Hàng chục biker Hà Nội 'học vỡ lòng' kỹ năng điều khiển mô tô

Trong buổi giao lưu của CLB Hanoi Riding Skills phối hợp cùng Trung tâm đào tạo lái xe Honda tổ chức, các biker đã có dịp học bài bản những kỹ năng điều khiển mô tô.

Vào ngày Chủ Nhật 25/3/2018 tại Vĩnh Phúc, Câu lạc bộ Hanoi Riding Skills (HRS) đã phối hợp cùng Trung tâm đào tạo Lái xe an toàn Honda Việt Nam (HVN TSEC) để tổ chức chương trình "Giao lưu kỹ năng lái xe mô tô an toàn". Mục đích của chương trình là hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe mô tô và tạo môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các biker và huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Tham gia vào chương trình, ngoài các thành viên HRS còn có sự xuất hiện của CLB những người chơi xe Triumph Hà Nội, Triumph Fun và một số khách mời, biker tự do khác. Ước tính đã có tổng cộng gần 40 người chơi xe tham dự buổi giao lưu, với đội hình xe đa dạng - từ những mẫu xe tay ga cỡ nhỏ như Yamaha Mio tới các dòng mô tô cỡ lớn như Honda ST1300 Pan European, Harley-Davidson Heritage Softail hay BMW R1200GS Adventure.

Kể từ sau khi Nhà nước cho phép mọi người dân trên 18 tuổi có thể thi và được cấp bằng lái mô tô phân khối lớn hạng A2, số lượng người chơi xe đã trở nên đông đảo hơn. Tuy nhiên, chương trình đào tạo cấp bằng A2 hiện mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản. Chính vì vậy, các kỹ năng lái xe mô tô đa phần chỉ đều do người chơi xe tự rút kinh nghiệm qua nhiều chuyến đi, tự tìm hiểu thông qua internet hoặc chia sẻ với nhau. Ngoài ra, họ cũng ít có cơ hội được tập luyện những kỹ năng này trong một môi trường an toàn, nhưng có khả năng vận dụng tối đa hiệu năng của chiếc xe.

Buổi giao lưu giữa HRS và HVN TSEC đã đem tới cho những người tham gia toàn bộ những điều này. Để bắt đầu, các biker sẽ được những huấn luyện viên của Honda Việt Nam hướng dẫn những kỹ những kiến thức, kỹ năng về cách dự đoán phòng tránh rủi ro khi đi trên đường. Thông qua những video ví dụ thực tế trên đường cũng như chỉ dẫn từ huấn luyện viên, họ đã nắm được những quy tắc an toàn tối quan trọng khi vận hành một chiếc xe trên đường giao thông công cộng.

Một số quy tắc an toàn bao gồm giữ khoảng cách 2 giây so với xe phía trước, cách phán đoán và phòng tránh rủi ro trên đường do khuất tầm nhìn (bởi vật cố định hoặc di động) và yếu tố bất ngờ (trực tiếp hoặc gián tiếp)... Sau đó, những người chơi xe đã ngay lập tức được thực hành các quy tắc này qua thiết bị mô phỏng một chiếc mô tô trên đường.

Có cách vận hành y hệt như một chiếc mô tô thật, người sử dụng cũng sẽ phải "côn ra, ga vào" và nghiêng xe để bám cua. Trong quá trình giả lập lái xe, những chướng ngại vật sẽ bất ngờ xuất hiện trên màn hình, đòi hỏi người cầm lái phải phản ứng nhanh để tránh rủi ro. Với khả năng theo dõi tốc độ tối đa, độ trễ khi xử lý, lực phanh, thời gian phản ứng... của thiết bị và phân tích từ huấn luyện viên, mỗi biker đã có thể nhận ra những khiếm khuyết trong kỹ năng điều khiển xe của mình để từ đó tìm cách khắc phục.

