Hàng chục đại án tham nhũng đã và sẽ đưa ra xét xử

Trong 12 đại án tham nhũng đình đám, duy nhất một vụ đã được đưa ra xét xử, số còn lại đã hoàn thành giai đoạn điều tra, truy tố và sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, phòng chống tham nhũng hồi tháng 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, phòng chống tham nhũng đã đồng ý kế hoạch về tiến độ điều tra, truy tố xét xử 12 đại án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017.

Ảnh minh họa

Đã đưa ra xét xử 1 vụ án

Đó là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 2/10 vừa qua.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga (52 tuổi, cựu đại biểu quốc hội, cựu chủ tịch HĐQT công ty Housing Group) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng hầu tòa với Châu Thị Thu Nga còn có 9 đồng phạm khác. Các bị cáo bị truy tố về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Theo cáo buộc, dự án B5 Cầu Diễn chưa giao cho liên doanh giữa Housing Group và Công ty HAIC làm chủ đầu tư, chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và cấp giấy phép xây dựng, nhưng Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý lên cổng thông tin điện tử của Housing Group.

Để khách hàng tin tưởng nộp tiền vào dự án, bị cáo Nga còn lập mô hình Dự án B5 Cầu Diễn theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt để tại sảnh của tập đoàn, đồng thời chỉ đạo thuộc cấp thi công cọc khoan nhồi tại khu đất Dự án để khách hàng tin tưởng nộp tiền cho Housing Group để mua căn hộ hình thành trong tương lai.

Với thủ đoạn trên, Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm đã ký hơn 750 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng với cam kết chuyển nhượng sử dụng hơn 750 căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn. Hành vi này của bị cáo Nga đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đên thời hạn không có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng và chiếm đoạt, sử dụng hơn 348 tỷ đồng.

Chiều ngày 16/10, HĐXX tuyên phạt Châu Thị Thu Nga mức án chung thân; 9 đồng phạm còn lại bị tuyên từ án treo đến 7 năm tù giam.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 10/10 bị cáo trong vụ án này đều đã có đơn kháng cáo.

Hầu hết các bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng một số tình tiết của vụ án chưa được HĐXX Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ. Cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Chủ tịch HĐQT Housing Goup Châu Thị Thu Nga thì cho rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng tội danh và mức phạt tù chung thân là quá nặng.

Với việc các bị cáo có đơn kháng cáo, thẩm quyền xét xử phúc thẩm sẽ thuộc TAND cấp cao TP Hà Nội. Theo luật định, vụ án sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm trong thời hạn 2 tháng.

Những vụ án sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới

11 vụ án còn lại phần lớn đã kết thúc điều tra, truy tố và sẽ sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới. Trong đó, có 5 vụ án thuộc giai đoạn II trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, gồm:

Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNaCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV).

Vụ án này được khởi tố ngày 11/3/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Theo nội dung vụ án: Lợi dụng nắm quyền chi phối vì nắm vị chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ cá nhân. Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại lên đến 15.370 tỉ đồng.

Ngày 24/1/2017, HĐXX phúc thẩm đã đưa ra bản án đối với Phạm Công Danh và đồng phạm. Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.

Liên quan đến vụ án, ngày 11/8, cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố đối với hàng loạt bị can nguyên là cán bộ ngân hàng và giám đốc doanh nghiệp.

Cụ thể, ngoài bị can Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank); Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank), cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố bị can đối với bà Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank); Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank); Đỗ Việt Bun (nguyên Trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp 1 TPBank); Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt; Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhân viên Quỹ Lộc Việt); Hoàng Long Hà (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định); Nguyễn Vũ Bảo và Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên cán bộ và nguyên trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định).

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khởi tố đối với 15 bị can khác là giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp đứng tên vay vốn, cung ứng vật liệu liên quan đến các ngân hàng TPBank và BIDV.

Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Vụ án này được tách ra ngày 11/3/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Liên quan đến vụ án, ngày 8/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, 63 tuổi, về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.

Vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.

Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.

3 vụ án trên được khởi tố tại tòa ngày 9/9/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

6 vụ án khác gồm:

Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Chi nhánh 6, TP Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ án được TAND TP Hồ Chí Minh khởi tố tại phiên tòa ngày 6/11/2015 từ vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm.

