Hàn Quốc và rủi ro đầu tư vào Triều Tiên

Nền kinh tế Hàn Quốc đang phát triển chậm lại nhưng chính phủ vẫn tìm cách chi hàng trăm triệu USD vào các dự án kinh tế và văn hóa với CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Reuters

Dù những kế hoạch này đều được xem là khoản đầu tư dài hạn cho hòa bình trên bán đảo, nhưng chúng có thể làm tăng nợ công của Seoul và trở thành gánh nặng nếu quan hệ liên Triều gặp trục trặc. Theo Đài CNBC, trong dự luật mới gửi Quốc hội, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đề xuất chi 419 triệu USD cho nhiều dự án liên quan đến miền Bắc, bao gồm chương trình đoàn tụ gia đình, thiết lập văn phòng liên lạc chung và hoạt động giao lưu thể thao. Đây là những nội dung cam kết trong tuyên bố chung do Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký hồi tháng 4.

Đáng lưu ý là con số nói trên chỉ dành cho năm 2019. Phe đối lập cáo buộc chính phủ cố ý che giấu chi phí dài hạn vì sợ gặp phải phản ứng dữ dội từ công chúng. Hiện ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về các khoản đầu tư vào Triều Tiên giữa lúc nền kinh tế Hàn Quốc phát triển chậm lại. Các cuộc khảo sát cho thấy dù đa số người dân miền Nam thể hiện mong muốn hòa bình với miền Bắc, nhưng không ít người nghĩ rằng tình hình kinh tế trong nước nên được ưu tiên.

Tính đến thời điểm này, GDP của Hàn Quốc đạt 2,9%, giảm so với mức 3,1% cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tạo việc làm ở mức thấp nhất trong 9 năm sau khi ông Moon Jae-in tăng lương tối thiểu và cắt giảm giờ làm việc, những động thái khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi thuê lao động mới. “Không tính đến vấn đề ngoại giao, việc chi tiêu mạnh vào Triều Tiên trong thời điểm nhiều người Hàn Quốc không hài lòng với nền kinh tế của chính họ có thể trở nên khó thuyết phục về mặt chính trị”, Kyle Ferrier, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Hàn Quốc, nhận xét với CNBC.

[VIDEO] Lãnh đạo Kim Jong-un hồi sinh giấc mơ nối đường sắt Triều Tiên ra khu vực

Bên cạnh đó, dư luận Hàn Quốc đang xôn xao về khoản dự chi 262 triệu USD phân bổ cho kế hoạch hiện đại hóa hệ thống liên kết giao thông giữa 2 miền Triều Tiên, bắt đầu vào năm tới. Một số chuyên gia cho rằng chi phí trên thực tế còn cao hơn nhiều. Cụ thể, theo nhà phân tích Anwita Basu của Hãng tư vấn The Economist Intelligence Unit (Anh), chỉ riêng 2 dự án đường sắt ở Triều Tiên là Kaesong-Sinuiju và Kosong-Tumen có tổng chiều dài khoảng 1.190 km nên chi phí xây dựng không thể thấp hơn con số được công bố.

Theo tờ Chosun Ilbo, Cơ quan Mạng lưới đường sắt Hàn Quốc ước tính việc nâng cấp, sửa chữa những tuyến đường bộ và đường sắt của Triều Tiên có thể tiêu tốn xấp xỉ 38,2 tỉ USD. Con số này chiếm khoảng 10% tổng kế hoạch chi tiêu năm 2018 của chính quyền Seoul và gấp đôi số tiền chính phủ dự tính chi cho sáng kiến tạo việc làm trong nước. Chưa hết, báo cáo hồi tháng 6.2018 của Hãng dịch vụ tài chính Citigroup ước tính Hàn Quốc sẽ phải chi tổng cộng 63,1 tỉ USD để khôi phục cơ sở hạ tầng và giao thông của miền Bắc bao gồm đường sắt, đường bộ, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ và nhà máy lọc dầu. Trong khi đó, giới chức Seoul phủ nhận con số này và cho biết thông tin chi tiết về chi phí sẽ được công bố sau khi quá trình khảo sát thực địa hoàn tất.

Dù những kế hoạch nói trên có thể mang lại lợi ích lâu dài nhưng lại phụ thuộc vào tình hình ổn định trên bán đảo, điều vẫn còn rất khó lường trong bối cảnh hiện nay. “Nếu quan hệ liên Triều gặp bế tắc về chính trị hay ngoại giao thì Hàn Quốc sẽ thiệt hại lớn sau khi đã đổ nhiều tiền vào miền Bắc. Việc theo đuổi các dự án đường sắt và đường bộ nối liền 2 miền sẽ chỉ có ý nghĩa với Hàn Quốc một khi Mỹ hoặc LHQ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên. Nếu không, các công ty tham gia xây dựng có nguy cơ đối diện hậu quả tài chính lớn”, chuyên gia Ferrier cảnh báo.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Triều Tiên

Hôm nay 7.10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng để thảo luận kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Yonhap hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo cho hay thời gian và địa điểm cho cuộc gặp có thể được quyết định trong chuyến thăm lần này nhưng có thể sẽ không được công bố ngay. Cuộc gặp lần thứ nhất giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ở Singapore vào ngày 12.6. Tuy nhiên theo Yonhap, Tổng thống Trump vừa quyết định cuộc gặp tiếp theo sẽ không được tổ chức tại Singapore.

Ngoài ra, ông Pompeo được cho là sẽ gặp lãnh đạo Kim để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Trong thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Washington sẽ đồng ý với Bình Nhưỡng về tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) để đổi lại những bước đi chắc chắn và cụ thể về phi hạt nhân hóa. Theo kế hoạch, sau khi rời Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Pompeo sẽ thăm Hàn Quốc trước khi đến Trung Quốc, điểm cuối cùng trong chuyến công du châu Á lần này. Minh Trung

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/han-quoc-va-rui-ro-dau-tu-vao-trieu-tien-1010904.html