Sau các bài học lý thuyết và thực hành trên máy, những người tham gia sẽ được hướng dẫn các kỹ năng điều khiển và vận hành xe côn tay nói chung và xe phân khối lớn nói riêng từ cơ bản tới nâng cao trên sân tập rộng gần 13.000m2 của HVN TSEC. Tuy nhiên, họ không ngay lập tức chạy xe, thay vào đó sẽ tiếp tục được các huấn luyện viên truyền đạt các kiến thức cơ bản, thậm chí có thể nói là những "bài học vỡ lòng" khi làm quen với mô tô.

Một trong những bài học như vậy đó là cách dựng xe đổ ở cả hai chiều trái và phải. Thông thường, người điều khiển xe 2 bánh sẽ nắm lấy ghi-đông của chiếc xe để dựng lên. Tuy nhiên, cách này sẽ khiến cho cột sống bị tổn thương và rất khó để nâng những chiếc mô tô phân khối lớn nặng hàng trăm kg. Thay vào đó, huấn luyện viên đã hướng dẫn việc dựng xe với đùi tựa vào bình xăng hoặc lưng tựa vào xe, dùng hai chân tạo lực để nâng chiếc xe lên.

Ngoài ra, các kiến thức cơ bản khác như tư thế cầm nắm tay ga và cách phanh an toàn cũng đã được các huấn luyện viên hướng dẫn kỹ càng. Trái với thói quen của nhiều người hiện nay với 1 hoặc 2 ngón tay thường trực trên tay phanh, người tham gia được khuyến khích nắm tay ở giữa tay nắm, cách cùm công tắc khoảng 1cm và vặn ga bằng 3 ngón kể từ ngón út. Điều này nhằm giúp tạo thói quen sử dụng cả 4 ngón tay khi phanh, nhằm đạt lực phanh tối đa và quãng đường phanh rút ngắn nhất.

Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần "bóp chết" phanh trước, người lái sẽ rất dễ bị khóa bánh và dẫn tới trượt ngã (lowside). Chính vì vậy, kỹ năng phanh khẩn cấp đã được các huấn luyện viên tại HVN TSEC đặc biệt chú trọng hướng dẫn. Để có thể phanh hiệu quả nhất, biker sẽ phải học cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả 2 phanh trước sau, cảm nhận và tăng dần lực phanh tới khi dừng hẳn. Ngoài ra, cách bóp côn khi phanh cũng là một phản xạ phải luyện tập - bóp côn khi xe đã gần dừng hẳn để tránh chết máy và khiến xe không trôi nhanh hơn theo quán tính.

Ngoài ra, một mẹo khác khi dùng phanh trước khi phanh gấp trên đường thẳng đó là tư thế người lái đặt thẳng cả 2 tay, dồn lưng cong người về phía sau hình chữ C. Điều này giúp giữ cho phần đầu xe được ổn định và tránh việc trọng lượng người bị dồn về phía trước gây mất lái - đặc biệt khi đeo balo nặng hoặc đèo người ở phía sau. Một cú phanh khẩn cấp hoàn hảo là khi quãng đường phanh được rút ngắn tối đa và bánh xe không bị trượt trên mặt đường.

Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên việc áp dụng những kỹ thuật nêu trên trong trường hợp thực tế là một thử thách lớn ngay cả đối với các biker lâu năm có mặt tại buổi giao lưu. Được huấn luyện viên yêu cầu chạy ở số 4 với tốc độ 60km/h rồi phanh gấp theo tín hiệu cờ ngẫu nhiên. tuy nhiên rất ít người có thể phối hợp nhuần nhuyễn giữa các kỹ năng nói trên, khiến quãng đường phanh tăng lên và bánh sau thường bị trượt trên mặt đường.

Với máy đo chuyên dụng của Tag Heuer cùng sự quan sát của các huấn luyện viên, những người tham gia cũng sẽ ngay lập tức được góp ý, chỉ dẫn những điểm sai ngay sau khi phanh xe dừng hẳn. Sau khi đã quen với kỹ năng phanh, các biker được hướng dẫn về kỹ năng kiểm soát tay côn, ga và phanh sau ở tốc độ thấp qua những bài tập như giữ thăng bằng trên cầu hẹp, cầu hẹp zig-zag và đường lượn sóng. Cảm giác tay côn là điều cực kỳ quan trọng, khi kỹ năng này giúp người lái làm chủ hoàn toàn được sức mạnh của chiếc xe.

