Hàng chục ngàn ca khúc Việt mang phận long đong

Sáng 12-4, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho phép phổ biến ca khúc Nối vòng tay lớn dù ca khúc này đã được hát từ mấy chục năm qua. Việc này làm xới lại số phận của hàng chục ngàn ca khúc trước 1975 và hải ngoại. (PLO) - Sáng 12-4, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho phép phổ biến ca khúc Nối vòng tay lớn dù ca khúc này đã được hát từ mấy chục năm qua. Việc này làm xới lại số phận của hàng chục ngàn ca khúc trước 1975 và hải ngoại.

Những ngày qua, vấn đề về việc cấp phép ca khúc trước 1975 lại bị xới lên khi liên tục xảy ra việc cấm – cho phép các ca khúc. Gần nhất là bốn ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Ca dao mẹ Đêm thấy ta là thác đổ bất ngờ không có trong Danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến của Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL). Và tháng trước, là việc tạm thời dừng lưu hành năm ca khúc: Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương), Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương) và Đừng gọi anh bằng chú (Diên An).

Ca sĩ Quang Dũng biểu diễn ca khúc Ca dao mẹ trong chương trình Nối vòng tay lớn tưởng niệm 15 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TP.HCM vào tối 22-4-2016. Cho đến thời điểm hiện tại theo lý lẽ của Cục NTBD thì Ca dao mẹ vẫn là ca khúc không có trong danh mục được phổ biến - Ảnh: BTC cung cấp

Việt Nam không thể buồn khi… trời vào thu

Thật ra, vấn đề danh mục bài hát trước 1975 và hải ngoại được cấp phép phổ biến tại Việt Nam đã được đem ra tranh luận, lấy ý kiến ở rất nhiều hội thảo. Trước đó, sự việc ca sĩ Vi Thảo vừa phát hành albumTàu đêm năm cũ sau 10 ngày thì toàn bộ album bị thu hồi bởi ca khúc Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương) Cục đã cấp phép nhưng rồi rút phép.

Hay trong danh mục của Cục, nhạc sĩ Lam Phương từng được cấp phép 110 bài nhưng đã có ba bài bị thu hồi lại. Trong đó ca khúc Tình bơ vơ của nhạc sĩ Lam Phương được cấp phép tháng 4-2008 đến tháng 5-2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi. Thu hồi vì ca khúc này có cụm từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”. Và cũng nhạc sĩ này, từng có hai ca khúc Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân cấp từ năm 2011, đến đợt rồi bị tạm thời dừng bởi những lý do chứa những cụm từ “nhạy cảm” tương tự.

Việc cấp phép, rồi thu hồi là một trong những lý do rất nhỏ làm cho Cục Nghệ thuật biểu diễn “ngại” công bố đầy đủ ca khúc được cấp phép. Lý do lớn hơn nằm ở quy định nhà nước. Thời điểm trước 1-1-2013, tức trước khi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (thường gọi là Nghị định 79) có hiệu lực; thẩm quyền cấp phép bài hát trước 1975 và hải ngoại do cả các sở văn hóa địa phương và Cục NTBD cấp phép. Sau khi nghị định 79 có hiệu lực thì thẩm quyền cấp phép các ca khúc này được trả về hết cho Cục. Chính từ đó, rất nhiều ca khúc dù đã được cấp phép hát mười mấy năm nay nhưng từ khi chức năng cấp phép được chuyển về Cục thì chưa được cập nhật lại. Điển hình như các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

51 ca khúc Vũ Thành An, cục chỉ công bố 24

Ngay thời điểm chuẩn bị cho Nghị định 79/2012 ra đời, trong chuyến khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại TP.HCM, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc sở VHTT TP.HCM (lúc đó đang là Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM) từng chia sẻ điều này.

Theo đó, riêng cơ sở dữ liệu của Sở về ca khúc được cấp phép nay đã lên hơn 20.000 ca khúc. Sở sẵn sàng cung cấp để Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật”. Và sau khi nghị định 79 có hiệu lực, Cục NTBD cũng từng có văn bản (số 94/NTBD-PQL) gửi các sở địa phương về việc sưu tầm, lên danh sách các bài hát của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các bài hát sáng tác trước năm 1975.

Tuy nhiên, sau khi hàng tá văn bản, hội thảo, việc quan trọng nhất là cập nhật đầy đủ, rà soát lại để hoàn thiện một danh mục chuẩn vẫn chưa được thực hiện.

