Hàn Quốc từng chi 200 triệu USD cho Triều Tiên để tổ chức hội nghị

Năm 2000, chính phủ Hàn Quốc bí mật chi 200 triệu USD cho Triều Tiên để Bình Nhưỡng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Vụ việc khiến 6 người bị truy tố.

Kể từ khi Hiệp định Đình chiến được ký kết vào năm 1953 đến nay, mối quan hệ liên Triều luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Sự bất đồng về quan điểm khiến hai miền Triều Tiên không thể bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhiều nỗ lực đàm phán đã được tiến hành nhưng thành công vẫn rất khiêm tốn.

Từ năm 1953 đến nay, hai miền Triều Tiên mới chỉ 2 lần tổ chức được hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007. Nhiều tuyên bố chung đã được đưa ra kèm theo những hy vọng về việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Hội nghị đầu tiên

Nhậm chức năm 1998, Tổng thống Kim Dae Jung cho triển khai “chính sách Ánh dương” nhằm cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng đang ở thời điểm đối đầu rất căng thẳng.

Giai đoạn này, kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng và vươn lên thành một trong những “con Rồng châu Á”. Trong khi đó, kinh tế Triều Tiên lâm vào khủng hoảng, nạn đói lan rộng đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Chính sách ngoại giao mới của Seoul nhằm thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa hai miền. Hàn Quốc muốn lôi kéo Triều Tiên thông qua hợp tác hơn là duy trì chính sách đối đầu như hiện tại.

Cái bắt tay đầy hy vọng giữa Tổng thống Kim Dae Jung (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 2000. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Cái bắt tay đầy hy vọng giữa Tổng thống Kim Dae Jung (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 2000. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chính sách mới mở ra kỷ nguyên nhằm xác định lại Triều Tiên là “bạn chứ không phải thù”. Hàng trăm gia đình bị ly tán trong chiến tranh có cơ hội đoàn tụ nhờ chính sách mới. Sau một số cuộc gặp tiền trạm, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra từ ngày 13-15/6/2000 tại Bình Nhưỡng.

Tham dự hội nghị có Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và các quan chức cấp cao. Ngày 15/6, hai bên ra tuyên bố chung gồm 8 điểm, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm căng thẳng quân sự, thiết lập hòa bình vĩnh viễn, tập trung vào sự tin tưởng lẫn nhau để vượt qua sự khác biệt về hệ tư tưởng.

Tuyên bố chung được đánh giá là một thành công lớn. Tổng thống Kim Dae Jung được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 cho những nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, cuộc điều tra vào năm 2003 tiết lộ nhiều tình tiết “động trời” về thành công thực sự của hội nghị.

Theo AP, để tổ chức được Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, chính phủ Tổng thống Kim Dae Jung phải bí mật trả cho Triều Tiên 200 triệu USD, có nguồn nói rằng con số lên đến 500 triệu USD. Số tiền này được chi cho Bình Nhưỡng thông qua Hyundai Asan, công ty con của tập đoàn Hyundai dưới hình thức đầu tư du lịch tại Triều Tiên.

Vụ việc trở thành một trong những bê bối chính trị lớn nhất Hàn Quốc những năm 2000. Tổng thống Kim Dae Jung bị cáo buộc dùng tiền để mua giải Nobel Hòa bình. 6 doanh nhân cùng 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Kim Dae Jung liên quan đến vụ việc bị truy tố.

Cuộc hội đàm cấp cao năm 2007

Năm 2003, Tổng thống Roh Moo Hyun đắc cử, ông tiếp tục duy trì "chính sách Ánh dương" của người tiền nhiệm nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều. Hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng nhưng tinh thần chung vẫn được duy trì.

Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 nhằm cụ thể hóa tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 được tổ chức từ ngày 2-4/10/2007 cũng tại Bình Nhưỡng.

Khác với cuộc gặp lần trước, Tổng thống Roh Moo Hyun di chuyển đến Bình Nhưỡng bằng đường bộ để hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên vượt qua ranh giới quân sự trên bộ.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il trong tiệc chiêu đãi tại Bình Nhưỡng vào năm 2007. Tân Hoa Xã.

Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo hai nước khẳng định lại tinh thần của tuyên bố chung ngày 15/6/2000, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao khác để cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều. Ngày 4/10, nhà lãnh đạo hai miền ký bản tuyên bố hòa bình. Tài liệu này kêu gọi cuộc đàm phán quốc tế nhằm tiến tới ký hiệp định hòa bình thay cho hiệp định đình chiến.

Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 2 vào năm 2009 khiến quan hệ 2 miền trở lại thế đối đầu. Ngoài ra, Tổng thống Lee Myung Bak nhậm chức từ năm 2008 đã từ bỏ chính sách Ánh dương và áp dụng chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Đặc biệt, Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un từ khi tiếp quản chức vụ từ cha mình là Kim Jong Il vào năm 2012 liên tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa. Năm 2017 ghi nhận tần suất phóng thử tên lửa chưa từng có của Bình Nhưỡng, trong đó có 3 lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và một lần thử hạt nhân.

Hai miền Triều Tiên liên tục đứng bên “miệng hố chiến tranh”. Ngày 2/1, Seoul đề nghị đối thoại cấp cao với Bình Nhưỡng nhằm giảm nhiệt căng thẳng trong thời điểm diễn ra Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hy vọng về cải thiện quan hệ liên Triều vẫn khá mong manh.

Sức mạnh hủy diệt của tên lửa Triều Tiên Triều Tiên khẳng định tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km, điều này có nghĩa nó có thể tấn công thủ đô Washington D.C. của Mỹ, châu Âu hoặc Australia.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/han-quoc-tung-chi-200-trieu-usd-cho-trieu-tien-de-to-chuc-hoi-nghi-post808900.html