Hãng bay đưa giải pháp hạn chế delay, chậm chuyến

Lãnh đạo hãng bay mong muốn cơ quan quản lý xem xét rút ngắn thời gian và tăng tần suất điều phối cất, hạ cánh cho máy bay, giảm thời gian máy bay chờ cất cánh.

Cục Hàng không cho biết trong tháng 6 (từ 19/5 đến 18/6), các hãng hàng không Việt Nam khai thác 30.808 chuyến bay, tăng 528% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 18% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ chỉ đạt 81,8%, giảm 15,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2021 và giảm 9,4 điểm phần trăm so với tháng 5. Như vậy, số chuyến bay bị chậm giờ chiếm 18,2%, tương đương 5.602 chuyến.

Trong đó, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là máy bay về muộn (chiếm tới 13,4% trong số 18,2%). Các lý do khác như lỗi của hãng chiếm 2,5%, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay chiếm 1%, thời tiết xấu chiếm 0,4%...

 Hành khách ngồi vạ vật chờ đợi vì chuyến bay bị delay tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lâm Anh.

Hành khách ngồi vạ vật chờ đợi vì chuyến bay bị delay tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lâm Anh.

Trao đổi với Zing, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet, cho biết hoạt động đi lại bằng đường hàng không đang phục hồi mạnh mẽ. Số chuyến bay tăng cao và tình trạng delay, chậm chuyến cũng tăng theo tỷ lệ thuận.

Bên cạnh việc chậm chuyến do các nguyên nhân chủ quan của hãng, ông Phương khẳng định có nhiều trường hợp máy bay đã sẵn sàng như vẫn phải chờ đợi các điều kiện thời tiết hoặc hạ tầng sân bay.

Lãnh đạo Vietjet đã đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến và quá tải sân bay trong giai đoạn cao điểm.

Trước tiên, sân bay Tân Sơn Nhất cần sớm đưa vào khai thác 4 cửa ra máy bay bổ sung gồm cửa 22, 23, 24, 25 để tăng năng lực nhà ga Tân Sơn Nhất, giảm delay. Các đơn vị phục vụ mặt đất cũng cần nâng cao năng lực để phục vụ hành khách được nhanh chóng.

Lãnh đạo hãng bay cũng mong muốn cơ quan quản lý xem xét rút ngắn thời gian và tăng tần suất điều phối cất hạ cánh cho máy bay, giảm thời gian máy bay chờ cất cánh, như vậy sẽ giảm thời gian chiếm dụng bãi đỗ, ống lồng, rút ngắn thời gian đợi cất cánh, giảm chậm chuyến.

Về phần mình, các hãng hàng không phải cố gắng đảm bảo máy bay ở điều kiện kỹ thuật tốt nhất, tăng thêm dự trữ trang thiết bị và nguồn lực để xử lý các tình huống sự cố gây chậm chuyến.

Cuối cùng, các đơn vị trong ngành hàng không cần có phương án đối phó với điều kiện thời tiết bất thường để giảm rủi ro cho hành khách.

Trước đó, ngày 29/6, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, đặc biệt trong dịp cao điểm hè, chấn chỉnh, xử lý tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.

Thời gian qua, Bộ đã ghi nhận tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến có xu hướng tăng gây bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.

Để chấn chỉnh, Cục Hàng không phải chỉ đạo các hãng hàng không tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến.

Trao đổi với Zing trước đó, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng khẳng định chắc chắn tới đây ngành hàng không sẽ có những biện pháp cải thiện chất lượng ngay. Cục đã cử đoàn công tác đến sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các hãng hàng không để chấn chỉnh việc chậm hủy chuyến.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-bay-dua-giai-phap-han-che-delay-cham-chuyen-post1331176.html