Hàn -Triều đưa vùng cấm bay biên giới vào hiệu lực, Mỹ lo ngại?

Một biện pháp làm ấm thêm quan hệ liên Triều, tuy nhiên lại không hẳn làm hài lòng Mỹ.

Một khu vực cấm bay và lệnh cấm các cuộc tập trận quân sự gần biên giới nhằm cải thiện quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên đã bắt đầu có hiệu lực vào hôm nay (1/11). Vùng cấm bay này dài 40km theo hướng Bắc - Nam, kể từ giới tuyến quân sự (MDL) ở phía Đông và 20km ở phía tây đối với máy bay cánh cố định, bên cạnh một số hạn chế khác đối với trực thăng, máy bay không người lái và bóng bay, miễn trừ cho các hoạt động thương mại và phi quân sự như y tế, cứu hộ thiên tai hay hoạt động nông nghiệp.

Làng đình chiến trong khu phi quân sự liên Triều.

Các biện pháp này là một phần của hiệp ước quân sự được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên hồi tháng trước, trong đó bao gồm việc tạm dừng "tất cả các hành vi thù địch", đồng thời loại bỏ dần các bãi mìn và lực lượng bảo vệ có vũ trang trong Khu phi quân sự (DMZ). Thỏa thuận còn đề cập đến các cuộc tập trận bắn đạn thật liên quan đến máy bay cánh cố định và vũ khí đất đối không trong khu vực cấm bay, trong khi Hàn Quốc và Mỹ đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận như vậy cho đến tháng 6 vừa qua.

Mỹ từng nêu lên mối lo ngại rằng việc ký kết này có thể làm giảm khả năng sẵn sàng tự vệ của Hàn Quốc trong bối cảnh việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đang có dấu hiệu chững lại, mặc dù nó đã được giám sát và thúc đẩy bởi một cuộc họp an ninh thường niên giữa các bộ trưởng quốc phòng hôm 30/10 tại Washington.

Phát biểu trước Quốc hội Hàn hôm 1/11, Tổng thống Moon Jae-in đã khẳng định: "2 miền Nam - Bắc đã loại bỏ hoàn toàn các mối nguy hiểm từ các cuộc đụng độ quân sự thông qua thỏa thuận quân sự...Hàn - Tiên và Mỹ sẽ đạt được sự giải giáp hoàn toàn của bán đảo Triều Tiên và hòa bình lâu dài dựa trên niềm tin vững chắc".

Theo Bộ Quốc phòng Seoul, phía Triều Tiên cũng đã tiến hành các động thái hướng tới hiệp ước, chẳng hạn như rút bỏ lực lượng pháo binh được triển khai lâu nay dọc theo bờ biển phía Tây, đồng thời khẳng định "sẽ xác minh một cách nghiêm túc việc thực hiện thỏa thuận của miền Bắc, bao gồm cả việc tập trận quân sự xung quanh MDL và xét xem liệu nó có phù hợp với khu vực cấm bay hay không".

Vùng cấm bay là điểm đáng lưu ý đối với Washington bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới các cuộc tập trận hỗ trợ khoảng không gần, khi các máy bay sẽ thực hiện nhiệm vụ cung cấp hỏa lực cho các lực lượng có khả năng áp sát đối phương.

Hương Thảo (Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/han-trieu-dua-vung-cam-bay-bien-gioi-vao-hieu-luc-my-lo-ngai-328833.html