Hàng cấm trong xe chở bưu phẩm, thư báo

Không chỉ xuất hiện tại các cửa khẩu sân bay quốc tế, hàng cấm còn được các đối tượng trà trộn trong bưu phẩm, bưu kiện, thậm chí còn sử dụng cả xe thư báo để vận chuyển hòng qua mặt lực lượng chức năng trong nội địa.

Xe thư báo có chở hàng cấm do lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ tại Đắk Lắk. Ảnh: Q.H.

Xe thư báo có chở hàng cấm do lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ tại Đắk Lắk. Ảnh: Q.H.

Thủ đoạn mới

Hơn 600 vụ vi phạm có trị giá hàng hóa lên đến trên 90 tỷ đồng là số vụ vi phạm do lực lực lượng Hải quan phát hiện trên tuyến hàng không, bưu điện trong năm 2018. Địa bàn hoạt động của các nhóm đối tượng này thường là sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và ngay cả các hãng chuyển phát nhanh DHL, Fedex… cũng bị các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng nhỏ gọn có giá trị cao, dễ cất giấu (như vàng, điện thoại di động, vũ khí, ma túy, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm…). Nhóm đối tượng này thường là hành khách XNK nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi; cá nhân, tổ chức gửi hoặc nhận hàng bưu phẩm, bưu kiện, quà biếu với số lượng lớn.

Việc lực lượng Hải quan phát hiện trong các lô hàng chuyển phát nhanh có chứa hàng cấm không còn là chuyện hiếm gặp ở các cửa khẩu sân bay quốc tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giấu hàng cấm trong xe vận chuyển bưu phẩm, xe thư báo đã không thể qua mặt được lực lượng chức năng trong nội địa.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, cuối tháng 12/2018, tại điểm giao nhận hàng của bưu cục Viettel Ninh Hiệp (có địa chỉ tại xóm 8, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Gia Lâm tiến hành khám xe ô tô BKS 29KT- 007.13 do ông Phùng Tiến Dũng, nhân viên lái xe công ty TNHH MTV Logistic Viettel điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 23kg pháo bên trong 47 kiện bưu phẩm, bưu kiện chứa quần áo, phụ kiện điện thoại... Qua kiểm tra số bill trên tải kiện được biết hàng hóa do nhân viên tiếp nhận là N.T.D.

Thời điểm khách hàng tới gửi tại bưu cục trùng với lúc xe tới nhận hàng nên sau khi kê khai nội dung hàng hóa là quần áo, khách hàng liên tục yêu cầu Viettel Post chuyển bưu phẩm đi gấp. Vì thế, Viettel Post chất hàng hóa lên xe. Trên quãng đường bưu phẩm di chuyển từ bưu cục tới trung tâm khai thác thì xe chở hàng bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính.

Ở một vụ việc tương tự, ngày 4/1/2019, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đang làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Khánh Xuân (TP Buôn Ma Thuột) đã tiến hành kiểm tra một xe thư báo mang BKS 29C-695.19 do tài xế L.C.T (25 tuổi, trú tại tỉnh Lâm Đồng) điều khiển đang lưu thông theo hướng tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk. Quá trình kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện trên xe có chở nhiều mặt hàng lậu, hàng cấm nên đã đưa phương tiện về trụ sở để làm rõ.

Tại đây, lực lượng Công an phát hiện có hàng trăm sản phẩm hàng hóa nhập lậu như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, linh kiện điện tử và hàng chục sản phẩm hàng cấm như: Pháo, roi điện, linh kiện để lắp ráp thành súng và khoảng 1.000 viên đạn chì. Tại cơ quan điều tra, L.C.T khai nhận, xe thư báo là của Công ty CP giao hàng Tiết Kiệm có trụ sở tại xã Tân Phú, huyện Củ Chi, TPHCM. Số hàng trên đang được vận chuyển đi tiêu thụ trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tăng hình phạt để răn đe

Theo Bộ Công Thương, từ yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi một số quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại trên thị trường.

Dự kiến, sửa đổi toàn bộ nội dung Điều 10, Nghị định 185 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm bảo đảm tương thích với Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, Điều 10 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển đối với các mặt hàng cấm như thuốc bảo vệ thực vật mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu; pháo nổ và các hàng hóa khác mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu quy định tại Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP được đưa về quy định tại Điều 10 và được bãi bỏ tại khoản 30 Điều 1 dự thảo Nghị định, theo đó mức phạt tiền cũng được điều chỉnh giảm để bảo đảm mặt bằng chung trong chính sách xử lý đối các mặt hàng cấm khác quy định tại Điều này.

Theo đó, phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6 kg trở lên…

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hang-cam-trong-xe-cho-buu-pham-thu-bao-100519.html