Hàng chục triệu thẻ ngân hàng có thể bị vô hiệu

Thực trạng thẻ ngân hàng 'trăm hoa đua nở' đã dẫn đến quá nhiều 'thẻ rác'. Để khắc phục, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định sẽ vô hiệu hóa thẻ ngân hàng sau 90 ngày không hoạt động. Giải pháp này được cho rằng phần nào sẽ giúp tăng tính bảo mật cho chủ thẻ?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thẻ không hoạt động 90 ngày sẽ bị vô hiệu

NHNN đang trình dự thảo “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng” để lấy ý kiến.

Trước đó, để phản ánh thực trạng hoạt động thẻ, trong quý II/2020, NHNN đã thực hiện công bố tổng số lượng thẻ đang lưu hành thay cho chỉ tiêu tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế, phản ánh sự gia tăng số lượng thẻ mới phát hành qua từng kỳ số liệu.

Sau một thời gian loại bỏ “thẻ chết”, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm cuối quý II/2020 chỉ còn 106,31 triệu thẻ. Giảm mạnh so với con số 171,3 triệu thẻ hồi cuối tháng 9/2019. Trong đó, có 90,69 triệu thẻ nội địa và 15,62 triệu thẻ quốc tế.

Như vậy, con số thẻ lưu hành trung bình tính trên dân số Việt Nam (kể cả người già và trẻ nhỏ) hiện nay vào khoảng hơn 1 thẻ/người. Các chuyên gia đánh giá, với quy định trên, sẽ còn hàng chục triệu “thẻ chết” tiếp tục được loại ra khỏi hệ thống trong thời gian tới.

“Thẻ ATM, tài khoản không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động trong khoảng thời gian tối đa 90 ngày sẽ bị khóa, thu hồi hoặc loại bỏ”. Đó là nội dung được sửa đổi, bổ sung cho Điểm e Khoản 4 Điều 6 đáng chú ý tại dự thảo Thông tư của NHNN đang lấy ý kiến.

Hiện việc khóa thẻ hay vô hiệu hóa tài khoản ngân hàng xảy ra khi đã hết hạn sử dụng, nhập mã PIN không đúng số lần cho phép hoặc không đóng phí thường niên. Ngoài ra, thẻ bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư 19/2016/TT-NHNN.

Cụ thể như sau, thẻ giả, thẻ sử dụng trái phép, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật. Các trường hợp thu giữ thẻ khác được thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Đối với thẻ tín dụng nếu quá lâu không có giao dịch phát sinh có ngân hàng sẽ đóng thẻ. Nếu chủ thẻ không có giao dịch với ngân hàng từ khoảng 6 - 12 tháng thì tài khoản sẽ tạm thời đóng băng.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng bổ sung yêu cầu cụ thể về che giấu thông tin thẻ và kiểm soát nhân sự có quyền khai thác thông tin thẻ nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh mạng.

Theo đó, số thẻ phải được che giấu phù hợp khi hiển thị (chỉ hiển thị tối đa 6 số đầu và 4 số cuối) và chỉ được hiển thị đầy đủ cho một số hạn chế nhân viên có thẩm quyền để thao tác nghiệp vụ hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ sở hữu hợp pháp của thẻ. Ngân hàng phải lập danh sách các nhân viên có quyền xem số thẻ đầy đủ và thu hồi quyền xem số thẻ đầy đủ ngay khi nhân viên thay đổi vị trí công việc.

Giải pháp nào bảo mật cho chủ thẻ?

Anh Lê Duy Thắng (Long Biên) chia sẻ, việc sở hữu một chiếc thẻ ATM là nhu cầu cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Với chiếc thẻ ATM, anh Thắng có thể “bình tĩnh” thanh toán tiền nước, thanh toán tiền điện qua ngân hàng, nạp tiền điện thoại nhanh chóng. Vì thủ tục mở thẻ cực kỳ đơn giản, thậm chí còn được miễn phí và được nhân viên ngân hàng hỗ trợ tận nơi nên hiện tại anh có 3 thẻ ngân hàng. Trong đó, chỉ có một thẻ anh thường xuyên giao dịch vì nó được dùng để nhận lương của cơ quan.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm tán thành với những sửa đổi, bổ sung dự thảo Thông tư này của NHNN. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều thẻ ngân hàng được phát hành mà không bao giờ được sử dụng, gây lãng phí cho ngân hàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian 90 ngày là hợp lý với điều kiện ngân hàng phải thông báo hai đợt: Đợt đầu yêu cầu khách hàng sử dụng thẻ, đợt 2 cho biết sẽ đóng thẻ vào ngày nào.

Hiện nay, có hàng chục triệu thẻ ngân hàng “rác” tồn tại trên thị trường. Lợi dụng kẽ hở, nhiều kẻ lừa đảo đã lập khống các tài khoản và thẻ ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ ngân hàng hay ví điện tử.

Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng, mỗi chuyên viên ngân hàng đều được khoán mở thẻ, chỉ tiêu được giao từ đầu năm và sẽ chia theo tiến độ từng tháng, từng quý để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Nhân viên bị ép chỉ tiêu nên phải tìm cách mời chào khách hàng mở thẻ, dù không đảm bảo được họ có thực sự cần thiết sử dụng thẻ hay không. Có những trường hợp phải nhờ người thân, họ hàng “ủng hộ” để hoàn thành nhiệm vụ.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thông thường mỗi người chỉ cần hai thẻ. Đó là thẻ ghi nợ để thanh toán (thẻ ATM) và thẻ tín dụng để vay khi mua sắm. Việc “đua nhau” mở thẻ ngân hàng không thể cấm và không kiểm soát được. Chỉ có cách kêu gọi các ngân hàng nên hạn chế việc mở thẻ cho khách hàng mới. Với khách hàng cũ, nếu đã bị đóng thì phải có lý do phù hợp để mở lại thẻ.

Theo con số thống kê, hiện Việt Nam có khoảng gần 90 triệu thẻ ngân hàng ở trạng thái “ngủ đông”, hay còn gọi là thẻ chết. Nó chiếm 50% số lượng thẻ ngân hàng toàn quốc. Việc xác định tài khoản không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động trong khoảng thời gian tối đa 90 ngày sẽ bị khóa, thu hồi hoặc loại bỏ được cho là nhằm hạn chế hiện tượng này.

Tuy nhiên, việc đưa ra thời gian 90 ngày cần tính toán kỹ. Bởi thực tế, nhiều người sử dụng không cần đến tài khoản trong thời gian này. Hoặc chủ thẻ không dùng nhưng vẫn có nhu cầu giữ thì việc ngân hàng chủ động thu hồi hay vô hiệu hóa có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của họ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hang-chuc-trieu-the-ngan-hang-co-the-bi-vo-hieu-R0SUyncMg.html