Cục NTBD từng rút lại quyết định cấp phép cho ba trong 110 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được phép phổ biến tại Việt Nam - Ảnh: Hoa Mặt Trời

Gần nhất là trường hợp 51 tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An xin cấp phép (công ty Phương Nam làm thủ tục) và được Cục cấp phép sau Nghị định 79. Thế nhưng trên danh mục Cục vẫn chỉ có 24 ca khúc của Vũ Thành An được phép phổ biến. Vậy 27 ca khúc còn lại đã được cấp phép khác của nhạc sĩ này chỉ có đơn vị xin mới biết, còn các đơn vị, cá nhân nào muốn hát lại cứ phải làm hồ sơ gửi Cục để cấp phép hay sao?

Phải bồi thường cho những quyết định sai

Ông Huỳnh Tiết, nguyên Giám đốc Bến Thành Audio – Video, đơn vị đại diện sở hữu quyền tác giả của nhạc sĩ Lam Phương tại Việt Nam chia sẻ, “việc cấp phép rồi thu hồi không phải là chuyện mới nữa. Tôi rất hiểu chúng ta cởi mở hơn, có những quy định mới để phù hợp tạo thông thoáng hơn cho các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa, nghệ thuật biểu diễn; tuy nhiên điều cần nhất ở đây là sự cập nhật nhanh nhạy để phù hợp với các quy định đó. Đừng như thời gian qua, khi nghị định 79 đã thực thi hơn năm năm nhưng danh mục ca khúc trước 1975 và hải ngoại được phép biểu diễn không cập nhật đủ phần các sở địa phương từng cấp trước đó”.

Đại diện một đơn vị sản xuất băng đĩa, tổ chức biểu diễn cũng cho rằng: “Những bài hát chưa được Cục cấp phép kể từ sau nghị định 79 nhưng đã có các sở địa phương cấp ở thời điểm trước nghị định 79 thì Cục phải cập nhật với danh sách của các sở địa phương. Từ đó Cục ra một quyết định hợp thức hóa bài cũ với danh sách cụ thể; những bài nào có sai sót thì Cục cũng cho luôn danh sách thu hồi. Chứ như hiện tại, cho hay không cho hiếm khi doanh nghiệp được biết. Để đến khi phát hành hay lâu lâu sở địa phương nào đó đề xuất lại rút thì những thiệt hại sau khi thu âm, phát hành, biểu diễn tại sao doanh nghiệp, người sử dụng, khán giả phải chịu?”.

Đồng tình với các nhà sản xuất, luật sư – nhạc sĩ Lê Quốc Thắng cho rằng: “Một bài hát khi đã cho phép, quy trình cấp phép thẩm định đã có; nên khi cấm phải chứng minh cụ thể họ vi phạm điều gì, cơ sở pháp luật nào. Bởi cấm là thiệt hại cho công chúng yêu nhạc và thiệt hại vể quyền tài sản của tác giả. Trong thời gian bài hát không được sử dụng ai sẽ là người bồi thường cho tác giả? Tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước mảng văn hóa cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho những quyết định không hợp lý làm ảnh hưởng tài sản công dân như các lĩnh vực khác".

Vì sao không ban hành danh mục ca khúc bị cấm phổ biến?

Nhiều bạn đọc cũng gửi câu hỏi về Pháp Luật TP.HCM cho rằng tại sao Cục NTBD không ban hành danh mục ca khúc bị cấm phổ biến mà lại ban hành danh mục ca khúc được phép phổ biến?

Về vấn đề này, từ mười năm trước, trong một hội thảo về quản lý biểu diễn tại TP.HCM, Cục và các sở địa phương đã thống nhất. Sở dĩ không thể thực hiện danh mục cấm bởi không cơ quan quản lý nào, và chính bản thân tác giả có thể nhớ hết tác phẩm của mình từng sáng tác. Nên nếu ra danh mục cấm, rồi tiếp tục có những nhạc phẩm từng sáng tác nhưng nhạc sĩ chưa công bố thì cơ quan quản lý phải ứng xử như thế nào với các ca khúc này? Nó cũng xảy ra tình trạng phải lập hội đồng thẩm định ca khúc y như việc lập danh mục ca khúc được phép phổ biến hiện nay.

----------------------------------

Thiếu nhất quán làm nhầm lẫn

“Việc cấp phép ca khúc những ngày qua thể hiện sự thiếu nhất quán trong quản lý liên ngành lĩnh vực xuất bản phẩm và băng đĩa, biểu diễn. Từ đó mới có tình trạng rất nhiều tác phẩm của Trịnh Công Sơn, và các nhạc sĩ trước 1975 tại Sài Gòn từng in thành sách nhạc, lẫn trong sách giáo khoa mà không nằm trong danh mục cho phép của Cục. Đó là một sự nhập nhằng trong phổ biến tác giả tác phẩm đến với công chúng”. Luật sư, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/hang-chuc-ngan-ca-khuc-viet-mang-phan-long-dong-695144.html