Hàng Đào, Hàng Ngang một thuở

Theo sách 'Dư địa chí' của Nguyễn Trãi thì phường Đại Lợi tập trung nhiều người làng Đan Loan chuyên nhuộm tơ lụa từ thời Trần, Hồ qua Hậu Lê đã sầm uất. Còn sách 'Vũ Trung tùy bút' của Phạm Đình Hổ cũng đã viết về sự sầm uất, giàu có của Hàng Đào, Hàng Ngang và Hàng Bạc trong thế kỷ XVIII.

Đường tàu điện Bờ Hồ - Bưởi chạy dọc phố Hàng Đào, Hàng Ngang được xây dựng cuối thế kỷ XIX

Đời Lê, Hàng Đào đã có ngôi đình chuyên bán yếm cho phụ nữ do Nguyễn Công Trung cùng vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết bỏ tiền xây dựng, đình bán yếm xưa nay chính là đình Đồng Lạc (số nhà 38). Một thời Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai là phố có nhiều phú gia được cho là giàu nhất Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX, chính quyền thành phố làm đường tàu điện Bờ Hồ - Bưởi chạy dọc Hàng Đào, Hàng Ngang khiến con phố vốn đã hẹp, luôn đông đúc lại chật chội thêm, vốn ồn ã lại ồn ã thêm. Thế nhưng khi đường tàu điện được dỡ bỏ cuối năm 1986 thì nhiều gia đình ở hai phố này tiếc nuối.

Hàng Đào, Hàng Ngang là phố chính của Hà Nội, nơi buôn bán lụa là vóc nhiễu. Những ngày chợ phiên họp vào ngày mùng 1 và mùng 6 thì người làng La Cả, La Khê ra đây bán the, Đại Mỗ bán lụa đũi, Vạn Phúc bán vóc, làng Bưởi bán lĩnh. Vì the, lụa, đũi vẫn để mộc nên dân Hàng Bông Nhuộm, Tây Hồ hay chợ dầu Đình Bảng đến nhận về nhuộm.

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hàng Đào, Hàng Ngang bắt đầu thay đổi vì xuất hiện những hiệu “Tây đen” bán vải. “Tây đen” không phải người châu Phi mà là những người Ấn Độ. Những ngưới Ấn này nằm trong 5 tỉnh thuộc địa của Pháp nên họ được hưởng những quy chế của Chính phủ Pháp. Họ bán lẻ và bán buôn các loại vải bông khổ rộng nhiều màu sắc khác nhau cùng vải ka-ki nhập khẩu. Họ trả tiền thuê nhà cao nên nhiều nhà thấy cho thuê tốt tiền hơn bán hàng đã đi chỗ khác ở cho họ thuê cửa hàng.

Từ phố Hàng Ngang đến Hàng Đào có tới mấy chục cửa hàng “Tây đen”. Không cạnh tranh được với vải nhập khẩu và xu thế ăn mặc đã đổi khác nên các cửa hàng bán tơ lụa cũng thu hẹp dần, rồi nhiều nhà cũng chuyển sang buôn vải, bắt chước trang trí cửa hàng như cửa hàng của “Tây đen”, có tủ, có giá treo hàng, có biển quảng cáo và tạo ra sự kiện gây chú ý.

Hàng Đào, Hàng Ngang có rất nhiều người nổi tiếng. Nhà số 4 là nhà cụ cử Lương Văn Can, cụ cùng với các nhà nho yêu nước khác sáng lập ra trường Đông Kinh nghĩa thục vào năm 1907. Không chỉ có con trai Lương Ngọc Quyến, các con trai khác rồi con gái cụ cũng hăng hái tham gia. Con gái cụ là phụ nữ đầu tiên ở Hà Nội cạo răng đen để răng trắng. Sau này cụ bị chính quyền Pháp đưa sang an trí ở Campuchia. Nhà số 6 Hàng Đào là của cụ Hoàng Đạo Thành, đỗ cử nhân sau đó dạy học và viết cuốn “Việt sử tân ước”.

Số nhà 25 có cụ Hoàng Thị Uyển còn gọi là bà cả Vy (bà con hàng phố quen gọi là cả Mọc). C là người bỏ tiền và kêu gọi mọi người lập ra Hội Kế sinh ở phố Hàng Đũa (khu vực sau ga Trần Quý Cáp hiện nay) chăm sóc, dạy dỗ trẻ con nhà nghèo và đây là nhà trẻ đầu tiên của Hà Nội. Hàng Đào, Hàng Ngang là phố có nhiều người tốt nghiệp trường cao đẳng và đại học trở thành trí thức nổi tiếng như luật sư Đỗ Xuân Sảng, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, kỹ sư điện Nguyễn Văn Tình... Hầu hết các nhà Nho hay trí thức mới ở Hàng Đào, Hàng Ngang đều là gia đình khá giả hay giàu có, các vị không phải bận tâm chuyện cơm áo, chỉ lo mỗi việc học hành thi cử.

Con gái Hàng Đào, Hàng Ngang xưa nức tiếng thanh lịch nhất đất kinh kỳ. Cho đến những năm 30-40 thế kỷ XX, con gái Hàng Đào, Hàng Ngang vẫn còn truyền nhau câu “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, nghĩa là không có bằng cao đẳng hay đại học thì rất khó có thể lấy được con gái Hàng Ngang, Hàng Đào. Là phố buôn bán nhưng sau này cũng có nhiều người làm nghệ thuật, hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Hữu Luyện và Nguyễn Hữu Tuấn theo nghiệp điện ảnh, em trai Nguyễn Hữu Bảo là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nếu tính cả con dâu của phố thì Hàng Đào có hai NSND là Nguyễn Hữu Tuấn và em dâu ông là diễn viên Như Quỳnh.

Khoảng năm 1936, vở kịch “Mồ cô Phượng” gây nên cơn sốt khắp Hà thành. Các bà, các cô không khỏi sụt sùi nước mắt khi xem kịch. Nhân vật cô Phượng chính nguyên mẫu số phận Vương Thị Phượng ở phố Hàng Đào. Mẹ là người Việt, bố là người Hoa, gia đình có cửa hàng tơ lụa. Càng lớn cô càng xinh đẹp khiến nhiều chàng trai Hà thành mất ngủ. Rồi cô kết hôn với một thanh niên Tầu lai, đám cưới to và sang trọng nhất Hà Nội thời đó. Khi đã có với nhau 3 mặt con, chồng cô dở chứng chơi bời, lấy cô đầu, về nhà đánh đập cô dã man. Không chịu nổi, cô Phượng bỏ nhà ra đi rồi bị lừa tình và chịu nhiều đắng cay. Cuối cùng cô bị điên, vào nhà thương rồi chết thảm.

Theo thời gian, Hàng Đào, Hàng Ngang có nhiều thay đổi. Trước kia mỗi số nhà là một gia đình thì có thời kỳ một số nhà tới hàng chục hộ, rồi bị cắt ra làm ngõ khiến mặt tiền vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Những gia đình định cư nhiều đời sống ở phố không còn nhiều. Vẫn là nhà ống nhưng phố đã bị biến dạng vì cơi nới.

Ngày nay Hàng Ngang, Hàng Đào vẫn là phố buôn bán nhưng không còn vẻ sang trọng, giàu có như một thuở. Tuy vậy đất ở đây không tính theo mét vuông mà khi bán, tính bằng... xăng-ti-mét.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/hang-dao-hang-ngang-mot-thuo/765111.antd