đơn cho từng sản phẩm lên cơ quan chứng nhận. Đơn xin chứng nhận cần được gửi kèm các tài liệu: photo giấy đăng ký kinh doanh, bản miêu tả sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn được cấp bởi cơ quan kiểm tra giám định sản phẩm.

Cùng với việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc, các cơ quan quản lý cũng cho biết đây là cơ hội để gia tăng dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào lĩnh vực dệt may. Ông Lê An Hải - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công thương thông tin, để đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thời gian qua các DN Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy, xu hướng DN Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. Không những vậy, 62% DN dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam đang có mong muốn mở rộng quy mô từ sản xuất hàng may mặc cho đến nguyên phụ liệu như sợi, vải…

Ông Lê An Hải cũng khuyến nghị, DN Hàn Quốc nên ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất. Từ đó, sẽ giúp dệt may Việt Nam chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng nguyên liệu trong nước để tăng giá trị xuất khẩu, giảm dần nhập siêu từ Hàn Quốc.

Để đón được làn sóng đầu tư này, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại, Năng lượng Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may. Theo đó, 2 bên cùng hợp tác xây dựng chính sách nhằm có cơ chế khuyến khích cho DN Hàn Quốc đầu tư vào ngành hiệu quả nhất, tập trung vào các vấn đề tiếp cận đất đai, lao động, thủ tục liên quan trong lĩnh vực này.

Đức Ngọc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hang-det-may-vao-thi-truong-han-quoc-co-hoi-vuon-len-dan-dau-79050.html