Hàn Quốc và kế hoạch đầu tư hơn 450 tỷ USD xây cơ sở sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới

Hàn Quốc lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới, nhằm bước vào cuộc đua toàn cầu với Trung Quốc và Mỹ để thống trị những ngành công nghệ chủ chốt.

 Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 450 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới

Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 450 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới

Trước mắt, từ nay đến năm 2030, 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix sẽ tiên phong với gói đầu tư hơn 459 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn theo kế hoạch cấp quốc gia do chính quyền của Tổng thống Moon Jae In đưa ra.

Hai công ty này được đánh giá là nằm trong số 153 công ty giúp thúc đẩy sự phát triển kéo dài trong suốt một thập kỷ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp kinh tế quan trọng nhất của đất nước.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết chất bán dẫn hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Hàn Quốc. Dự kiến đến năm 2030, kinh doanh xuất khẩu chip điện tử dự kiến sẽ tăng gấp đôi đạt đến 200 tỷ USD.

Cũng theo thông báo của Bộ, chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách xây dựng một "vành đai chất bán dẫn K", trải dài hàng chục kilomet về phía nam của thành phố Seoul, tập hợp các nhà sản xuất, nhà cung cấp chip lớn mạnh nhất của nước này.

Sáng 13/5, Tổng thống Moon đã ghé thăm một nhà máy của Samsung ở phía nam Seoul. Tại đây, đại diện phía Samsung cho biết tập đoàn có kế hoạch thúc đẩy gói tiêu dùng thêm 30%, tương đương 151 tỷ USD trong năm tới. Trong khi đó, Hynix cũng cam kết đầu tư 205 tỷ USD để mở rộng 4 nhà máy sản xuất chip mới ở Yongin.

Thêm vào đó, Samsung đặt mục tiêu cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực sản xuất chip logic tiên tiến xử lý các phép tính phức tạp cho các tác vụ như AI và xử lý dữ liệu. Hiện nay, lĩnh vực này đang được dẫn đầu bởi Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, chuyên sản xuất bộ vi xử lý của iPhone cho Apple Inc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ khuyến khích ngành công nghiệp bán dẫn trong nước bằng việc giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng...

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Được biết, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn đến từ Hà Lan - ASML Holdings NV đã bày tỏ ý định chi 216 triệu USD để xây dựng cơ sở ở Hwaseong. Một công ty khác là Lam Research Corp có trụ sở tại California cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm vào lĩnh vực chip điện tử tại Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc thể hiện mong muốn đào tạo 36.000 chuyên gia về chip từ năm 2022 đến năm 2031, chi tổng cộng 1,3 tỷ USD dành cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, đồng thời, thảo luận về các điều luật có thể thay đổi nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp chip.

Các khoản đầu tư này được đề xuất trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang tìm cách tăng cường khả năng sản xuất chất bán dẫn của họ khi tình trạng thiếu chip toàn cầu đang trở nên trầm trọng. Sự thiếu hụt chip hiện đang lan rộng từ ngành ô tô cho tới điện thoại thông minh đã đưa chất bán dẫn vào chương trình nghị sự của các chính phủ từ Washington đến Brussels và Bắc Kinh.

Xem thêm Mỹ loại 3 ‘đại gia’ viễn thông Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán

Hạnh Chi

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/han-quoc-va-ke-hoach-dau-tu-hon-450-ty-usd-xay-co-so-san-xuat-chip-dien-tu-lon-nhat-the-gioi-20180504224253028.htm