Theo nội dung vụ án: Ông Dương Thanh Cường (Nguyên Giám đốc công ty xây dựng Tấn Phát) dùng các công ty mà mình tự lập ra từ năm 2006 rồi đi thuê giám đốc với mức lương từ 5 đến 8 triệu một tháng, các giám đốc công ty này chỉ có trách nhiệm ký các loại giấy tờ và làm theo chỉ đạo của Cường.

Bằng thủ đoạn tinh vi, Dương Thanh Cường 2 lần dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 10 Âu Cơ, 23 giấy chứng nhận đất tại Bình Chánh để thế chấp 2 lần tại Agribank CN6 với số tiền lần 1 (170 tỷ) lần 2 (628 tỷ).

Sau đó, Cường chỉ đạo người làm của mình đến Agribank CN6 để mượn lại các giấy chứng nhận này và tiếp tục thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để vay tiền và vàng.

HĐXX sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên Dương Thanh Cường, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mức án chung thân, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức án chung thân, tổng hợp án là chung thân.

Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên từ 9 năm tù đến 25 năm tù giam

Vụ án 'đưa hối lộ' và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7 TP.HCM

Vụ án được TAND TP Hồ Chí Minh khởi tố tại phiên tòa ngày 21/12/2015 từ vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm.

Theo nội dung vụ án: Từ năm 2009 đến năm 2011, Phạm Đình Thắng và Dương Thị Kim Luyến đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn. nâng khống vốn điều lệ, lập khống báo cáo tài chính nhằm nâng lợi nhuận sau thuế, lập phương án kinh doanh khống… tất cả nhằm mục đích được vay vốn ngân hàng.

Số tiền vay được không phục vụ vào mục đích kinh doanh mà đi mua tài sản cố định và đầu tư khác… Phạm Văn Cử (Giámn đốc Agribank 7) đã chỉ đạo cấp dưới là Kiều Đình Thọ và Đỗ Thị Thu Hà tiếp nhận hồ sơ vay vốn của công ty Mai Khôi khi hồ sơ không đúng quy định, định giá tài sản đảm bảo không đúng quy định, không kiểm soát việc sử dụng vốn của công ty Mai Khôi, cho công ty Mai Khôi vay tiền để đảo nợ.

Sau khi đưa ra xét xử sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt Phạm Văn Cử 20 năm tù; bị cáo Phạm Trịnh Thắng (Chủ tich HĐTV Công ty Mai Khôi) lĩnh mức án tù chung thân; Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, nguyên Giám đốc Công ty Mai Khôi) 20 năm. Các bị cáo khác trong vụ an bị tuyên từ 7 - 16 năm tù giam.

Vụ án “vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Vụ án đã được khởi tố ngày 24/7/2014.

Theo nội dung vụ án: Dự án nước Sông Đà – Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư với mức vốn khoảng 1.450 tỉ đồn, tuy nhiên trong quá trình vận hành đã bị vỡ ống nước 14 lần, với 18 đường ống bị phá vỡ khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13 tỉ đồng để tiến hành sửa chữa.

Vì bị vỡ ống nhiều lần, khiến quá trình cung cấp nước sinh hoạt cho 177 nghìn hộ dân tại TP Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân gây ra sự cố là do chất liệu của đường ống dẫn nước không đảm bảo yêu cầu thiết kế. Độ bền không đạt tiêu chuẩn.

Liên quan đến vụ việc, ngày 22/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo điều tra, trong giai đoạn làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, ông Phí Thái Bình để xảy ra sai phạm hàng loạt, dẫn tới đường ống nước sạch kém chất lượng, hư hỏng nhiều lần, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân.

Cũng theo kết quả điều tra bổ sung, dự án nước sạch sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2004. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, từ năm 2012 đến 2015, xảy ra hàng chục lần vỡ đường ống nước.

Vụ án “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico).

Vụ án được khởi tố ngày 24/2/2015.

Ngày 21/4/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố Phan Minh Nguyệt, Cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên , Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Công ty Hadico) và Nguyễn Thị Huyền Hảo, Kế toán trưởng Công ty Hadico về 2 tội danh gồm "Tham ô tài sản" và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

3 bị can, Đỗ Văn Hảo, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Hadico; Đặng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hadico – Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm (Hà Nội) và Dương Thị Chinh, Kế toán trưởng Công ty Hadico – Xí nghiệp vườn quả Từ Liêm (Hà Nội) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị can Nguyễn Trọng Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty Hadico – Xí nghiệp Bắc Hà, bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, từ tháng 12/2005 đến tháng 2/2015, Phan Minh Nguyệt với nhiều cương vị như nêu trên vì động cơ vụ lợi cá nhân đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thực hiện các hành vi phạm tội.

