Hàng công trăm triệu euro của 'tứ đại gia' gây thất vọng

Hạ màn loạt trận thứ hai của World Cup 2018, hàng công của 'tứ đại gia' gồm đội tuyển Pháp, Tây Ban Nha, Brazil và Đức vẫn chưa thể hiện được sức mạnh đáng gờm.

Bóng đá không tồn tại logic kiểu bố trí đông ngôi sao trên hàng công sẽ đảm bảo cho những bàn thắng. Tuyển Brazil có "bộ tứ huyền ảo" với Neymar, Gabriel Jesus, Coutinho và Willian. Người Pháp mang đến Nga những Ousmane Demebe, Antoine Griezmann và Kylian Mbappe.

Tuyển Đức tập hợp những Timo Werner, Marco Reus, Thomas Mueller và Mesut Oezil. Còn Tây Ban Nha đặt niềm tin vào Diego Costa, Isco, David Silva. Đó toàn những cầu thủ tấn công đắt giá hàng đầu thế giới, trở thành nỗi khao khát của bất kỳ đội tuyển nào tham dự World Cup.

Coutinho tỏa sáng trong trận gặp Costa Rica.

Trên giấy tờ, hàng công của Pháp, Brazil, Đức và Tây Ban Nha hứa hẹn trở thành cơn ác mộng với các hậu vệ ở xứ sở Bạch dương hè này. Nhưng không. Bốn gã khổng lồ của bóng đá thế giới vẫn chưa tạo ra sự nhuần nhuyễn trong các pha tấn công để đem về bàn thắng.

Đâu rồi bộ tứ huyền ảo?

Trường hợp của Brazil trở thành ví dụ rõ ràng nhất. Trận gặp Costa Rica, thầy trò HLV Tite gặp bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành đối thủ suốt phần lớn thời gian thi đấu. Mọi thứ chỉ được cải thiện sau giờ nghỉ khi ông Tite tăng cường hỏa lực nơi hàng tiền vệ.

Ngôi sao Coutinho cũng được đẩy từ vị trí tiền đạo cánh xuống tiền vệ. Điều chỉnh này phù hợp với lối chơi ngôi sao 26 tuổi, đồng thời giúp Selecao trở nên sáng tạo hơn. Cầu thủ của Barca sau đó trở thành người hùng với bàn thắng vào cuối hiệp 2.

Ban đầu, HLV Tite dự định sử dụng "bộ tứ huyền ảo", ông tung ra sân sơ đồ 4-3-3, với Willian tung hoành nơi biên phải. Song, thật khó để định nghĩa chính xác tiền vệ 29 tuổi của Chelsea đã đóng góp cho Brazil thế nào. Anh thi đấu kỷ luật, phòng ngự nhiệt tình đến mức tạo ra hai lớp phòng thủ cho đội nhà.

Hàng công của Brazil chưa phát huy được sức mạnh đáng gờm.

Dù vậy, chiến thuật đó chỉ phù hợp khi Brazil chạm trán với một đối thủ mạnh. Còn ở trận vừa qua, họ chỉ phải đối đầu với Costa Rica. Nhận thấy Willian không thể mang đến tính hiệu quả cho mặt trận tấn công, ông Tite rút cậu học trò sau giờ nghỉ và đưa Douglas Costa vào thay.

Lúc này, tuyến giữa Brazil lập tức chơi khởi sắc hơn nhờ tập hợp 4 tiền vệ gồm Coutinho, Casemiro, Paulinho và Costa. Selecao trong hiệp 2 của trận gặp Costa Rica hoàn toàn chiếm lĩnh mọi không gian, các đường tấn công trực diện được dàn trải đều theo chiều ngang mặt sân.

Nước cờ sử dụng Gabriel Jesus đá cao nhất trên hàng công Brazil cũng không mang đến hiệu quả. Số 9 thường đứng ngang hậu vệ đối phương, từ đó xâm nhập vòng cấm bằng những pha lẻn ra phía sau bất ngờ. Nhưng trước một đội phòng ngự quá thấp, Jesus không có đất diễn.

