Hàng chục ngàn hộ dân ở Huế, Quảng Trị bị ngập lụt, nhiều khu vực bị chia cắt

Tính đến chiều 9/10, mưa lũ đã làm ngập lụt hàng chục ngàn hộ dân ở địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhiều khu vực bị chia cắt do nước lũ dâng cao.

Lực lượng chức năng Quảng Trị giúp dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, ngập úng.

Lực lượng chức năng Quảng Trị giúp dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, ngập úng.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Trị, lượng mưa 4 ngày (từ 19h ngày 5/10 đến 5h ngày 9/10) trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 500 mm đến 700 mm, một số nơi lớn hơn như: Tại Hướng Linh lượng mưa đo được là 1.172,4 mm, tại Vĩnh Ô là 1008,8 mm, tại Hướng Hiệp là 944 mm, ĐaKrông là 887 mm, Linh Thượng là 876,4 mm, tại Hướng Sơn là 861,4 mm, tại Đầu Mầu là 825 mm, tại KT Khe Sanh là 739 mm.

Trong đợt mưa này đã xảy ra hiện tượng mưa với cường suất lớn, tập trung trong thời gian ngắn trong đêm 7/10 và sáng 8/10, lượng mưa 3h (từ 22h ngày 7/10 đến 1h ngày 8/10) tại các trạm là: Đakrông 272 mm, Khe Sanh 167 mm, Tà Rụt 139 mm, Đầu Mầu 128 mm.

Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu (đo tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử 1983.

Số liệu mới nhất đến chiều 9/10, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 13.800 hộ với trên 46.000 người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức di dời trên 3.740 hộ với hơn 13.000 người đến các khu vực an toàn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, vùng thấp trũng ở thành phố Đông Hà và các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị.

Tỉnh Quảng Trị đã có 2 người chết do bị lũ cuốn trôi. Tỉnh đang huy động lực lượng tìm kiếm 7 người còn mất tích, trong đó có 3 thuyền viên mất tích trên biển do tàu bị sự cố. Lực lượng chức năng đang tổ chức cứu nạn 3 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn và 1 tàu trôi dạt; trên các tàu bị mắc cạn và trôi dạt hiện có 33 thuyền viên.

Nhiều nhà dân bị cô lập do nước lũ dâng cao.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ). Tại huyện Hướng Hóa, các xã: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Việt và thị Trấn Lao Bão bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.

Tại huyện Đakrông, tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm. Đường vào trung tâm xã A Vao (Cầu Tràn Tà rụt – A Vao), Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt thôn Đá Nỗi xã Ba Lòng và một số vị trí của thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên. Một số tuyến đường liên thôn A Bung xã A Bung - thôn A Rồng trên xã A Ngo, đường nội thôn Gia Giã xã Hướng Hiệp, nội thôn Húc Nghì xã Húc Nghì, thôn Ly Tôn xã Tà Long bị chia cắt do các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m.

Tại huyện Cam Lộ, nhà dân vùng thấp trũng ven sông Hiếu bị ngập lụt, nhiều vùng bị ngập sâu như thôn Bích Giang xã Cam Hiếu, thôn Bình Mỹ, An Mỹ xã Cam Tuyền, Thôn Tam Hiệp xã Cam Thủy, thôn Quật Xá, Tân Mỹ - xã Cam Thành và vùng ven sông Hiếu thị trấn Cam Lộ.

Tại thành phố Đông Hà, ngập lụt trên diện rộng, tất cả 9 Phường thuộc thành phố đều có nhà bị ngập lụt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng.

Để ứng phó mưa lũ, đêm 8/10/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các biện pháp ứng cứu các thuyền viên của tàu bị nạn và phương án tiếp tục ứng phó với tình hình mưa, lũ trên diện rộng. Tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương theo dõi, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bên cạnh đó Quảng Trị cũng đã phát hành các văn bản về việc cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị nạn trên vùng biển Quảng Trị, cũng như về việc sử dụng trực thăng để cứu hộ thuyền viên bị nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu IV đề nghị hổ trợ tỉnh Quảng Trị cứu người và tàu bị nạn. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cắt cử người trực gác tại các điểm ngầm tràn, các điểm ngập sâu, sạt lở, các vị trí xung yếu, nguy hiểm cấm người và các phương tiện qua lại. Sư đoàn 968 chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng giúp dân dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi nước rút.

Nước lũ dâng cao tại Thừa Thiên Huế.

Tại Thừa Thiên Huế, trong ngày 9/10, mưa lớn tiếp tục kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ; đồng thời các hồ thủy lợi, thủy điện cũng tiếp tục vận hành điều tiết lũ với lưu lượng tăng. Đến chiều cùng ngày, mực nước trên sông Hương đạt mức dưới báo động 2 là 0,41m; sông Bồ đạt mức dưới báo động 3 là 0,07m.

Mưa lũ đã làm 1 người chết, 4 người bị thương; gần 6.500 nhà dân bị ngập sâu từ 0,0m – 1,8m, 1 nhà bị sập. Đến chiều 9/10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức di dời tại chỗ cho 1.867 hộ/5.075 nhân khẩu khỏi vùng thấp trũng, nguy hiểm. Nhiều khu vực dân cư tại Thừa Thiên Huế cũng bị nước lũ chia cắt mạnh như: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy; nhiều tuyến đường đô thị Huế ngập sâu trong nước lũ.

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hang-chuc-ngan-ho-dan-o-hue-quang-tri-bi-ngap-lut-nhieu-khu-vuc-bi-chia-cat-2020100921062277.htm