Cụ thể, bị can Nguyệt đã chỉ đạo Đỗ Văn Hảo, Nguyễn Thị Huyền Hảo, Đặng Thị Thanh Tâm, Dương Thị Chinh và một số cán bộ dưới quyền khác tổ chức phá dỡ khu nhà kho cũ trên lô đất thuộc trạm máy kéo, tự lập "dự án" xây dựng nhà cho thuê tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm, gồm diện tích 8.400m², 114 gian nhà, 14 ki-ốt gây thiệt hại cho 138 người đã nộp tiền thuê nhà với tổng số tiền thiệt hại là 46,84 tỷ đồng.

Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

Vụ án được khởi tố ngày 21/12/2015

Ông Bùi Văn Khen (58 tuổi, ngụ ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) - nguyên Giám đốc Công ty cho thuê tài chính TNHH một thành viên, chi nhánh Hà Nội (Công ty BLC Hà Nội) thuộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Nguyễn Việt Hưng (48 tuổi, ngụ ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) - nguyên Trưởng phòng Kinh doanh 2 thuộc Công ty BLC Hà Nội đã có hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, năm 2007, Công ty xi măng Lào Cai có công văn gửi Công ty cho thuê tài chính BLC Hà Nội về việc cho thuê tài chính để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Giê (xã Bình Lư, H.Tam Đường, Lai Châu) có tổng mức đầu tư 74 tỉ đồng. Tháng 5.2007, BIDV chi nhánh Lào Cai có công văn đề nghị tham gia đồng tài trợ dự án thủy điện Nậm Giê của Công ty xi măng Lào Cai. Sau đó, Công ty BLC Hà Nội đã có công văn gửi BIDV Lào Cai về việc đồng ý cho thuê phần thiết bị thủy điện Nậm Giê với số tiền tối đa là 22 tỉ đồng. Vào tháng 7.2007, hai bên đã ký hợp đồng cho thuê tài chính.

Mặc dù sau đó, phát sinh việc chủ đầu tư không đủ các điều kiện để thanh toán nhưng ông Khen và ông Hưng vẫn thẩm định và giải ngân khoản tiền 11,8 tỉ đồng. Trong đó giải ngân trực tiếp cho Công ty xi măng Lào Cai với số tiền gần 5,98 tỉ đồng để mua 4 thiết bị máy móc và giải ngân thông qua BIDV Lào Cai số tiền 5,85 tỉ đồng để mua thiết bị thủy điện và dịch vụ kỹ thuật dự án thủy điện Nậm Giê. Đến nay xác định rõ là không có khả năng thu hồi được tài sản do Công ty xi măng Lào Cai đã bán, gán nợ.

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh.

Vụ án được khởi tố ngày 6/1/2016.

Theo nội dung vụ án: Công ty TNHH đầu tư Thiên Linh do Huỳnh Công Thiện làm đại diện pháp luật, đầu tư dự án khu trung tâm thương mại, siêu thị tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Để thực hiện dự án này công ty Thiện Linh đã vay tiền của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN chi nhánh Tây Sài Gòn.

Tuy nhiên, do kinh doanh dự án không hiệu quả và công ty làm ăn thua lỗ, để tháo gỡ tình hình, ông Thiện đã chủ trương lập ra 2 doanh nghiệp con. Từ 2 công ty này, ông Thiện chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ dự án khống, làm hồ sơ giả để tiếp tục vay tiền của ngân hàng.

Sử dụng chiêu thức có dấu hiệu lừa đảo, ông Thiện đã vay tiền trót lọt từ ngân hàng. Để thực hiện trót lọt hợp đồng vay này, ông Thiện đã nhận được sự giúp sức của cán bộ BIDV Tây Sài Gòn. Số tiền vay từ ngân hàng ông Thiện sử dụng vào các mục đích giải quyết nợ nần của công ty cũng như cá nhân. Đến nay ông Thiện cũng như công ty của ông không còn khả năng giải quyết khoản nợ.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201711/hang-chuc-dai-an-tham-nhung-da-va-se-dua-ra-xet-xu-586916/