Khi hai trong số bốn mũi nhọn tấn công không thể phát huy điểm mạnh, Brazil trở nên bế tắc. Nhưng may cho họ vì đội hình rất có chiều sâu. Khi Jesus mờ nhạt, ông Tite đưa Roberto Firmino vào sân và nhận nhiệm vụ làm tường, điều này hỗ trợ nhiều cho Neymar chơi lùi ngay sau trung phong cắm

Firmino có lối chơi rất đồng đội và khả năng kết nối với những vệ tinh xung quanh. Đây là điều Neymar rất cần khi thực hiện các pha phối hợp một-hai. Sau cùng, Brazil đã có được chiến thắng đầu tiên ở World Cup, song mọi thứ diễn ra quá vất vả, cho thấy sự bất ổn trên mặt trận tấn công.

Tây Ban Nha, Pháp, Đức cũng gặp vấn đề

Tây Ban Nha ghi được 4 bàn sau 2 trận. Pháp có 3 bàn, còn tuyển Đức có 2 bàn. Những con số đó hoàn toàn không thể làm thuyết phục người xem. Hàng công những đội bóng này rõ ràng đang có vấn đề. Các đôi chân chục triệu, thậm chí trăm triệu euro vẫn chưa chứng minh được giá trị xứng đáng.

Dùng Timo Werner thế nào đang là dấu hỏi ở tuyển Đức.

Tây Ban Nha hầu như không thể tấn công ở biên phải, nơi David Silva trấn giữa vì thường xuyên có xu hướng bó vào trong. Nhận ra khiếm khuyết sau trận hòa Bồ Đào Nha, HLV Fernando Hierro lập tức dùng Lucas Vazquez để tạo ra sự cân bằng.

Lối chơi của Tây Ban Nha cũng thiếu một sự luân chuyển mượt mà giữa những cầu thủ tấn công. Diego Costa đôi khi tỏ ra quá đơn độc. Anh thiếu một đối tác ngay sau lưng để hỗ trợ, cũng như trở thành cầu nối điều bóng từ tuyến giữa lên phía trên.

Trong khi đó, tuyển Đức vẫn chưa định hình được bộ tứ tấn công lý tưởng. Việc HLV Joachim Loew liên tục điều chỉnh nhân sự trên mặt trận tấn công sau hai trận đấu nói lên điều đó. Timo Werner hoạt động rất xông xáo, nhưng không phải một số 9 cổ điển.

Trước Thụy Điển, ông Loew phải dùng Mario Gomez trong hiệp 2 đá cao nhất, đẩy Werner sang hành lang trái. Chỉ tới lúc này, chân sút 22 tuổi mới được phép hoạt động rộng, thỉnh thoảng lại bó vào trong như ngòi nổ thứ hai. Werner đã chơi tốt, nhưng hiệu quả của Thomas Mueller và Julian Draxler là dấu hỏi lớn.

Tuyển Pháp với Griezmann cũng chưa thị uy được sức mạnh.

Cả hai không để lại nhiều ấn tượng trong hai trận gặp Mexico và Thụy Điển. Đó chưa kể Mesut Oezil, không được dùng ở trận đấu vừa qua, đang sa sút phong độ. Sau hai trận đấu, tuyển Đức rõ ràng lộ ra khuyết điểm rất lớn, đó là hàng công hoạt động không thật sự trơn tru.

Tuyển Pháp gặp bất ổn về sự cân bằng giữa hàng công và tuyến giữa. Ý tưởng dùng ba tiền đạo tấn công tốc độ gồm Griezmann, Mbappe và Dembele chưa mang đến sự hiệu quả. Các vị trí này chơi nhiệt tình, hoán chuyển cho nhau liên tục... Một kịch bản tuyệt vời, nhưng chỉ trên lý thuyết.

Gặp Australia và Peru, nhà vô địch World Cup 1998 gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bàn thắng. Rồi ở thời điểm Olivier Giroud xuất hiện, Pháp chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 thành 4-2-4, từ đó khiến tuyến giữa chỉ còn hai cầu thủ gồm Matuidi và Kante chống chọi với những pha phản công nhanh.

Peru không có những mũi nhọn sắc sảo, bởi vậy chưa làm tổn thương được tuyển Pháp. Nhưng không ai đảm bảo hệ thống trên hoạt động an toàn trước các đối thủ khác mạnh hơn. Như Tây Ban Nha và Đức, Pháp vẫn chưa thể định hình được bộ khung lý tưởng phục vụ cho mặt trận tấn công.

Nguyên Trí (Theo ESPN)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hang-cong-tram-trieu-euro-cua-tu-dai-gia-gay-that-vong-post854565.html