Cuối cùng, kỹ năng được nhiều người quan tâm đó là tư thế khi vào cua. Điều này sẽ phụ thuộc vào từng kiểu góc cua khác nhau. Đối với các góc cua rộng và tốc độ cao, người lái sẽ nhẹ nhàng đưa tay lái và nghiêng người cùng chiều xe rẽ vào cua - tương tự như cách mà các vận động viên đua xe đang ôm cua "cạ gối". Trong khi đó, với các góc cua hẹp ở tốc độ thấp, người điều khiến sẽ nghiêng theo chiều ngược lại để "đè" chiếc xe xuống và đạt bán kính vòng quay tối thiểu...

Khi áp dụng nhuần nhuyễn toàn bộ các kỹ năng nêu trên người lái sẽ có thể điều khiển những chiếc mô tô một cách linh hoạt, hiệu quả và an toàn nhất có thể. Điều này đã được huấn luyện viên Phùng Xuân Trường - Nhà vô địch phân hạng xe Honda CB400SF tại Hội thi Hướng dẫn viên Lái xe an toàn lần thứ 18 tổ chức ở Nhật bản vào năm ngoái - thể hiện trong sa hình gymkhana với nhiều góc cua hẹp liên tiếp nhau.

Sau đó, các biker cũng đã có dịp được rèn luyện kỹ năng điều khiển xe cũng ngay trong chính sa hình này. Đây là một thử thách không hề dễ dàng - đặc biệt khi rất nhiều người tham gia với những chiếc Triumph thuộc dòng Modern Classics nặng nề hay các dòng mô tô phân khối lớn từ 800cc trở lên. Tuy nhiên chỉ sau khi chạy xe vài vòng, họ đã dần làm quen với các kỹ thuật vừa học được và trở nên tự tin hơn khi ngồi trên xe.

Vào cuối ngày, cọ xát cùng với những người khác xung quanh đường tập lái xe của HVN TSEC, nhiều biker đã thể hiện rõ sự tiến bộ của mình sau một buổi luyện tập. Khi đã nắm vững các kỹ năng lái xe cơ bản, họ đã có thể làm chủ hoàn toàn những chiếc xe nặng nề trên đường. Trong buổi giao lưu, một biker với vóc người nhỏ và chiều cao chỉ khoảng 1,6m, nhưng vẫn đã có thể "nài" một chiếc BMW R1200GS đồ sộ một cách rất nhẹ nhàng.

Dù đa số những người chơi xe đều là nam giới, nhưng vẫn có một số nữ biker có mặt tại buổi giao lưu. Họ đã luyện tập một cách chăm chỉ giống như bất kỳ "cánh mày râu" nào, và cũng đã có thể điều khiển những chiếc xe côn tay hay mô tô phân khối lớn một cách thuần thục cùng những người khác khi tất cả chạy chung trong sân tập.

Một số thành viên CLB HRS cũng đã từng tham gia và giành những vị trí cao tại các giải gymkhana hay đua xe ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Cùng với những huấn luyện viên của Honda, họ đã bám đuổi rất sát qua từng khúc cua trên đường chạy - kịch tính và hấp dẫn tương tự như những tay đua tại các giải thi đấu chuyên nghiệp.

Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau buổi giao lưu, những người tham gia sẽ có thể tham gia giao thông thực tế một cách an toàn hơn cho bản thân, cũng như chia sẻ lại cho bạn bè, người thân để hình thành nên một xã hội giao thông an toàn, đúng như tiêu chí của buổi giao lưu đã đề ra.

Một số hình ảnh tại buổi giao lưu kỹ năng lái xe an toàn do HRS và HVN TSEC tổ chức:

Ảnh: Nguyễn Huy

Nguyễn Huy

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/nhip-song/hang-chuc-biker-ha-noi-hoc-vo-long-ky-nang-dieu-khien-mo-to-24725.html